Theo dõi trên

Phiên chất vấn tại kỳ họp thứ 10 - HĐND tỉnh: Căng thẳng vấn đề thiếu nước sinh hoạt, tiến độ Dự án 920

22/07/2020, 10:54

BT- Sáng 21/7, HĐND tỉnh tiến hành phiên chất vấn. Tại nghị trường, có 3 nội dung chất vấn của đại biểu HĐND tỉnh được trả lời trực tiếp. Nổi lên là vấn đề thiếu nước sinh hoạt trên địa bàn tỉnh và tiến độ Dự án 920 triển khai chậm. 

Thiếu nước sinh hoạt

Tại phiên chất vấn, các đại biểu đặt vấn đề: Nguyên nhân và trách nhiệm để xảy ra tình trạng thiếu nước sinh hoạt cục bộ trên địa bàn tỉnh thuộc về cơ quan, đơn vị nào? Giải pháp khắc phục trong thời gian tới?

Trả lời vấn đề này, ông Mai Kiều - Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết: Mùa khô năm 2020, toàn tỉnh có khoảng 27.271 hộ/114.095 khẩu bị thiếu nước sinh hoạt; có 4 công trình cấp nước tập trung bị ngưng hoạt động, 12 công trình cấp nước tập trung phải vận hành cấp nước luân phiên theo khu vực...

Lý giải về nguyên nhân thiếu nước sinh hoạt, ông Kiều cho rằng, nguồn vốn đầu tư hạn chế nên nhiều công trình cấp nước tập trung thường có quy mô nhỏ, mức độ rủi ro và chịu tác động bất lợi của thời tiết rất cao. Ngoài ra, tỉnh chưa có điều kiện đầu tư các tuyến ống chuyển tải, tuyến ống cấp 1 nên chưa có điều kiện bổ sung nguồn nước lẫn nhau giữa các công trình cấp nước. Sự phối hợp giữa các đơn vị cấp nước và địa phương chưa chặt chẽ, đồng bộ trong tuyên truyền, vận động nhân dân sử dụng nước tiết kiệm, hợp lý…

Đại biểu (ĐB) Nguyễn Toàn Thiện đặt câu hỏi, có hay không việc nhiệt điện Vĩnh Tân lấy nước biển rửa xỉ than, nhưng thực ra lấy nước ngọt? Hiện nay đã cấp khai thác nước ngầm bao nhiêu cho sinh hoạt, bao nhiêu khai thác phục vụ mục đích khác. Ngoài ra, qua giám sát một số trại chăn nuôi heo xây dựng gần nguồn nước ngọt, sông, suối. Có hay không việc ảnh hưởng đến nguồn nước và đời sống người dân?

                
   Đại biểu Nguyễn Toàn Thiện chất vấn. Ảnh:    Đ.Hòa

Bổ sung vấn đề này, ĐB Trần Nguyên Lộc nêu ý kiến: Nguyên nhân chủ quan vấn đề thiếu nước được đưa ra chủ yếu tập trung vào nguồn tiền và nguồn tích trữ nước. Vấn đề này trước đây HĐND tỉnh, Tỉnh ủy đề cập rất nhiều về khuyến khích các hộ gia đình xây dựng bồn chứa, nhưng chỉ có các hộ cận nghèo và hộ nghèo được hỗ trợ.  Điều này không đạt kết quả như mong muốn, do hộ nghèo không có tài sản thế chấp để vay ngân hàng, đề nghị giám đốc sở cho ý kiến.

