Theo dõi trên

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Lê Tuấn Phong:

08/02/2021, 08:40

Cải cách mạnh mẽ vì mục tiêu phát triển

BX- Năm 2021, được dự báo là năm của sự phục hồi kinh tế hậu dịch Covid-19. Bình Thuận với những thế mạnh lẫn hạn chế hiện rõ trong năm 2020 sẽ phát triển thế nào, theo đường hướng ra sao trong năm 2021. Phóng viên Báo Bình Thuận đã có cuộc phỏng vấn Phó Bí thư Tỉnh ủy - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Tuấn Phong.

3 tháng khởi sắc

Có thể nói, 3 tháng cuối của năm 2020 được xem là thời gian khởi động cho sự phục hồi sau dịch Covid-19. Thể hiện rõ trong tháng 10, có 16 doanh nghiệp quay lại hoạt động thì sang tháng 11 có thêm 120 doanh nghiệp nữa trở lại thương trường. Các doanh nghiệp cũng đã bắt đầu xuất khẩu được hàng hóa như tháng 9 đạt 34,6 triệu USD, sang tháng 10 đạt 45 triệu USD. Bên cạnh ngành du lịch, dịch vụ cũng đã khởi động lại với lượng khách đến tăng dần lên theo chương trình kích cầu du lịch nội địa giai đoạn 2, kéo nhu cầu tiêu dùng, ăn uống cũng nhộn nhịp theo…

Phó Bí thư Tỉnh ủy - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Tuấn Phong. Ảnh: Đình Hòa

Chia sẻ về sự đổi thay tích cực ấy, Phó Bí thư Tỉnh ủy - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Tuấn Phong nói: “Do phòng chống dịch bệnh tốt nên kinh tế - xã hội năm 2020 của tỉnh được duy trì ổn định, tiếp tục tăng trưởng, tổng sản phẩm nội tỉnh GRDP tăng 4,54%, cao hơn bình quân chung cả nước 2,91%, đứng thứ 19/63 tỉnh, thành phố. Đó là nhờ sự chỉ đạo, điều hành kịp thời, quyết liệt của các cấp, các ngành, địa phương trong tỉnh và nỗ lực của người dân cùng cộng đồng doanh nghiệp. Việc triển khai kịp thời chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người dân của Chính phủ đã tác động tích cực vào các lĩnh vực kinh tế - xã hội đang bước vào trạng thái hoạt động trong điều kiện bình thường mới. Trước đó, khi dịch bệnh bùng lên ở TP. Phan Thiết, UBND tỉnh đã dự báo, phân tích, đánh giá tình hình để tìm ra phương án thực hiện bảo đảm đạt chỉ tiêu năm. Nổi bật như thúc đẩy, tạo điều kiện triển khai đầu tư và đưa vào hoạt động các dự án công nghiệp, nhất là dự án điện gió, điện mặt trời, trong năm có 6 nhà máy đi vào hoạt động đóng góp cho tăng trưởng nhóm ngành công nghiệp - xây dựng đạt 14,36% vượt kế hoạch đề ra. Hay trong thu ngân sách, với nhiều chính sách mới ra đời mang tính hỗ trợ thiệt hại vì dịch bệnh, UBND tỉnh cũng sớm đề ra nhiều biện pháp, trong đó kiểm soát, tăng cường khai thác các nguồn thu có khả năng đảm đương vai trò bù đắp các khoản thu khác. Kết quả, thu ngân sách vượt kế hoạch đề ra”.

Tình hình kinh tế - xã hội ở tỉnh có sự khởi sắc còn từ chính việc đầu tư xây dựng cơ bản trên địa bàn được đốc thúc, gỡ vướng, đẩy nhanh tiến độ, giải ngân theo đúng chủ trương của Chính phủ. Ông nhận định thế nào về điều ấy?

Chủ trương này của Chính phủ được các tổ chức quốc tế đánh giá cao, vì thúc đẩy đầu tư công là góp phần tăng trưởng kinh tế. Bình Thuận thực hiện chủ trương đó rất quyết liệt, nhất là sau khi kiểm soát, khống chế được dịch Covid-19 xảy ra ở tỉnh. Các ngành, địa phương đã phối hợp tháo gỡ, đốc thúc, đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình sau thời gian giãn cách xã hội. Giải ngân vốn đầu tư công được tập trung chỉ đạo. Nếu đến 31/12/2020, giải ngân được 1.990.432 triệu đồng, đạt 92,63% thì ước đến 31/1/2021 đã giải ngân đạt 100% kế hoạch vốn giao. Đây được xem là năm giải ngân đầu tư công cao nhất, vì mọi năm thường chỉ đạt chưa đến 90%. Nhờ vậy, nhiều dự án, công trình trọng điểm, nhất là lĩnh vực thủy lợi, giao thông được đưa vào sử dụng như hồ chứa nước Sông Lũy; Khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá đảo Phú Quý (giai đoạn 1); nâng cấp, mở rộng đường Nguyễn Đình Chiểu - TP. Phan Thiết… Từ đó cho thấy, trong điều kiện vừa phòng chống dịch bệnh vừa phát triển kinh tế thì việc thúc đẩy đầu tư công, giải ngân vốn đầu tư tốt là giải pháp góp phần tăng trưởng kinh tế.

