Đây cũng là động lực chính để phát triển nhanh lực lượng sản xuất hiện đại, hoàn thiện quan hệ sản xuất, đổi mới phương thức quản trị quốc gia, phát triển kinh tế - xã hội, ngăn chặn nguy cơ tụt hậu, đưa đất nước phát triển bứt phá, giàu mạnh trong kỷ nguyên mới.

Từ chủ trương, chính sách thành những hành động
Đổi mới sáng tạo, phát triển khoa học và công nghệ là một trong những khâu đột phá, đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy lực lượng sản xuất phát triển, nâng cao năng suất lao động và bảo đảm sự phát triển nhanh và bền vững cho các quốc gia. Ngay từ rất sớm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thấy rõ tầm quan trọng và từ đó xác định nội dung, biện pháp, điều kiện thúc đẩy đổi mới, sáng tạo và phát triển khoa học, kỹ thuật, công nghệ ở Việt Nam. Những quan điểm đó vẫn vẹn nguyên giá trị đối với sự nghiệp phát triển khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo ở nước ta hiện nay. Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số (Nghị quyết 57) không chỉ là kim chỉ nam cho sự phát triển trong kỷ nguyên mới, mà còn là kết hợp sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, với sức mạnh thời đại để đưa Việt Nam vươn lên trở thành quốc gia phát triển, thu nhập cao, có năng lực cạnh tranh toàn cầu.
Ngay sau khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 57, Tỉnh ủy Bình Thuận đã ban hành chương trình hành động biến từ chủ trương, chính sách thành những hành động cụ thể, để từ đó mang lại hiệu quả thiết thực. Quan điểm trong chương trình hành động của tỉnh đó là, việc phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, là động lực chính để phát triển nhanh lực lượng sản xuất hiện đại, hoàn thiện quan hệ sản xuất, đổi mới phương thức quản trị, phát triển kinh tế - xã hội, ngăn chặn nguy cơ tụt hậu, đưa Bình Thuận phát triển nhanh, toàn diện và bền vững. Bên cạnh đó, chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, thu hút nguồn nhân lực trình độ cao cho phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Thực hiện hiệu quả cơ chế, chính sách về nhân tài. Phát triển hạ tầng, nhất là hạ tầng số, công nghệ số, khai thác tối đa tiềm năng của dữ liệu, đưa dữ liệu thành tư liệu sản xuất chính, thúc đẩy phát triển nhanh cơ sở dữ liệu lớn, công nghiệp dữ liệu, kinh tế dữ liệu.
Tạo xung lực mới, khí thế mới về phát triển khoa học công nghệ
Xác định đây là cuộc cách mạng sâu sắc, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, được triển khai quyết liệt, kiên trì, đồng bộ, nhất quán, lâu dài, chính vì thế Bình Thuận đã đưa ra rất nhiều giải pháp đột phá, mang tính cách mạng. Trong đó, giải pháp nâng cao nhận thức, đột phá về đổi mới tư duy, xác định quyết tâm chính trị mạnh mẽ, quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo, tạo xung lực mới, khí thế mới trong toàn xã hội về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số của tỉnh được chú trọng. Theo đó, các cấp ủy, người đứng đầu phải trực tiếp chỉ đạo, cán bộ, đảng viên gương mẫu thực hiện. Triển khai phong trào “học tập số”, phổ cập kiến thức khoa học, công nghệ trong cán bộ, công chức và nhân dân. Khuyến khích phong trào khởi nghiệp, sáng tạo, cải tiến nâng cao hiệu quả công việc, năng suất lao động. Tôn vinh, khen thưởng kịp thời các nhà khoa học, nhà sáng chế, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có thành tích trong phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Bình Thuận sở hữu nhiều tiềm năng về tài nguyên thiên nhiên, vị trí địa lý, nhất là dư địa lớn trong phát triển năng lượng tái tạo, du lịch biển và nông nghiệp bền vững. Nếu ứng dụng công nghệ hiện đại, chuyển đổi số đồng bộ vào 3 lĩnh vực này, địa phương có thể vươn lên mạnh mẽ trong khu vực. Theo đó, trong nông nghiệp tỉnh Bình Thuận tập trung ứng dụng khoa học công nghệ vào việc cải thiện giống cây trồng, vật nuôi, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. Trong lĩnh vực du lịch, Bình Thuận đã ứng dụng khoa học công nghệ vào việc nghiên cứu xây dựng thương hiệu du lịch, đánh giá các yếu tố ảnh hưởng đến thắng cảnh Bàu Trắng... Các nghiên cứu này đã góp phần định vị thương hiệu du lịch Bình Thuận, đề xuất các giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị cảnh quan thiên nhiên, phát triển du lịch bền vững.
Nhờ ứng dụng khoa học công nghệ, Bình Thuận đã đạt được những kết quả tích cực trong thời gian vừa qua như: Năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp được nâng cao, góp phần tăng trưởng GDP. Các mô hình nông nghiệp sạch được phát triển, bảo vệ môi trường, thương hiệu du lịch được xây dựng, thu hút du khách, cảnh quan, di sản văn hóa được bảo tồn và phát huy giá trị, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng cao. Bình Thuận đang từng bước khẳng định vai trò của khoa học công nghệ như một động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội theo hướng bền vững. Việc tiếp tục đầu tư, khuyến khích nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ sẽ giúp Bình Thuận gặt hái thêm nhiều thành công trong tương lai. Sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị cùng các giải pháp đồng bộ đang tạo ra xung lực mới cho Bình Thuận trên hành trình phát triển nhanh, bền vững, hiện đại hóa nền kinh tế gắn với ứng dụng khoa học, công nghệ và chuyển đổi số.