Theo dõi trên

Phấn đấu vượt mức các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của năm 2024

29/10/2024, 05:08

Những tháng cuối năm 2024 đặt ra nhiều thách thức đối với nền kinh tế - xã hội Việt Nam nói chung và tỉnh Bình Thuận nói riêng khi phải đối mặt với hàng loạt biến động lớn từ bên ngoài. Đồng thời ảnh hưởng của sự thay đổi của các chuỗi cung ứng toàn cầu và những biến động từ thị trường quốc tế cũng đang tạo ra nhiều sức ép. Chính vì vậy, tỉnh sẽ có các giải pháp dài hơi để đảm bảo sự ổn định và phát triển bền vững.

Tăng trưởng khả quan hơn trong quý III/2024

Dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam trong cả năm 2024 có thể đạt từ 5,5% đến 6,0%, dựa trên các yếu tố như sự phục hồi mạnh mẽ của ngành dịch vụ và công nghiệp chế biến, chế tạo. Tuy nhiên, mức tăng trưởng này vẫn thấp hơn so với kỳ vọng ban đầu là 6,5% đến 7%, do ảnh hưởng từ giá nguyên liệu đầu vào tăng cao và sự suy giảm cầu tiêu dùng trong nước và quốc tế. Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê (GSO), sản lượng công nghiệp trong tháng 9/2024 đã giảm 1,2% so với tháng trước, điều này phản ánh áp lực lớn mà các doanh nghiệp đang phải đối mặt trong bối cảnh giá nguyên vật liệu và năng lượng tăng cao. Trong nửa đầu năm của năm 2024, Bình Thuận chỉ duy trì mức tăng trưởng khá. Theo đánh giá của Cục Thống kê tỉnh, mức tăng này tuy không đạt kỳ vọng theo kế hoạch đã đề ra, tuy nhiên đây là mức tăng trưởng khá so với mặt bằng chung của cả nước. Đối với ngành công nghiệp sản xuất chế biến, chế tạo có sự khởi sắc, đây là tín hiệu tích cực cho nền kinh tế của tỉnh phát triển từ nay đến cuối năm 2024 và những năm tiếp theo. Tuy vậy, tình hình hoạt động của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số khó khăn nhất định, điều này thể hiện rõ qua số liệu thống kê trong nửa đầu năm 2024. Cụ thể toàn tỉnh có 419 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, tăng 25,83%; 170 doanh nghiệp đã giải thể, tăng 25,93%. Trong khi đó, chỉ có 565 doanh nghiệp thành lập mới, giảm 7,83% so cùng kỳ, tổng số vốn đăng ký là 2.321,9 tỷ đồng, giảm 40,92 so cùng kỳ.

dn.jpg
Hoạt động sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp trong KCN trên địa bàn Bình Thuận.

Bước sang quý III/2024, tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đã có bước phát triển khả quan hơn. Đặc biệt là trong 9 tháng năm 2024, 3 trụ cột kinh tế của tỉnh phát triển ổn định hơn. Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp (IIP) tăng 8,8% so cùng kỳ, một số nhóm ngành cơ bản tăng khá như: Công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 6,1%; sản xuất và phân phối điện, khí đốt tăng 10,2%; có 9/16 sản phẩm sản xuất công nghiệp chủ yếu tăng so cùng kỳ. Bên cạnh đó, hoạt động du lịch phục hồi mạnh mẽ, toàn tỉnh đón 7,33 triệu lượt khách, tăng 11,42% so cùng kỳ, doanh thu 18.630 tỷ đồng, tăng 8,47% so cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu đạt 695,1 triệu USD, tăng 7,06% so cùng kỳ, tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt 33.080 tỷ đồng, đạt 67,18% kế hoạch năm, tăng 9,6% so cùng kỳ.