Gỡ điểm gút cuối chồng lấn quy hoạch

Thưa ông, có phải cuối năm 2020, Trung ương có quyết định mới, được xem là khâu cuối cùng giải quyết điểm nghẽn liên quan đến chồng lấn titan trên địa bàn tỉnh?

Đã nhiều năm nay, tập trung từ năm 2017 đến nay, lãnh đạo tỉnh đã kiến nghị, làm việc với Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành liên quan rất nhiều lần nhằm gỡ vướng mắc trong việc giải quyết các dự án đầu tư trên khu vực quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng quặng titan và khu vực dự trữ quặng titan. Gần nhất là ngày 23/7/2020, Bí thư Tỉnh ủy cùng Chủ tịch UBND tỉnh làm việc với Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và các bộ, ngành để tiếp tục tháo gỡ vướng mắc này. Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Tài nguyên và Môi trường khẩn trương hoàn thiện dự thảo “Nghị định quy định về quản lý khoáng sản ở khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia” trình Chính phủ ban hành làm cơ sở pháp lý để triển khai các dự án đầu tư ở khu vực dự trữ khoáng sản titan; đồng thời, chỉ đạo điều chỉnh cục bộ quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng quặng titan và khu vực dự trữ quặng titan.

Dự án điện mặt trời nổi đầu tiên trên hồ thủy điện Đa Mi, Hàm Thuận Bắc. Ảnh: Ngọc Lân

Hiện nay, dự thảo Nghị định đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường hoàn thiện trình Chính phủ xem xét. Về phía tỉnh, UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo các cơ quan chức năng tiếp tục rà soát khu vực dự trữ titan và quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác chế biến và sử dụng quặng titan. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan chuyên môn của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công Thương để đề xuất trình Thủ tướng Chính phủ xem xét điều chỉnh Quyết định số 645/QĐ-TTg ngày 6/5/2014 về phê duyệt khu vực dự trữ khoáng sản titan và Quyết định số 1546/QĐ-TTg ngày 3/9/2013 về quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng titan giai đoạn đến năm 2020, có xét đến năm 2030.

Vậy có nghĩa việc giải phóng chồng lấn quy hoạch sẽ diễn ra trong thời gian gần, mở ra triển vọng chắc chắn. Nhưng cụ thể là gì, thưa ông?

Qua rà soát diện tích quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng quặng titan và khu vực dự trữ quặng titan trên địa bàn tỉnh có hơn 102.000 ha. Hầu hết diện tích này liên quan đến các quy hoạch ngành về xây dựng phát triển đô thị, năng lượng, du lịch, nông lâm nghiệp. Vì vậy, mấy năm qua tỉnh gặp nhiều khó khăn trong quá trình chấp thuận đầu tư các dự án phát triển kinh tế - xã hội theo quy hoạch ngành đã duyệt. Thực tế, trong 26 khu vực quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến quặng titan có 18 khu vực chồng lấn 46 dự án khác với tổng diện tích chồng lấn 3.394 ha. Còn trong khu vực dự trữ quặng titan, có 66 dự án đã xin đăng ký đầu tư khảo sát với tổng diện tích 17.793 ha nằm trong khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia. Nếu 2 nội dung nói trên được hoàn thành trong những tháng đầu năm 2021 thì sẽ tháo gỡ được vướng mắc trong chấp thuận và triển khai xây dựng dự án trên khu vực chồng lấn titan, góp phần tạo động lực lớn cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Có làn sóng đầu tư

Qua kiểm tra, phần lớn các dự án này đều ở các lĩnh vực thuộc 3 trụ cột kinh tế của tỉnh. Phải chăng năm 2021 là năm bứt phá trong phát triển chiến lược trên?

Nói bứt phá thì có vẻ quá sớm, nhưng nói bắt đầu gỡ điểm gút cuối trong chồng lấn quy hoạch để cho một số dự án triển khai xây dựng, làm rõ nét hơn nữa 3 trụ cột kinh tế của tỉnh thì chính xác hơn. Với lại, phát triển 3 trụ cột kinh tế mang tính chiến lược lâu dài, phải trải qua chặng 2021 - 2025 thì kết quả mới ở tầm cao khác.

Riêng trong năm qua, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận cũng đã làm việc với các bộ, ngành liên quan để tháo gỡ, khai thác tiềm năng nguồn năng lượng tái tạo, phát huy vai trò dự án Cảng quốc tế Vĩnh Tân phát triển hệ thống dịch vụ logistics. Bên cạnh đôn đốc xây dựng một số dự án hạ tầng, từng bước hoàn thiện hạ tầng giao thông, thủy lợi, khơi thông điểm nghẽn trong chồng lấn quy hoạch titan để triển khai các dự án lớn, có tính đột phá, tạo động lực thúc đẩy phát triển 3 trụ cột như Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV đề ra.

