Theo dõi trên

Phân loại rác tại nguồn: Tại sao khó?

18/11/2024, 05:15

Từ ngày 1/1/2025, việc phân loại rác tại nguồn sẽ trở thành yêu cầu bắt buộc theo quy định của Luật Bảo vệ Môi trường 2020. Chỉ còn hơn 1 tháng nữa, luật trên sẽ có hiệu lực, thế nhưng tiến độ triển khai ở một số địa phương còn rất hạn chế và khó khăn, nhất là bắt đầu từ việc nâng cao ý thức người dân.

Loay hoay

Việc phân loại rác tại nguồn không phải là câu chuyện mới mà đã được triển khai gần 20 năm trước ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP. HCM, Đà Nẵng… Nhưng những mô hình thí điểm ấy chỉ chạy tốt trong giai đoạn dự án, sau đó thì mai một dần và người dân lại quay về thói quen cũ. Vì thế, nhiều người nói vui quy trình phân loại rác bao nhiêu năm qua, vẫn “do một tay các bà đồng nát lo liệu”. Một trong những nguyên nhân chính khiến tình trạng phân loại rác tại nguồn rơi vào ngõ cụt, là do thiếu sự đồng bộ trong cách làm từ người dân đến chính quyền địa phương. Người dân chưa có thói quen phân loại rác, dẫn đến tất cả các loại rác được dồn chung 1 túi, làm cho việc xử lý và tái sử dụng trở nên khó khăn hơn. Bên cạnh đó, hạ tầng kỹ thuật và công nghệ xử lý rác thải hữu cơ còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế.

anhthu19121.jpg
Ra mắt “Mô hình phân loại, xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình” tại xã Bình Thạnh.

Còn nhớ vài năm trước, Tỉnh đoàn đã ra mắt “Mô hình phân loại, xử lý rác thải hữu cơ tại hộ gia đình” cho 50 hộ dân ở xã Bình Thạnh – huyện Tuy Phong. Mỗi hộ gia đình lúc ấy được tặng 2 thùng rác (hữu cơ và vô cơ), 2 nắp đậy hố rác gia đình, 2 túi chế phẩm sinh học để ủ rác, sau đó làm phân hữu cơ vi sinh bón cho cây, chôn lấp trong vườn để cải tạo đất. Có lẽ đây là địa phương được triển khai nhiều mô hình liên quan đến phân loại rác thải sinh hoạt và triển khai khá sớm, nhờ đó đến thời điểm này còn nhiều hộ vẫn duy trì thói quen trên. Hay tại xã Vĩnh Tân (huyện Tuy Phong), một nhóm các chị em phụ nữ nhiều năm nay đã thực hiện việc hạn chế rác thải hữu cơ ra môi trường bằng cách sắm cho mỗi nhà 1 cái xô nhỏ đựng thức ăn thừa. Hằng ngày, tầm 4 – 5 giờ chiều sẽ có người đến tận nhà gom về nấu thức ăn cho gia súc, gia cầm.

Song song đó, nhiều địa phương khác, nhất là những xã đã và đang xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu, nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền và triển khai đồng bộ, nên bước đầu người dân đã hình thành thói quen phân loại rác khá bài bản và có sự giám sát của chính quyền địa phương.

Đến thời điểm này, còn nhiều hộ ở Bình Thạnh vẫn duy trì thói quen phân loại rác, ủ rác làm phân hữu cơ vi sinh bón cho cây.

39dbac3c1a1fde41870e.jpg
Đến thời điểm này, còn nhiều hộ ỡ Bình Thạnh vẫn duy trì thói quen phân loại rác, ủ rác làm phân hữu cơ vi sinh bón cho cây.