Phấn đấu vượt các chỉ tiêu đã đề ra

Những tháng cuối năm, Bình Thuận xác định tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Theo đó tỉnh sẽ rà soát, kịp thời tháo gỡ những khó khăn theo thẩm quyền, nhất là trong quá trình thực hiện Luật Đất đai năm 2024, ban hành một số quy định thuộc thẩm quyền của tỉnh. Đẩy nhanh tiến độ điều chỉnh phê duyệt các quy hoạch, trong đó có quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, chi tiết đồng bộ với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Trên cơ sở đó, triển khai các dự án, thu hút nhiều nhà đầu tư mới, thúc đẩy kinh tế phát triển. Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ đầu tư kết cấu hạ tầng, nhất là các khu, cụm công nghiệp, trước mắt tập trung cao độ thu hồi đất, nhất là KCN Tân Đức, Sơn Mỹ 1. Bên cạnh đó, đẩy mạnh các giải pháp huy động khai thác các nguồn thu, nhất là các nguồn thu có tỷ trọng lớn. Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, phấn đấu đạt 95% theo kế hoạch đề ra vào cuối năm 2024...

Để đạt được các mục tiêu đó, lãnh đạo tỉnh cho biết, các cấp, ngành cần tập trung bám sát chương trình, nghị quyết của Tỉnh ủy về phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh năm 2024, để thực hiện đạt kết quả cao nhất. Ban cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo, lãnh đạo rà soát, kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc theo thẩm quyền, ban hành một số quy định thuộc thẩm quyền của tỉnh. Đẩy nhanh tiến độ điều chỉnh, phê duyệt các quy hoạch để các dự án có cơ sở triển khai và thu hút thêm các nhà đầu tư mới. Đồng thời đẩy nhanh tiến độ đầu tư kết cấu hạ tầng, nhất là các khu, cụm công nghiệp. Tập trung công tác thu ngân sách nhà nước, khai thác thêm từ các nguồn thu còn tiềm năng, điều hành ngân sách linh hoạt, hiệu quả tiết kiệm, đúng quy định. Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, thực hiện các công trình dự án trọng điểm, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các dự án trọng điểm…

Được biết, năm 2024 tỉnh đề ra 17 chỉ tiêu chủ yếu. Nổi bật là tổng sản phẩm nội tỉnh GRDP tăng 8 đến 8,5%. Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội 6,4%. Kim ngạch xuất khẩu khoảng 1.011 triệu USD. Thu ngân sách nhà nước 10.000 tỷ đồng... Tập trung cải thiện các Chỉ số PAR Index, SIPAS, PAPI, PCI&PGI, đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh đảm bảo hiệu quả, thực chất. Đẩy mạnh hoạt động chuyển đổi số, phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số trong năm 2024. Tận dụng, phát huy tối đa các cơ hội tiềm năng, lợi thế so sánh của tỉnh, thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp tái cơ cấu lại nền kinh tế, nhất là 3 trụ cột: Công nghiệp - du lịch và nông nghiệp. Cùng với đó, phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa, xã hội gắn với bảo đảm an sinh xã hội, thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân…

PHAN LIÊN


(0) Bình luận
Bài liên quan
Diện mạo mới vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Nhiều chính sách, chương trình, đề án hỗ trợ vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) đã được tỉnh quan tâm đầu tư, triển khai đồng bộ, hiệu quả. Từ đó, góp phần đẩy nhanh phát triển kinh tế - xã hội, ổn định an ninh chính trị, làm thay đổi căn bản diện mạo vùng DTTS.
Nổi bật
Về miền Tây thăm “Vườn ông Sáu Dân”
Vừa qua, trong chuyến công tác tại một số tỉnh miền Tây, ghé Vĩnh Long, chúng tôi được giới thiệu tham quan khu lưu niệm cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt hay còn gọi là “Vườn ông Sáu Dân”. Với kiến trúc không gian mở, thiết kế hiện đại, ứng dụng công nghệ số, khu lưu niệm đã tạo nên nét riêng, dung hòa giữa sự trang trọng, thành kính, sâu lắng và sự thân thiện, gần gũi để từ đó truyền tải thông điệp về quê hương, gia đình, cuộc đời, sự nghiệp và những đóng góp to lớn, quan trọng của cố Thủ tướng Võ Văn
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phấn đấu vượt mức các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của năm 2024