Theo dõi trên

Qua một năm thực hiện Nghị quyết 35 của Chính phủ:Những chuyển biến tích cực

15/06/2017, 08:50

BT - Vào giữa tháng 5/2016, Chính phủ ra Nghị quyết 35 về Hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, sau đó không lâu UBND tỉnh Bình Thuận cũng ban hành chương trình hành động thực hiện nghị quyết này. Đến nay qua một năm triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, môi trường đầu tư kinh doanh và hoạt động sản xuất - kinh doanh trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến tích cực.

Trong các giải pháp hỗ trợ, có thể nói thiết thực nhất vẫn là vấn đề cải cách hành chính, tạo thuận lợi và rút ngắn thời gian, chi phí để doanh nghiệp sớm đi vào hoạt động, đem lại hiệu quả trong sản xuất - kinh doanh. Qua kiểm tra khắc phục những tồn tại về Chỉ số quản trị hành chính công cấp tỉnh (PAPI) cho thấy các sở ngành, địa phương đã thực hiện nghiêm túc quy định của UBND tỉnh về xây dựng, triển khai công tác cải cách hành chính. Bên cạnh đó, UBND tỉnh còn mở thư mục “Tiếp nhận phản ánh về các thủ tục hành chính” trên Cổng thông tin điện tử nhằm giúp doanh nghiệp gặp khó khăn, vướng mắc có thể gởi về theo địa chỉ email: thutuchanhchinh@binhthuan.gov.vn để được giải đáp kịp thời… Thời gian qua, các sở ngành liên quan cũng thể hiện nhiều nỗ lực trong công tác cải cách thủ tục hình chính, như Sở Nội vụ công bố 112 thủ tục hành chính và triển khai một số dịch vụ công trực tuyến. Với Sở Tài nguyên - Môi trường đã triển khai 6 thủ tục hành chính dịch vụ công, công bố 41 thủ tục hành chính và bãi bỏ 57 thủ tục hành chính trên lĩnh vực đất đai thuộc thẩm quyền. Riêng Cục Thuế Bình Thuận tiến hành cắt giảm 63 thủ tục hành chính, đơn giản hóa 50 thủ tục hành chính theo quy định của ngành, hiện 100% doanh nghiệp đã nộp thuế qua mạng…

Triển khai Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 35 của Chính phủ, thời gian gần đây Bình Thuận luôn cố gắng tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp gia nhập thị trường cũng như khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo. Cuối tháng 2/2017, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch chỉ đạo các sở ngành rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, cụ thể là thời gian nộp thuế và bảo hiểm xã hội không quá 158 giờ/năm (thuế 110 giờ, bảo hiểm xã hội 48 giờ). Đối với thời gian cấp phép xây dựng và các thủ tục liên quan tối đa không quá 71 ngày (riêng cấp phép xây dựng là 25 ngày), thực hiện thủ tục tiếp cận điện năng không quá 27 ngày, còn thủ tục kết nối cấp - thoát nước là 7 ngày… Trong khi đó việc đảm bảo quyền kinh doanh, quyền bình đẳng tiếp cận nguồn lực và cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp được UBND tỉnh chỉ đạo tập trung triển khai tốt các nhiệm vụ, giải pháp đề ra. Theo đó địa phương tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động đầu tư, kinh doanh và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của nhà đầu tư, tuyệt đối không đặt ra các rào cản hay điều kiện kinh doanh bất hợp lý, gây cản trở doanh nghiệp.

Trong một năm qua, các hoạt động hỗ trợ kết nối doanh nghiệp theo cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị, định hướng gắn kết đến thị trường quốc tế cũng được địa phương quan tâm, xây dựng và triển khai. Nổi bật là đã tổ chức thành công Hội nghị Xúc tiến đầu tư Bình Thuận và tổ chức cho các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng tìm kiếm đối tác, liên kết hợp tác kinh doanh tại Hội nghị xúc tiến đầu tư với tỉnh Achi (Nhật Bản). Ngoài ra còn hỗ trợ doanh nghiệp địa phương tham gia triển lãm quốc tế Vietnam Expo, Việt Fish, Việt - Trung, ở lĩnh vực du lịch thì tham gia Ngày hội du lịch TP. Hồ Chí Minh, Hội chợ triển lãm ITE HCMC, liên kết tam giác du lịch “Lâm Đồng - TP. Hồ Chí Minh - Bình Thuận”… Mặc dù tình hình kinh tế nói chung còn không ít khó khăn, song hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp địa phương đã có những chuyển biến tích cực sau một năm thực hiện Nghị quyết 35 của Chính phủ. Qua đó đưa tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập tại Bình Thuận lên 5.132 doanh nghiệp (tăng gần 12%), đến nay có gần 3.460 doanh nghiệp đi vào hoạt động (chiếm hơn 67%) và tham gia giải quyết việc làm mới cho 19.495 lao động (tăng 11,87% so cùng kỳ)…

Đ.QUỐC



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho lao động nông thôn
Những năm qua, tỉnh Bình Thuận đã chú trọng triển khai công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) nhằm góp phần tạo cơ hội việc làm, tăng thu nhập cho người lao động. Cùng với đó, trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền về công tác này ngày càng được nâng cao, nhất là trong việc thực hiện “Chiến lược của phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn”...
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Qua một năm thực hiện Nghị quyết 35 của Chính phủ:Những chuyển biến tích cực