Theo dõi trên

Phát triển đô thị du lịch biển xứng tầm tiềm năng

19/09/2017, 09:19

BT- Là tỉnh nằm ở cực Nam Trung bộ, do vậy Bình Thuận được xem là “cửa ngõ” có mối liên hệ chặt chẽ và chịu tác động mạnh mẽ của địa bàn kinh tế trọng điểm phía Nam. Vị trí địa lý này cũng tạo điều kiện thuận lợi để địa phương phát triển về mọi mặt khi chỉ cách TP. Hồ Chí Minh 198 km, cách TP. Vũng Tàu (Bà Rịa - Vũng Tàu) 150 km, cách TP. Đà Lạt (Lâm Đồng) 175 km…

                
Một góc khu phức hợp Sea Links City - TP.    Phan Thiết.

Song song với sự phát triển kinh tế - xã hội mà “điểm sáng” là lĩnh vực du lịch - dịch vụ, do vậy những năm qua tốc độ đô thị hóa trên địa bàn Bình Thuận cũng diễn ra khá nhanh. Vấn đề này đòi hỏi địa phương cần có tầm nhìn lẫn giải pháp phù hợp để quản lý tốt quy hoạch, tích cực kêu gọi mọi nguồn lực tham gia khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của một tỉnh sở hữu bờ biển dài gần 200 km… Theo đó, trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Thuận (lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2015 - 2020) có nêu rõ: Phát huy các tiềm năng, lợi thế và đẩy mạnh các biện pháp để phát triển ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Đồng thời thực hiện tốt “Đề án trung tâm du lịch - thể thao” mang tầm quốc gia, xây dựng và giữ vững thương hiệu quốc gia Khu du lịch Hàm Tiến - Mũi Né, TP. Phan Thiết.

Cuối năm vừa qua, Thủ tướng Chính phủ cũng ban hành quyết định phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bình Thuận đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Trong đó có đề ra mục tiêu tập trung xây dựng 3 trung tâm mang tầm quốc gia tại địa phương: Trung tâm năng lượng, trung tâm du lịch - thể thao biển, trung tâm chế biến quặng sa khoáng titan… Như vậy có thể thấy, định hướng quy hoạch và phát triển đô thị ở Bình Thuận luôn gắn với tiềm năng du lịch biển, qua đó góp phần đẩy nhanh tốc độ cũng như chất lượng tăng trưởng kinh tế cho tỉnh nhà.

Đặc biệt sau sự kiện nhật thực toàn phần diễn ra tại Phan Thiết (24/10/1995), ngành du lịch địa phương được hình thành và cùng song hành với bước phát triển của đô thị du lịch biển. Nói để thấy rằng, từ một tỉnh chưa biết khái niệm làm du lịch bởi chỉ có “vốn sở hữu” là những đồi cát hanh khô, bờ biển dài hoang sơ, bãi dừa xanh ngút ngàn… thì nay Bình Thuận đã trở thành một trong những điểm đến hút khách hàng đầu ở Việt Nam. Và trong thời gian hơn chục năm, dải đất thiếu mưa thừa nắng dần xuất hiện những công trình, dự án quy mô làm đổi thay diện mạo của một tỉnh ven biển mà trước kia mọi người hình dung chỉ có “làng chài”, “nước mắm” mỗi khi nhắc đến Bình Thuận. Thay vào đó, tỉnh nằm ở cực Nam Trung bộ này được ví như “thủ đô resort của Việt Nam” với điểm nhấn là khu phức hợp Sea Links City được hình thành trên đồi cát  rộng 168 ha, có vốn đầu tư hàng trăm triệu USD. Hiện nơi đây đã hình thành sân golf 18 lỗ thử thách nhất châu Á, khách sạn Sea Links Beach gần 200 phòng tiêu chuẩn 5 sao, 315 ngôi biệt thự cao cấp, Lâu đài Rượu vang có một không hai ở Việt Nam. Hay như dự án khu đô thị du lịch biển Phan Thiết quy mô 62 ha đang được triển khai đầu tư xây dựng được kỳ vọng sẽ trở thành “khu Phú Mỹ Hưng của Bình Thuận” trong vài năm tới…

Cách đây chưa lâu, hội nghị xúc tiến đầu tư Bình Thuận 2017 đã đem lại kết quả cho địa phương thu hút thêm gần 40 dự án trên nhiều lĩnh vực với tổng vốn đăng ký khoảng 126.000 tỷ đồng. Trong số này đáng chú ý có dự án Trung tâm dịch vụ du lịch Hàm Tiến - Mũi Né (quy mô 198 ha với tổng vốn tạm tính gần 500 triệu USD), Khu đô thị nông nghiệp - Dịch vụ sinh thái nghỉ dưỡng Bắc Bình (còn gọi Nông thị DUBAI Việt Nam có tổng vốn đầu tư 4.900 tỷ đồng)… Còn mới đây, UBND tỉnh cũng ban hành quyết định phê duyệt tạm thời về định hướng phát triển đô thị trên địa bàn TP. Phan Thiết, qua đó kêu gọi các thành phần kinh tế đủ năng lực xúc tiến đầu tư, góp phần đưa đô thị du lịch biển vươn lên xứng tầm với tiềm năng. Trong đó có những khu vực diện tích khá lớn như: Khu thương mại dịch vụ và dân cư 2 bên đường ĐT.706B (khoảng 1.000 ha), khu dân cư - chỉnh trang đô thị phường Đức Long (gần 130 ha), khu phức hợp Mũi Né Marina (gần 82 ha)…

Thời gian tới việc quy hoạch, phát triển đô thị du lịch biển vẫn sẽ được địa phương quan tâm và hướng đến đô thị xanh, bền vững gắn với giải pháp bảo vệ môi trường. Thế nên Bình Thuận rất cần những chủ đầu tư, doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực du lịch chú trọng thực hiện các biện pháp tiết kiệm năng lượng, tạo môi trường trong lành và gần gũi với thiên nhiên miền biển. Để từ đó ngày càng có nhiều đơn vị được trao những giải thưởng uy tín như: Tòa nhà hiệu quả năng lượng ASEAN, Toàn cầu xanh của tổ chức Green Globe, giải thưởng The Guide Awards Sen Xanh, Thương hiệu Xanh hay Khách sạn xanh ASEAN.

QUỐC TÍN



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phát triển đô thị du lịch biển xứng tầm tiềm năng