Khó… nhưng phải làm

Việc phân loại rác tại nguồn sẽ góp phần làm giảm khối lượng rác thải sinh hoạt phát sinh phải vận chuyển, xử lý. Đồng thời tăng cường tái sử dụng chất thải hữu cơ, tạo nguồn phân bón sạch cho cây trồng, giảm chi phí trong sản xuất nông nghiệp, giảm thiểu ô nhiễm và các dịch bệnh từ rác thải gây ra, đem lại lợi ích to lớn về môi trường, kinh tế - xã hội. Biết là vậy, nên người dân ở những khu dân cư đạt chuẩn nông thôn mới rất đồng tình ủng hộ. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra, chỉ cần tuyên truyền, hướng dẫn một thời gian người dân sẽ thực hiện được việc phân loại rác theo 3 loại như quy định. Tuy nhiên chưa thấy ngành chức năng công bố giải pháp cho quy trình vận chuyển rác đã phân loại. Đây là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến việc phân loại rác tại nguồn tưởng dễ mà thành ra lại khó!?

f7f74a67f14635186c57.jpg
Nhiều nơi, người dân vẫn còn thói quen đổ rác sinh hoạt xuống biển (ảnh: N. Lân)

Tại hội thảo “Trao đổi về công tác triển khai phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại các địa phương” do Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức vừa qua, một số địa phương đang làm thí điểm đều than khó để duy trì, nhân rộng vì thiếu nhân lực, nguồn lực, trang thiết bị thu gom, vận chuyển cũng như kho bãi lưu chứa… chưa kể đến các chế tài, nếu người dân không thực hiện đúng cũng như việc thu tiền rác tính toán ra sao. Ngay cả khi các hộ dân đã có ý thức, nỗ lực phân loại rác tại nguồn, nhưng quy trình tập kết và vận chuyển rác thải vận hành như cũ; nghĩa là các loại rác đã phân loại vẫn cứ bị trộn lẫn vào nhau đi đến bãi rác, thì việc thực hiện chính sách cứ mãi lẩn quẩn, không lối thoát.

6c4be9f233d3f78daec2.jpg
Việc phân loại rác tại nguồn sẽ góp phần làm giảm khối lượng rác thải sinh hoạt phát sinh phải vận chuyển, xử lý.

Được biết, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 890 ngày 16/4/2024, kế hoạch phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn tỉnh. UBND tỉnh đề ra mục tiêu trong năm 2024, UBND cấp huyện, cấp xã ban hành kế hoạch, mô hình phân loại thu gom, tập kết, vận chuyển, xử lý, tái chế chất thải rắn sinh hoạt phù hợp thực tế từng địa phương. Các địa phương thiết kế các bộ tài liệu tuyên truyền phân loại chất thải sinh hoạt tại nguồn, thành lập đội ngũ tuyên truyền cấp huyện, cấp xã đến hộ gia đình trong cộng đồng dân cư. Mục tiêu của tỉnh, đến năm 2025 là 100% tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh được trang bị kiến thức về phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn. Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được phân loại tại nguồn tại các phường, thị trấn đạt tỷ lệ 70%, ở xã tỷ lệ 30%. Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt đô thị được thu gom, xử lý theo đúng quy định đạt 90%. Tỷ lệ chất thải nguy hại được thu gom vận chuyển, xử lý đạt 98%...

z6038722328536_4130be9db20856072885e7a18fbc9fb2.jpg
Xã Tân Hải thực hiện việc phân loại rác khá bài bản.

Mục tiêu cụ thể đã có, luật cũng đã ban hành, dù khó nhưng nếu chính quyền và nhân dân cùng quyết tâm, có lộ trình cụ thể, giải pháp khả thi thì việc phân loại rác tại nguồn sẽ không còn rơi vào ngõ cụt như bấy lâu.

MINH VÂN


(1) Bình luận
Bài liên quan
Tập dần thói quen phân loại rác
Dù chưa xử phạt nhưng Nghị định số 45/2022/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường (BVMT) có hiệu lực từ ngày 25/8 được kỳ vọng sẽ góp phần tích cực trong việc ngăn chặn, xử lý các vi phạm về môi trường…
Nổi bật
Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024): 80 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành
Ngày 22/12/1944, tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là xóm Nà Sang, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐND Việt Nam) được thành lập theo Chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh. Ngày 22/12/2024 tròn 80 năm kỷ niệm sự kiện đặc biệt quan trọng này: Ngày thành lập QĐND Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phân loại rác tại nguồn: Tại sao khó?