Một góc Hòn Cau
Khẳng định chất nhận chìm không phải là chất thải!
Ngày 23/6/2017, Bộ Tài nguyên & Môi trường (TNMT) cấp giấy phép số 1517 cho Công ty TNHH Vĩnh Tân 1 được phép nhận chìm chất nạo vét. Trước rất nhiều thông tin nghi ngờ của báo chí, dư luận về việc nhận chìm chất thải, ông Sơn cho biết: Trước khi cấp phép, Bộ Tài nguyên & Môi trường đã xem xét rất chi tiết về hồ sơ nhận chìm, tuyệt đối không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế. Sau gần 1 năm, theo quy định pháp luật chỉ 3 tháng là cấp phép. Bộ TNMT hết sức thận trọng, trách nhiệm trước nhân dân, nhà nước để xem xét cụ thể cấp phép. Do khu vực đề nghị nhận chìm hết sức nhạy cảm, cách Hòn Cau 8 km, là vùng nước trồi, có tầm quan trọng không những đối với ngư trường thủy sản, mà còn ảnh hưởng đời sống nhân dân. Quá trình thẩm định hồ sơ bám sát vào 4 nội dung mà pháp luật quy định phải thẩm định. Trong quá trình thẩm định hồ sơ, các ủy viên hội đồng quan tâm đến môi trường, việc nhận chìm phải được đảm bảo môi trường. Các giải pháp đưa ra được thẩm định một cách chặt chẽ và tỉ mỉ, chú trọng tối đa đến môi trường.
Khẳng định vật chất nhận chìm không phải là chất xả thải của nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1, không phải chất thải của quá trình nạo vét của công trình, mà đó là chất thải của biển nên đưa về biển, qua phân tích các phóng xạ chất độc đều không vượt quá quy chuẩn cho phép; không chứa các chất độc hại vượt quá ngưỡng, nằm trong danh mục được Chính phủ ban hành.
Theo ông Sơn: Vật chất nhận chìm đáp ứng được 4 yêu cầu của pháp luật được cấp phép. Khối lượng nhận chìm gồm 80% là cát sạn, sỏi cát, chỉ có 2% là bùn và sét, còn lại là các vật liệu cứng. Nước bùn có thể hòa tan rất nhỏ. Yêu cầu công ty Vĩnh Tân 1 sắp tới có nhà trưng bày các chất này cho người dân xem.
Không đánh đổi, hy sinh môi trường để phát triển kinh tế
Khu vực nhận chìm gồm 30 ha, ông Sơn cũng cho biết qua nghiên cứu, chỉ cho phép nhận chìm từ tháng 6 – 31/10 là chấm dứt. Nếu cho nhận chìm vào mùa gió Tây Nam có ảnh hưởng không đáng kể.
Giải pháp để bảo vệ môi trường, hạn chế ngăn ngừa phát tán bùn thải trong quá trình nhận chìm cũng đã được Bộ TNMT tính tới. Trên cơ sở đó, việc nhận chìm có thể kiểm soát được, tác động đến Hòn Cau là không đáng kể. Tuy nhiên, Bộ TNMT cũng yêu cầu cần có chương trình quan trắc giám sát đối với toàn bộ việc nhận chìm. Giấy phép đã qui định có một chương trình quan trắc giám sát độc lập, đó là Viện Hải Dương Học đã đề ra 13 điểm quan trắc khống chế toàn bộ khu vực phải quan tâm bảo vệ. Hiện Tỉnh đang thành lập tổ công tác gồm 29 người, Bộ TNMT cũng thành lập tổ kiểm tra liên ngành phối hợp với Hải Dương Học trực tiếp kiểm tra. Ông Sơn cũng nhấn mạnh: Trách nhiệm Bộ TNMT phải kiểm soát hoạt động nhận chìm theo giấy phép, khối lượng chuyên chở, đường đi, vị trí nhận chìm. Yêu cầu công ty lắp hệ thống tự động và lắp camera, có người trực thường xuyên. Vừa quan trắc về thông số, vừa quan trắc hiện trường.
Ông Phạm Ngọc Sơn: Quan điểm xuyên suốt của Bộ Tài nguyên môi trường là không đánh đổi, không hy sinh môi trường để phát triển kinh tế. Vấn đề là giảm thiểu tốt nhất, kiểm soát tình hình… Dư luận lo lắng là chính đáng, các nhà khoa học phản biện hết sức chính đáng, việc nhận chìm làm sao để bảo đảm tốt nhất. Về lâu về dài có cho nhận chìm tiếp hay không? Do đó tỉnh cần có định hướng, quy hoạch có giải pháp nào xử lý khối lượng chất này? Người dân cũng cần tham gia giám sát bằng nhiều cách trong thời gian tới. Ông Phạm Ngọc Sơn – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục biển hải đảo Việt Nam – Bộ Tài nguyên & Môi trường |
Khánh Ngọc