Rác thải nông thôn đang tràn lan
Đại biểu Phạm Sơn (Tánh Linh) nêu thực trạng hiện đang bức xúc ở địa bàn này: Tình hình ô nhiễm từ rác thải khá phổ biến. Nhất là rác thải ở các địa bàn nông thôn. Để xử lý tình hình này, thời gian tới việc đầu tư nhà máy xử lý rác là rất cần thiết. “Trên địa bàn huyện, đi đâu người dân cũng bức xúc vấn đề rác thải, nhất là mùi hôi thối, chuột bọ, ruồi nhặng…” ông Sơn cho biết. Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Phú Hoàng (Tuy Phong) thì hiến kế nên trích kinh phí hoạt động để thành lập nhóm hoặc tổ phục vụ thu gom rác. Trước mắt làm thí điểm tại khu nhiệt điện Vĩnh Tân, sau đó nhân rộng ra các địa phương khác. Đại biểu Đỗ Duy Tiến (Hàm Tân) bức xúc về tình trạng ô nhiễm của các trại chăn nuôi heo công nghiệp kéo dài, gây bức xúc trong khu dân cư.
Ông Hồ Lâm - Giám đốc Sở TNMT cho biết: toàn tỉnh có 34 trang trại chăn nuôi heo. Tình hình ô nhiễm môi trường ở các trại heo này luôn được đặt ra. Sở đều tổ chức kiểm tra, nhất là các cơ sở chăn nuôi heo. Theo quy định chuẩn trước đây, trang trại chăn nuôi heo phải cách khu dân cư là 500 mét, hiện tại không còn phù hợp nữa. Sẽ có kế hoạch rà soát nếu có nguy cơ ô nhiễm sẽ xử lý.
Nhà máy xử lý rác ở huyện Tánh Linh đang có kế hoạch quy hoạch, xác định vị trí quy hoạch phải đảm bảo về môi trường, ông Lâm đề nghị địa phương cần lưu ý khi quy hoạch nhà máy.
Cần có giải pháp cho quy hoạch treo, dự án treo
Đại biểu Phạm Thị Minh Hiếu (Phan Thiết) đề cập đến tình hình giã cào bay vẫn chưa có giải pháp “trị” dứt điểm. Do đó, cần tăng cường tuần tra kiểm soát tình trạng giã cào bay. Phải tăng cường phương tiện đóng mới tàu cano, bổ sung kinh phí và tăng lực lượng thanh tra thủy sản. Hiện toàn tỉnh chỉ có 2 tàu lớn, 5 cano nhỏ, lực lượng thanh tra chỉ có 36 người, với ngư trường rộng, một tháng hoạt động 25 ngày sẽ rất khó khăn. Do đó, sớm trang bị phương tiện tàu tuần tra cho lực lượng thanh tra thủy sản tạo điều kiện cho công tác kiểm tra.
Bức xúc về quy hoạch treo, đại biểu Hiếu cho biết: Quy hoạch treo đang ảnh hưởng lớn đến đời sống nhân dân, tất cả đều bị “tê liệt” từ việc sửa chữa, xây nhà, tách thửa, ủy quyền thừa kế, vay ngân hàng…đều không được, khiến nhiều nơi người dân rất bức xúc. Vì vậy, tỉnh cần, kiên quyết chỉ đạo rà soát tình trạng dự án treo. Tránh dự án đầu tư bằng nguồn vốn ngoài ngân sách 5 năm, 10 năm vẫn chưa hoàn thành.
Môi trường đầu tư của tỉnh còn nhiều điểm hấp dẫn
Giám đốc Sở KH&ĐT Lê Tuấn Phong cho biết: Tính đến tháng 11/2016, toàn tỉnh thu hút đầu tư 99 dự án, với tổng số vốn hơn 28 nghìn tỉ đồng. Thu hút 9 dự án mới trong KCN, trong đó có 4 dự án FDI, tăng hơn so cùng kỳ. Môi trường đầu tư của tỉnh vẫn còn nhiều điểm hấp dẫn, tiếp tục thu hút đầu tư. Tuy nhiên, hạ tầng đối ngoại chưa có đường cao tốc, làm ảnh hưởng đến cơ hội đầu tư của tỉnh. Điều kiện cảng biển còn nhiều hạn chế, nên việc vận chuyển hàng hóa xuất khẩu sẽ rất khó khăn. Các chính sách về ưu đãi đầu tư tiếp tục phải được xem xét. Thời gian qua, quy trình giải quyết đầu tư cũng được rút ngắn, đơn giản, tạo mọi điều kiện thu hút các nhà đầu tư. Lựa chọn nhà đầu tư cũng cần phải tích cực và có năng lực. Tình trạng chồng lấn quy hoạch, nhất là quy hoạch khoáng sản vẫn tồn tại, sẽ được tháo gỡ thời gian tới. Ông Phong cho biết, việc rà soát các dự án được làm thường xuyên, 21 dự án được thu hồi trong năm, mời hơn 80 chủ đầu tư dự án để rà soát tiến độ. Tại La Gi có 39 dự án du lịch, 23 dự án chậm triển khai. Hầu hết vướng mắc đều do khai thác cát đen.
Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Mạnh Hùng cũng nhấn mạnh: Đầu năm 2017 HĐND tỉnh tiến hành giám sát tình hình ô nhiễm môi trường tại Vĩnh Tân. Do đó, môi trường nhiệt điện Vĩnh Tân sẽ được giám sát một cách đặc biệt.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Hai: Không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế “Việc nhấn chìm 1,5 triệu mét khối vật liệu nạo vét tại biển Vĩnh Tân cũng như điều chỉnh một phần diện tích ở khu bảo tồn Hòn Cau, quan điểm của tỉnh là không đánh đổi môi trường lấy kinh tế gây ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân, khu bảo tồn biển; bảo vệ môi trường là yêu cầu xuyên suốt trong quá trình phát triển kinh tế”, chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh. Chủ trương của tỉnh luôn bảo vệ không ảnh hưởng đến môi trường khu vực Hòn Cau. Ông Hai cho biết, nội dung này đã được đưa vào chương trình giám sát của Quốc hội thời gian tới. Điều chỉnh diện tích Hòn Cau thuộc thẩm quyền của Chính phủ. Không có chủ trương nào xén cắt diện tích ở Hòn Cau, đồng thời không giao cho cá nhân, tổ chức nào cả, diện tích đất đó của Nhà nước. |
K.Ngọc