Tiếp tục trả lời chất vấn, ông Mai Kiều khẳng định, hiện tại nguồn nước thủy lợi không cấp cho nhiệt điện Vĩnh Tân. Riêng các trại chăn nuôi heo đều có trong quy hoạch chăn nuôi. Sở Nông nghiệp và PTNT cùng các ngành xây dựng, ban hành quyết định triển khai cho các huyện về chủ trương tích trữ nước. Nhưng khi triển khai, các hộ nghèo, cận nghèo không có sổ đỏ thế chấp nên chưa đạt kết quả mong đợi…

Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Mạnh Hùng thống nhất, vấn đề nước sinh hoạt sẽ tiếp tục được xem xét giải quyết căn cơ. Về nguyên tắc, Trung tâm nhiệt điện Vĩnh Tân không được sử dụng nước biển để làm nguồn nước chống bụi, vì sẽ gây ô nhiễm nguồn đất. Nước ở các công trình thủy lợi có thể chia sẻ để nhiệt điện Vĩnh Tân sử dụng theo hợp đồng đã cam kết. Nhưng khi nguồn nước ngọt không được chia sẻ, Trung tâm Vĩnh Tân phải lọc nước biển để tưới ẩm xỉ.  

Tiến độ Dự án 920 chậm do đâu?

Trả lời kết quả thực hiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân theo Dự án 920, ông Trần Hữu Thành – Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết: Kết quả đăng ký hộ gia đình, cá nhân kê khai đăng ký với diện tích 63.075 ha/98.813 ha, đạt 70,2% về diện tích; cấp được 122.315 giấy với diện tích 26.769 ha (đạt 42% dự án kê khai). Ông Thành khẳng định, so với yêu cầu, tiến độ thực hiện còn chậm, nhất là trên địa bàn TP. Phan Thiết còn 3.680 hồ sơ tồn đọng với 554 ha. Nguyên nhân, nhiều trường hợp người sử dụng đất ngại chuyển sang thuê đất (do vượt hạn điền) nên không thực hiện đăng ký, cấp giấy chứng nhận. Việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được thực hiện từ năm 1990 đến nay chưa được cấp giấy đều là đất đai có tính lịch sử, phức tạp, nhạy cảm đòi hỏi phải có thời gian, nhân lực để kiểm tra, xác minh, kết luận. Để đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo tính chính xác trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho tổ chức, cá nhân theo Dự án 920, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường đưa ra các giải pháp: Nâng cao nhận thức, tổ chức thực hiện hoàn thành dự án là trách nhiệm của các cấp, các ngành trong đó cơ quan Tài nguyên và môi trường giữ vai trò chủ đạo, chịu trách nhiệm chính. Tăng cường tuyên truyền, vận động người sử dụng đất thực hiện đăng ký lần đầu, đăng ký trong quá trình có biến động. Phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị liên quan, trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ và trách nhiệm được giao và lấy thực hiện thủ tục hành chính làm thước đo…

Vấn đề này, ĐB Huỳnh Thị Hoa chất vấn: Do hồ sơ cấp giấy chứng nhận đất theo dự án chậm, nên một số hộ dân xin rút hồ sơ cấp giấy chứng nhận từ dự án 920 và đề nghị chuyển sang cấp giấy chứng nhận một cửa, một cửa liên thông thì phải thực hiện lại việc đo đạc đất. Nhưng Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai ở địa phương lại thu tiền dịch vụ đo đạc thửa đất của người dân. Như vậy có đúng quy định không, bởi thửa đất này đã được thu tiền trước đó? Trả lời ý kiến trên, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, yêu cầu các Văn phòng đăng ký đất đai chỉ đạo các chi nhánh đẩy nhanh cấp giấy chứng nhận đất, không để tình trạng rút hồ sơ từ các dự án ra để yêu cầu thực hiện cấp giấy chứng nhận theo cơ chế một cửa và một cửa liên thông. Chấm dứt việc yêu cầu người sử dụng đất đề nghị đo đạc lại thửa đất đối với diện tích đã được đo đạc bằng bản đồ địa chính. Về số hồ sơ đã kê khai đăng ký đang nằm ở UBND cấp xã và Văn phòng đăng ký đất đai, do một số hồ sơ không đủ điều kiện để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và được ngành trả lời rõ cho từng người dân. 

K.HẰng - T.ThỦy



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phiên chất vấn tại kỳ họp thứ 10 - HĐND tỉnh: Căng thẳng vấn đề thiếu nước sinh hoạt, tiến độ Dự án 920