Phan Thiết thay đổi
Nổi bật là từ tết Nguyên đán năm 2019 đến nay, thành phố Phan Thiết tổ chức đường hoa xuân, bắn pháo hoa vào thời khắc giao thừa kết hợp nhiều loại hình vui chơi, giải trí phục vụ tốt nhu cầu tham quan, vui xuân đón tết của nhân dân. Việc trùng tu, tôn tạo các di tích và tổ chức các lễ hội hàng năm vừa phục vụ tốt đời sống văn hóa nhân dân địa phương, vừa thu hút khách du lịch như lễ hội đua thuyền, chạy vượt đồi cát, lễ hội cầu ngư, nghinh ông, trung thu, đua xe đạp truyền thống... Các di tích được trùng tu, tôn tạo như: Nhà trưng bày bộ cốt Ông Nam Hải (Cá Voi) tại khu di tích Vạn Thủy Tú, Đình làng Đức Thắng, chùa Bà Đức Sanh, tháp nước...
Ông Nguyễn Nam Long – Phó Chủ tịch UBND TP. Phan Thiết, cho biết: “Trong những năm qua, Phan Thiết luôn quan tâm đến công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết 33 và đạt được một số kết quả nhất định, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Công tác xã hội hóa nguồn đầu tư phát triển lĩnh vực văn hóa được quan tâm nhằm đa dạng hóa nguồn lực đầu tư phát triển lĩnh vực văn hóa.
Để Nghị quyết 33-NQ/TW đi vào đời sống, TP. Phan Thiết đã được tư nhân đầu tư 23 sân bóng chuyền, 4 sân quần vợt, 9 bể bơi, 8 cơ sở bóng bàn, 20 phòng tập võ thuật, 23 sân cầu lông, 30 sân bóng mini cỏ nhân tạo... Nhiều dự án về du lịch, khu vui chơi giải trí được đầu tư xây dựng đưa vào khai thác trên địa bàn Phan Thiết.
Ông Nguyễn Thế Dũng - Trưởng phòng Văn hóa TP. Phan Thiết, cho hay: “Nếu không có sự đồng hành nhiệt tình của những đơn vị, doanh nghiệp như Nam A Bank, BIDV, Công ty TNHH TM DV Mỹ Thuật... thì không chỉ lĩnh vực văn hóa, mà thể thao hay các sự kiện khó mà tổ chức tốt được, ngân sách nhà nước không thể kham nổi”.
Xã hội hóa - không dễ
Việc thực hiện chủ trương xã hội hóa nguồn vốn đầu tư phát triển lĩnh vực văn hóa trên địa bàn trong thời gian qua vẫn còn không ít hạn chế, khó khăn. Nguyên nhân là do nguồn lực đầu tư của Nhà nước cho lĩnh vực văn hóa còn hạn chế, các thiết chế văn hóa còn ở quy mô nhỏ; các chính sách ưu đãi, khuyến khích các thành phần xã hội tham gia đầu tư phát triển văn hóa như miễn, giảm thuế, ghi công cho các khoản đóng góp, tài trợ... chưa tương xứng, chưa tạo được động lực cho các cá nhân, tổ chức, cộng đồng.
Theo ông Nguyễn Nam Long, đa số các tổ chức, cá nhân tập trung xã hội hóa ở lĩnh vực thể thao, khu vui chơi có quy mô nhỏ, hiệu quả chưa cao, còn lại hầu như không có nguồn đầu tư trên lĩnh vực văn hóa. Quỹ đầu tư, kinh phí dành cho hoạt động văn hóa khó khăn, chưa tương xứng. Công tác tuyên truyền, vận động có lúc có nơi chưa được quan tâm đúng mức dẫn đến nhận thức chưa đầy đủ về xã hội hóa.
“Để công tác xã hội hóa hoạt động văn hóa thu hút được các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp tham gia đầu tư đạt hiệu quả thì cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền. Đổi mới phương thức quản lý, cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường thông thoáng, thuận lợi để toàn xã hội tham gia tổ chức các hoạt động văn hóa vì cộng đồng, đáp ứng được nhu cầu tinh thần của nhân dân. Khuyến khích, phát huy sự chủ động của các chủ thể tham gia vào tổ chức các hoạt động văn hóa; tăng mức đầu tư cho văn hóa trong tổng chi ngân sách nhà nước hàng năm bảo đảm thực hiện đúng theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Đó là: Tăng đầu tư cho phát triển sự nghiệp văn hóa. Xây dựng, phát triển, tạo môi trường và điều kiện xã hội thuận lợi nhất để khơi dậy truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc, niềm tin, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; tài năng, trí tuệ, phẩm chất của con người Việt Nam là trung tâm, mục tiêu và động lực phát triển quan trọng nhất của đất nước” - ông Nguyễn Nam Long cho biết thêm.