Nhà Văn hóa thôn 1 - xã Đa Kai, huyện Đức Linh. |
Đối với các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số, địa phương cũng tích cực đầu tư ngân sách để xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa và hỗ trợ trang thiết bị cho địa bàn cơ sở. Hầu hết các thiết chế nhà văn hóa xã và thôn sau khi xây dựng, đưa vào hoạt động đều phát huy hiệu quả trong việc tổ chức hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao… Từ đó thu hút khá đông người dân đến giao lưu, học hỏi và cùng tham gia biểu diễn tạo không khí sinh hoạt văn hóa vui tươi, lành mạnh gắn với tuyên truyền, giáo dục, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, hiện toàn tỉnh có 1 Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh, 9/10 trung tâm văn hóa và thể thao cấp huyện (riêng Hàm Tân đang tạm sử dụng các thiết chế khác tại địa bàn). Ngoài ra còn có 106/124 trung tâm văn hóa và thể thao cấp xã - phường, 671/691 nhà văn hóa thôn - khu phố đã được trang bị cơ bản hệ thống âm thanh. Số địa bàn còn lại tạm thời sử dụng Trung tâm Học tập cộng đồng, trường học hoặc các nhà dân có điều kiện phù hợp để hoạt động tạm thời. Đến nay Bình Thuận cũng có 28 nhà tập luyện, thi đấu thể thao đa năng, 131 bể bơi (50m, 25m và các loại bể bơi khác), 12 sân vận động có khán đài, 13 sân vận động không có khán đài, 230 sân bóng đá mini, 250 sân bóng chuyền, 13 sân bóng rổ, 230 sân cầu lông, 35 sân quần vợt và 245 câu lạc bộ thể dục, thể thao…
Góp phần đạt kết quả như trên, các địa phương cũng thể hiện quyết tâm thực hiện đầu tư xây dựng mới, nâng cấp cải tạo hoàn thành thiết chế văn hóa cơ sở để sớm đưa vào hoạt động. Nhờ đó bước đầu phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị địa phương, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, vui chơi giải trí của người dân, tạo tiền đề cho việc thực hiện thắng lợi Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới ở Bình Thuận.
Đ.QUỐC