Giảm chi phí, tăng năng suất lao động
Thực tế hiện nay cho thấy, cơ hội hoạt động nông nghiệp thông minh lợi ích cụ thể đầu tiên là người nông dân có thể tiếp cận với nhiều thông tin hơn để ra quyết định sản xuất chính xác hơn, giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất lao động, tăng hiệu quả sản xuất và giảm ô nhiễm môi trường thông qua các nền tảng số do doanh nghiệp hay Nhà nước cung cấp để kết nối với các dịch vụ đầu vào sản xuất. Cơ hội tiếp đến là ở khâu sau thu hoạch, quản lý chuỗi giá trị, truy xuất nguồn gốc từ trang trại đến bàn ăn, truy xuất thông tin và bán hàng được thông qua thương mại điện tử với các nền tảng số do doanh nghiệp cung cấp. Qua đó, đã góp phần thúc đẩy ngành nông nghiệp của tỉnh từng bước phát triển.

Tuy còn nhiều vấn đề cần giải quyết, nhưng ở Bình Thuận đã có một số mô hình nông nghiệp thông minh. Một số mô hình tiêu biểu có sự tham gia của nông hộ nhỏ như mô hình trồng rau thủy canh thông minh. Đây là một mô hình bắt đầu phổ biến trên các vùng miền và có các mô hình với quy mô khác nhau từ vài trăm m2 đến vài chục ha. Công nghệ này cũng có thể áp dụng cho các hộ gia đình tự trồng rau ở trong nội đô với mục tiêu tự cấp, phù hợp với các hộ trang trại nhỏ hay các doanh nghiệp, hợp tác xã quy mô lớn với mạng lưới đối tác là các hộ trang trại nhỏ cung ứng theo hợp đồng.
Phát triển các vùng chuyên canh, sản xuất tập trung
Mục tiêu của tỉnh là phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, an toàn, bảo vệ môi trường sinh thái, có khả năng chống chọi với dịch bệnh và biến đổi khí hậu. Đồng thời nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp Bình Thuận. Đến năm 2025, tỷ lệ giá trị sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt trên 20%. Phấn đấu đến năm 2030, ngành nông nghiệp của tỉnh đạt trình độ khá về ứng dụng công nghệ cao.
Để đạt được mục tiêu trên tỉnh sẽ tiếp tục phát triển các vùng chuyên canh, sản xuất tập trung gắn với tiềm năng, thế mạnh của từng vùng. Đồng thời xây dựng vùng sản xuất tập trung lúa giống và lúa thương phẩm chất lượng cao, hướng đến xây dựng chuỗi giá trị lúa gạo chất lượng cao và lúa gạo đặc sản mang thương hiệu của tỉnh, trong đó vùng trồng lúa chất lượng cao bố trí tại các huyện Tánh Linh, Đức Linh. Ổn định diện tích cây thanh long trên toàn tỉnh đến năm 2030 khoảng 30.000 ha. Định hướng hình thành vùng thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP khoảng 20.000 - 22.000 ha, chiếm khoảng 70 - 75% diện tích. Trong đó vùng thanh long ứng dụng công nghệ cao khoảng 3.500 ha. Đầu tư xây dựng Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thanh long với quy mô 52 ha tại Trạm thực nghiệm xã Hàm Minh, huyện Hàm Thuận Nam. Bên cạnh đó phát triển sản xuất rau, củ, quả thực phẩm theo hướng VietGAP phục vụ nhu cầu tiêu thụ trong tỉnh. Phát triển vùng chuyên canh rau an toàn với quy mô khoảng 1.200 ha, trong đó vùng tập trung ứng dụng công nghệ cao tại các huyện Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam, Tánh Linh với quy mô khoảng 200 ha. Định hướng đến năm 2030 hình thành vùng nông nghiệp công nghệ cao tại huyện Hàm Thuận Nam 500 ha và thị xã La Gi 300 ha nhằm kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp lớn đầu tư nông nghiệp công nghệ cao, hiện đại nhằm phát huy lợi thế đất đai và hạ tầng giao thông đã được đầu tư đồng bộ...
Để đạt được mục tiêu trên cần phải nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp, bố trí hợp lý cơ cấu mùa vụ, chuyển đổi một phần diện tích trồng lúa sang cây trồng có giá trị, hiệu quả kinh tế cao. Phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sinh thái, phát thải khí nhà kính thấp, thân thiện với môi trường dựa vào lợi thế tự nhiên của từng địa phương và nhu cầu của thị trường. Đẩy mạnh hợp tác, liên kết giữa các địa phương trong và ngoài tỉnh, phát triển chuỗi giá trị nông sản hoặc vùng nguyên liệu chủ lực. Đồng thời triển khai thực hiện quy hoạch vùng sản xuất, phát triển nông nghiệp, hàng hóa tập trung quy mô lớn và hiện đại…