Theo dõi trên

Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động thanh tra

26/09/2024, 05:20

Công tác thanh tra có vai trò quan trọng trong việc kịp thời phát hiện sai phạm và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) “từ sớm, từ xa”. Xác định được tầm quan trọng trên, 9 tháng năm 2024, các cơ quan thanh tra trên địa bàn tỉnh đã tăng cường thanh tra đối với các ngành, lĩnh vực, địa phương có nhiều dấu hiệu vi phạm, tham nhũng, tiêu cực.

4 vụ việc mới có dấu hiệu tham nhũng, tiêu cực

9 tháng năm 2024, Công tác PCTNTC tiếp tục được Tỉnh ủy, UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo triển khai thực hiện với tinh thần chủ động, quyết liệt, toàn diện; công tác thanh tra, kiểm tra tiếp tục được đẩy mạnh, tập trung vào các lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh tiêu cực; công tác tự kiểm tra nội bộ tiếp tục triển khai thực hiện, góp phần ổn định trật tự xã hội ở địa phương. Theo đánh giá, so với năm 2023, hiệu quả công tác PCTNTC của UBND tỉnh và các đơn vị, địa phương đã xác định rõ mục đích yêu cầu, nội dung cụ thể, sát hợp để thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng ngừa nhằm từng bước đẩy lùi tham nhũng, tạo niềm tin và sự đồng thuận của nhân dân trong đấu tranh PCTNTC. Lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương quan tâm chỉ đạo triển khai công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách pháp luật về PCTNTC với nhiều hình thức phù hợp tình hình thực tế; thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, nhất là công tác CCHC, thực hiện công khai, minh bạch.

z5724435126383-101d52691a989e6bd9cc0dba0a9c4449.jpg
Đoàn Kiểm tra số 5 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực làm việc tại Bình Thuận.

Theo đó, thời gian qua thủ trưởng các đơn vị, địa phương đã chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả, đúng quy định pháp luật các cuộc thanh tra năm 2024 đã được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 2572 ngày 11/12/2023, gồm: Thanh tra hành chính và thanh tra, kiểm tra chuyên ngành. Trong đó, thanh tra hành chính đã triển khai 63 cuộc thanh tra, qua thanh tra phát hiện sai phạm trong quản lý kinh tế số tiền hơn 5 tỷ đồng, kiến nghị thu hồi hơn 1,2 tỷ đồng, kiến nghị kiểm điểm rút kinh nghiệm 20 tổ chức, 97 cá nhân. Thanh tra, kiểm tra chuyên ngành đã triển khai 257 cuộc với 1.224 lượt tổ chức, cá nhân. Có 84 cuộc thanh tra, kiểm tra đã ban hành kết luận phát hiện 640 tổ chức, cá nhân vi phạm.

Đáng chú ý, trong 9 tháng năm 2024, toàn tỉnh phát hiện 4 vụ/4 đối tượng có dấu hiệu tham nhũng, tiêu cực trong khu vực nhà nước, tăng 2 vụ nhưng giảm 10 đối tượng so cùng kỳ năm trước (9 tháng năm 2023 phát hiện 2 vụ/14 đối tượng có dấu hiệu tham nhũng, tiêu cực).

Đề cao trách nhiệm người đứng đầu

Bên cạnh những mặt đạt được, công tác PCTNTC vẫn còn gặp những khó khăn, vướng mắc. Đó là, công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các văn bản pháp luật về PCTNTC chưa sâu rộng; hình thức, phương pháp tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật chưa phong phú, hiệu quả còn hạn chế so với yêu cầu, nhất là trong nhân dân. Công tác quản lý đất đai, tài chính, xây dựng cơ bản ở một số địa phương, đơn vị chưa chặt chẽ, dễ xảy ra sai phạm. Công tác tự kiểm tra nội bộ của các cơ quan, đơn vị, địa phương được tiến hành thường xuyên nhưng hiệu quả chưa cao; kết quả tự kiểm tra nội bộ phần lớn chưa phát hiện hành vi tham nhũng, tiêu cực. Một trong những nguyên nhân, chính là vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu có lúc, có nơi chưa phát huy đầy đủ, chưa quan tâm đúng mức việc chỉ đạo và thực hiện công tác tự kiểm tra nội bộ…

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã và đang triển khai nhiều dự án lớn có liên quan đến công tác quản lý, sử dụng đất đai, khoáng sản, môi trường, xây dựng cơ bản, tài chính ngân sách, mua sắm tài sản công, đầu tư các dự án, công trình sử dụng vốn trong và ngoài ngân sách nhà nước, lĩnh vực đền bù giải tỏa, tái định cư... Do đó, cần tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra để kịp thời phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng, tiêu cực. Nhiều nhiệm vụ, giải pháp cũng được đưa ra, trong đó nhấn mạnh: Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trách nhiệm người đứng đầu trong việc thực hiện nhiệm vụ PCTNTC; thực hiện bảo vệ người tố cáo đúng quy định pháp luật; kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm minh những cán bộ, công chức, viên chức có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm, chạy chức, chạy quyền...

Tăng cường công tác tự kiểm tra nội bộ theo Nghị định số 59/2019/NĐ-CP; trong đó chú ý việc thực hiện các quy định về trách nhiệm giải trình của cơ quan, tổ chức, đơn vị. Cơ quan công an tiếp tục phối hợp với Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân các cấp đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ việc, vụ án tham nhũng, nhất là tập trung xử lý dứt điểm các vụ việc, vụ án nghiêm trọng, được dư luận, xã hội quan tâm; chú trọng công tác thu hồi tài sản tham nhũng bị thất thoát, chiếm đoạt theo Chỉ thị 04-CT/TW, ngày 2/6/2021 của Ban Bí thư Trung ương Đảng; kiên quyết xử lý các hành vi bao che, dung túng, cản trở việc PCTNTC. Đồng thời, xử lý nghiêm trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng, tiêu cực trong cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương do mình quản lý, phụ trách.

BẢO NGỌC


(0) Bình luận
Bài liên quan
Kỷ niệm 79 năm Ngày Nam bộ kháng chiến (23/9/1945 - 23/9/2024): “Hừng hực khí thế mùa thu rồi ngày 23…”
BTO-Cách đây 79 năm, ngày 23/9/1945, thực dân Pháp đã nổ súng tấn công Sài Gòn (Thành phố Hồ Chí Minh ngày nay), mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược nước ta lần thứ hai. Chúng đã đánh úp trụ sở Ủy ban Kháng chiến Nam bộ và cơ quan tự vệ Sài Gòn, mưu toan chiếm lại miền Nam nước ta trong vòng một tháng, làm bàn đạp chiếm lại cả Đông Dương.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động thanh tra