Theo đó, trong ngày 29/3 Cảng vụ Hàng hải đã chấp thuận nội dung phương án trục vớt tài sản chìm đắm tàu Bạch Đằng tại vùng biển Mũi Né của Công ty TNHH Vận tải biển Trường Tâm (đơn vị trục vớt). Phương án này được thực hiện dự kiến khoảng 20 ngày, trong điều kiện thời tiết thuận lợi.
Nội dung phương án yêu cầu các phương tiện, nhân lực thi công trục vớt phải đáp ứng năng lực, sức khỏe. Các phương tiện thi công trục vớt tài sản chìm đắm hạn chế đến mức thấp nhất ảnh hưởng đến hoạt động của tàu thuyền hoạt động tại khu vực. Đối với công tác tổ chức cảnh giới, trang thiết bị kèm theo và các nội dung liên quan khác, phải bố trí và duy trì đầy đủ các phương tiện, trang thiết bị, nhân lực phục vụ trong suốt quá trình hoạt động thi công trục vớt tài sản chìm đắm tại khu vực…
Liên quan đến công tác bảo đảm an toàn an ninh hàng hải, phòng chống cháy nổ và phòng ngừa ô nhiễm môi trường trong quá trình thực hiện việc trục vớt tàu Bạch Đằng, Cảng vụ Hàng hải Bình Thuận đề nghị Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, UBND TP. Phan Thiết, Ban Chỉ huy PCTT & TKCN, Sở Tài nguyên và Môi trường có biện pháp theo dõi, kiểm tra, giám sát phù hợp theo thẩm quyền quy định trong suốt quá trình triển khai thực hiện việc trục vớt tàu Bạch Đằng. Đồng thời, đề nghị Công ty Trường Tâm và các bên liên quan tuân thủ, thực hiện đầy đủ theo các nội dung đã được Cảng vụ Hàng hải phê duyệt…
Tàu Bạch Đằng bị chìm và phương án trục vớt. |
Như đã đưa tin, tàu vận tải Bạch Đằng có chiều dài 73,5 m, chiều rộng 13,23 m, trọng tải toàn phần trên 2.500 tấn, hàng hóa trên tàu gồm 1.500 tấn tro bay, bị chìm tại vùng biển Mũi Né vào ngày 14/3. Đến ngày 21/3, đơn vị trục vớt đã triển khai lực lượng, phương tiện, trang thiết bị chuyên dụng tiến hành hút dầu từ tàu Bạch Đằng. Cùng ngày, các lực lượng đã hoàn thành việc chuyển 2.200 lít dầu DO từ tàu Bạch Đằng sang tàu dầu Huy Giới 10 và chuyển đi xử lý theo phương án.
K.Hằng