Điều ông nói gợi đến vấn đề vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội trên địa bàn tỉnh thời gian qua, đã có khoảng 70 -80% là vốn đầu tư ngoài nhà nước. Phải chăng chính những dự án lớn trên góp phần quyết định?

Đúng như thế! Việc thu hút nguồn lực xã hội cho đầu tư sản xuất kinh doanh và xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật, kể cả hạ tầng công nghệ số, bên cạnh tăng cường đầu tư công, đẩy mạnh nghiên cứu, áp dụng tiến bộ khoa học - công nghệ vào phát triển sản xuất, nâng cao đời sống nhân dân là 1 trong 3 khâu đột phá mà Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã xác định. Theo đó, có đóng góp quyết định từ những dự án lớn của các nhà đầu tư lớn. Nhưng để những dự án tầm cỡ đi vào hoạt động nhanh chóng và hiệu quả thì rất cần sự phối phợp chặt chẽ với 2 đột phá còn lại. Đó là phải nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng đội ngũ cán bộ có chuyên môn cao, có năng lực thực tiễn, phẩm chất đạo đức trong sáng, tận tụy với công việc, gần dân, trọng dân, có trách nhiệm với nhân dân và cải cách thủ tục hành chính mạnh mẽ vì môi trường đầu tư kinh doanh và mục tiêu phát triển.

Một góc Hàm Tiến - Mũi Né. Ảnh: Đình Hòa

Trước thềm năm mới, với cương vị mới, ông sẽ bắt đầu như thế nào để đạt kết quả như mong muốn trên?

Năm 2021 là năm khởi đầu cho giai đoạn 5 năm tới. Vì vậy, ngay từ đầu tháng 1/2021, UBND tỉnh đã ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, Nghị quyết của Chính phủ, HĐND tỉnh về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách giai đoạn 2021 - 2025 và năm 2021. Trong chương trình hành động có đầy đủ các nhiệm vụ, giải pháp để đạt mục tiêu đề ra mà các ngành, địa phương cần triển khai thực hiện. Trong đó, tôi xin nhấn mạnh thêm một số việc là tiếp tục thực hiện “mục tiêu kép”, vừa phòng chống dịch hiệu quả vừa phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội. Tiếp đến, là huy động các nguồn lực để giải quyết bài toán nhu cầu phát triển, chủ động tích cực trong thu hút đầu tư, ưu tiên lựa chọn nhà đầu tư có năng lực tài chính mạnh, có kinh nghiệm, các dự án có giá trị kinh tế cao, đóng góp nhiều cho ngân sách, không gây ô nhiễm môi trường. Bên cạnh, tiếp tục tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện tốt nhất cho các dự án đầu tư xây dựng, nhất là 3 lĩnh vực trụ cột: Công nghiệp, du lịch và nông nghiệp công nghệ cao như các dự án điện mặt trời, điện gió trên đất liền và ngoài khơi; KCN Tân Đức; KCN Sơn Mỹ 2; tạo tiền đề để đầu tư KCN - đô thị - dịch vụ ở Hàm Tân, La Gi; các cụm công nghiệp ở Đức Linh, Tánh Linh và các dự án du lịch lớn của tỉnh. Đồng thời phối hợp với các bộ ngành Trung ương đẩy mạnh đầu tư các dự án trọng điểm: Đường bộ cao tốc, sân bay Phan Thiết, tuyến đường ĐT719B, ĐT719, các công trình thủy lợi. Bên cạnh đó, lập và xây dựng tốt Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế của tỉnh để phát triển nhanh, bền vững. Mặt khác, tiếp tục cơ cấu lại các ngành, các lĩnh vực, nhất là lĩnh vực nông nghiệp, tạo ra nền kinh tế tự chủ và có sức cạnh tranh dựa trên nền tảng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và những thành tựu của cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Một điều đáng chú ý khác, thời gian qua, chúng ta có nhiều tiến bộ trong cải cách thủ tục hành chính, trong đó có lĩnh vực đầu tư, xây dựng, đất đai nhưng nhìn chung, thời gian để xử lý thủ tục cho một dự án kể cả đầu tư công lẫn nguồn vốn ngoài ngân sách còn chậm. Thời gian cũng là yếu tố quyết định tăng trưởng nhanh hay chậm. Lãng phí thời gian là lãng phí vô hình nhưng to lớn nhất. Trong thời gian tới, tỉnh xem việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thủ tục đầu tư và triển khai dự án cho doanh nghiệp là một trong những nhiệm vụ quan trọng. Và việc này phải được làm thường xuyên hơn, đi vào thực chất và hiệu quả.

Cuối cùng, trước thềm xuân Tân Sửu, tôi xin gởi lời cảm ơn trân trọng, lời chúc sức khỏe, hạnh phúc đến toàn thể bạn đọc báo Bình Thuận và toàn thể nhân dân trong tỉnh.

Cảm ơn ông!

Bích Nghị (thực hiện)



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Lê Tuấn Phong: