Rà soát, nỗ lực xóa bỏ tàu cá “3 không”
Vấn đề tồn tại số lượng lớn tàu cá "3 không" sẽ gây khó khăn, bất cập trong quản lý, giám sát hoạt động tàu cá, ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện các khuyến nghị của Ủy ban châu Âu về chống khai thác IUU. Chính vì thế, hiện nay, thành phố đang quyết liệt rà soát, giám sát các tàu cá "3 không", nhất là các tàu có chiều dài dưới 6 m và từ 6-12 m; vận động ngư dân làm các thủ tục để đăng ký, đăng kiểm tàu cá, nhằm có đầy đủ hồ sơ, giấy tờ để được cấp giấy phép khai thác thủy sản theo quy định, hoặc xóa đăng ký tàu cá đối với các tàu không còn hoạt động, không liên hệ được với người mua tàu...
Theo Quyết định số 1270/QĐ-UBND ngày 1/7/2024 của UBND tỉnh, TP. Phan Thiết hiện có 436 tàu cá nằm trong diện "3 không". Tuy nhiên, sau khi kiểm tra thực tế có 2 tàu dưới 6m và 2 tàu đã giải bản, nằm trong số 183 tàu thuộc diện đăng ký tạm lần 2. Ngoài ra, có 3 tàu bị trùng số liệu (2 tàu tại Hưng Long và 1 tàu tại Đức Thắng). Như vậy, tổng số tàu cá “3 không” được chuyển sang đăng ký chính thức là 429 chiếc, bao gồm 369 tàu dưới 12m và 60 tàu từ 12m trở lên.
Ông Nguyễn Văn Nghị - Trưởng phòng Kinh tế TP Phan Thiết cho biết, tính đến ngày 20/9, trong số 429 tàu đã nhận thông báo thuế trước bạ, trong đó 357 tàu đã được cấp đăng ký và 354 tàu có giấy phép khai thác. Hiện còn 52 tàu, hồ sơ vẫn đang tồn đọng tại Trung tâm Hành chính công. Nhự vậy, số tàu cá theo Thông tư 06 làm thủ tục hồ sơ để đăng ký lại của thành phố hiện đã đạt 95% tổng số tàu cá đã công bố, số còn lại vẫn đang tiếp tục thực hiện, phấn đấu hoàn thành đạt 100% trong tháng 9 này.
Xử phạt nghiêm và quản lý chặt chẽ nhóm tàu nguy cơ vi phạm
Song song với việc rà soát, Phan Thiết cũng đẩy mạnh công tác xử phạt theo Nghị định 38. Ngày 5/9/2024, UBND thành phố đã xử phạt 3 trường hợp vi phạm trong khai thác thủy sản, với tổng số tiền 170 triệu đồng. Trong đó, Đồn Biên phòng Thanh Hải xử phạt 2 trường hợp sử dụng tàu cá dài từ 15 m trở lên khai thác sai ngành nghề ghi trong giấy phép. Trạm Kiểm ngư Phan Thiết xử phạt thêm 1 trường hợp sử dụng tàu dài từ 15 đến dưới 24 m khai thác sai vùng biển và không đúng ngành nghề. Tính đến nay, UBND thành phố đã xử phạt 5 trường hợp vi phạm theo Nghị định 38 với tổng số tiền 220 triệu đồng. Đối với quy trình xử phạt theo Nghị định số 38 đã hoàn thành Dự thảo và đã lấy ý kiến các đơn vị, địa phương có liên quan và ban hành theo quy định.
Tuyên truyền ngư dân Phan Thiết phòng chống IUU (ảnh tư liệu)
Không chỉ dừng lại ở việc xử phạt, Phan Thiết cũng chú trọng giám sát nhóm tàu có nguy cơ vi phạm vùng biển nước ngoài. Đến nay, thành phố đã hoàn tất rà soát 13 tàu có nguy cơ cao, đồng thời tiếp tục chỉ đạo các địa phương tiếp tục rà soát thống kê các tàu cá có nguy cơ vi phạm vùng biển nước ngoài trên địa bàn quản lý. Để quản lý, giám sát, kiểm soát nhóm tàu này, UBND thành phố đã chỉ đạo các địa phương có liên quan phối hợp các Đồn Biên phòng đóng chân trên địa bàn yêu cầu các chủ tàu ký cam kết không vi phạm vùng biển nước ngoài, đồng thời phân công cán bộ địa phương trực tiếp theo dõi, giám sát các tàu cá có nguy cơ cao. Đối với 4 tàu ngừng hoạt động chưa lắp đặt VMS, UBND thành phố chỉ đạo các địa phương có liên quan: Tiến Lợi, Phú Hài, Đức Long cử cán bộ theo dõi và hàng tuần chụp ảnh vị trí neo đậu của tàu (từ khi ngừng hoạt động đến nay tàu cá không thay đổi vị trí neo đậu).
Với quyết tâm không để xảy ra vi phạm vùng biển nước ngoài, đặc biệt trước đợt kiểm tra lần 5 của Ủy ban châu Âu (EC) vào tháng 10/2024, UBND TP. Phan Thiết tiếp tục chỉ đạo các đơn vị, địa phương thực hiện hiệu quả công tác chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), đặc biệt chú trọng Chỉ thị 30-CT/TU ngày 16/01/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Cụ thể, thành phố sẽ phối hợp cùng các ngành chức năng của tỉnh khắc phục những hạn chế đã được Trung ương chỉ ra, hoàn thành việc đăng ký, đăng kiểm đối với tàu cá "3 không". Tuyên truyền sâu rộng về chủ trương của Chính phủ và tỉnh, phổ biến cụ thể các vùng biển được và không được phép khai thác đến từng chủ tàu cá.
Công tác thống kê và phân loại các nhóm nghề dễ xâm phạm vùng biển nước ngoài cũng được tiếp tục thực hiện, yêu cầu các hộ ký cam kết không vi phạm hàng năm. Đồng thời, tăng cường giám sát, kiểm tra và nắm bắt thông tin qua nhiều kênh để kịp thời ngăn chặn các trường hợp cố tình vi phạm. Củng cố và tăng cường hoạt động của các Tổ đoàn kết khai thác hải sản, nhằm phát hiện và ngăn chặn sớm các ý đồ vi phạm.