Theo dõi trên

Phát huy 4 phẩm chất của người phụ nữ Việt Nam

14/06/2016, 08:42

BT - Đề án “Tuyên truyền, giáo dục phẩm chất, đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” (gọi tắt là Đề án 343) đã tác động tích cực đến nhận thức, thái độ, hành vi của chị em trong việc giữ gìn, phát huy những phẩm chất đạo đức tốt đẹp của người phụ nữ Việt Nam, góp phần nâng cao vị thế và tôn vinh giá trị người phụ nữ.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền

Bà Lê Thị Hải Yến  - Chủ tịch Hội Phụ nữ tỉnh cho biết: Trong thời gian qua, hội phụ nữ các cấp trong tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục phẩm chất đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, như thành lập các câu lạc bộ hát ru, hát dân ca, phát động thi viết những tấm gương phụ nữ “tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang”, tổ chức tọa đàm, sinh hoạt chi, tổ hội, các hội thi tìm hiểu kiến thức pháp luật và gia đình, gia đình hạnh phúc, chuẩn mực người phụ nữ mới. Đồng thời phối hợp các sở, ban ngành biên soạn tài liệu tuyên truyền, xây dựng chuyên mục “Mái ấm gia đình” phát sóng trên truyền hình, chiếu phim lưu động, gặp mặt biểu dương những phụ nữ tiêu biểu trên các lĩnh vực sản xuất, xây dựng gia đình hạnh phúc… 

Đặc biệt để giúp phụ nữ ở những vùng đồng bào dân tộc năng động, tự tin tham gia các hoạt động xã hội, Hội Phụ nữ tỉnh đã tổ chức 8 đợt tuyên truyền phổ biến nội dung cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, “Chung sức chung lòng xây dựng nông thôn mới”, “Bảo vệ môi trường”, “Bình đẳng giới”, thành lập mô hình tổ phụ nữ nuôi con bằng sữa mẹ. Thông qua các buổi gặp gỡ với đơn vị kết nghĩa phụ nữ xã Đông Tiến (Hàm Thuận Bắc), cán bộ, hội viên đã chia sẻ với chị em những kinh nghiệm nuôi dạy con tốt, xây dựng gia đình hạnh phúc, kỹ năng diễn thuyết, tặng quà cho hội viên khó khăn…

Phát triển các mô hình câu lạc bộ

BT - Từ mô hình “Tổ phụ nữ tuyên truyền giáo dục phẩm chất đạo đức phụ nữ Việt Nam” tại 10 xã, phường, thị trấn của các huyện, thị, thành phố với 500 tuyên truyền viên, sau 5 năm đã phát triển thành 105 mô hình với 2.106 thành viên. Qua hoạt động, các mô hình trên đều chú trọng đổi mới hình thức cũng như nội dung nhằm tăng tính hiệu quả trong sinh hoạt. Hình thức tuyên truyền miệng được thay thế bằng các tiểu phẩm tự sáng tác hoặc hái hoa dân chủ, trao đổi, thảo luận… để các thành viên cùng tham gia. Từ đó giúp các thành viên nắm chắc, hiểu đúng những nội dung cơ bản của 4 phẩm chất người phụ nữ trong thời đại mới, đó là “tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang”, thể hiện ý thức trách nhiệm tham gia tích cực các hoạt động của địa phương, nhiệt tình, đoàn kết giúp nhau phát triển sản xuất, góp phần làm giảm tệ nạn xã hội, giữ gìn an ninh trật tự ở thôn, khu phố.

Điển hình như mô hình tại khu phố 3, phường Phú Tài (TP. Phan Thiết), nhờ sự phối hợp của các chị mà số vụ vi phạm pháp luật của thanh thiếu niên giảm, các khoản đóng góp do khu phố vận động tăng. Hay số trường hợp lấy chồng nước ngoài tại phường Bình Tân (La Gi) đã giảm, nhiều chị em thoát nghèo nhờ vay vốn tổ tiết kiệm giúp nhau phát triển kinh tế của phụ nữ phường, tỷ lệ trẻ ra lớp hàng năm tăng. Còn ở thôn Vĩnh Phúc, xã Vĩnh Tân (Tuy Phong) các hộ dân đã ý thức trong việc bỏ rác đúng nơi quy định, chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học… 

Bà Lê Thị Hải Yến cho biết thêm, để đề án giáo dục phẩm chất đạo đức phụ nữ trong thời kỳ mới triển khai sâu rộng hơn, Hội Phụ nữ tỉnh sẽ đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, nhất là hình thức sân khấu hóa phù hợp với từng địa bàn để thu hút các tầng lớp phụ nữ tham gia. Cùng với đó nội dung tuyên truyền phải ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ gắn với truyền thống tốt đẹp của dân tộc, khơi dậy ý thức xây dựng quê hương. Tăng cường bồi dưỡng nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên cơ sở. Tiếp tục xây dựng, nhân rộng các mô hình, điển hình phụ nữ và thực hiện tốt phong trào thi đua yêu nước…     

Thùy Linh



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phát huy 4 phẩm chất của người phụ nữ Việt Nam