Theo dõi trên

Quản lý, phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn

13/12/2024, 05:08

UBND cấp huyện, cấp xã ban hành kế hoạch, mô hình phân loại thu gom, tập kết, vận chuyển, xử lý, tái chế chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) phù hợp thực tế từng địa phương. Các địa phương thiết kế các bộ tài liệu tuyên truyền phân loại CTRSH tại nguồn, thành lập đội ngũ để tuyên truyền đến hộ gia đình trong cộng đồng dân cư.

Quản lý chất thải rắn sinh hoạt

Chất thải rắn sinh hoạt được chia thành 3 loại chính, rác hữu cơ là những phần thực phẩm thừa, cá thịt, các loại rau củ trong bữa ăn hàng ngày. Rác vô cơ là những loại rác không thể sử dụng, cũng không thể tái chế được gồm các loại vỏ sò, vỏ trứng, vỏ ốc, đồ cao su, ly, chén, cốc, bình thủy tinh bị vỡ, gỗ đá, gạch. Rác tái chế gần giống với rác vô cơ như chai, ly, ống hút nhựa, thùng giấy qua sử dụng, sách báo cũ có thể tái chế dễ dàng. Tuy nhiên, thói quen nhiều người dân thường cho tất cả rác thải phát sinh trong ngày vào 1 túi rác. Trong túi rác gồm: thực phẩm thừa, bịch nilon, lon nước, vỏ đồ hộp, chai lọ… Tất cả vào túi như vậy không thông qua phân loại rác là lãng phí; bởi lượng rác, chất thải có thể đưa vào tái chế tương đối lớn. Bởi vậy việc phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý cần được chú trọng.

img_4883.jpg
 Một điểm thu mua chất thải rắn sinh hoạt đã qua phân loại tại xã Tiến Thành, TP. Phan Thiết

Trong khuôn khổ liên quan, Chủ tịch UBND tỉnh Đoàn Anh Dũng vừa ban hành Quyết định số 64/2024/QĐ-UBND (6/12/2024) quy định về quản lý CTRSH trên địa bàn tỉnh. Theo đó, các hộ gia đình, cá nhân thực hiện phân loại CTRSH tại nguồn phù hợp với mục đích quản lý, xử lý thành các loại: Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải thực phẩm; CTRSH khác. Trong đó, CTRSH khác quy định bao gồm chất thải nguy hại phát sinh từ hoạt động sinh hoạt hàng ngày của hộ gia đình, cá nhân; chất thải cồng kềnh thải bỏ như tủ, giường, nệm, bàn, ghế, tủ sắt, khung cửa, cánh cửa hoặc gốc, thân, cành cây không thể thu gọn, giảm kích thước. Chính quyền địa phương khuyến khích các hộ gia đình giảm thiểu chất thải rắn phát sinh, tăng cường tái sử dụng, tái chế chất thải thành các vật dụng hữu ích trong gia đình; hạn chế sử dụng sản phẩm nhựa dùng 1 lần, bao bì nhựa khó phân hủy sinh học trong sinh hoạt hàng ngày. Người dân vùng nông thôn tận dụng tối đa chất thải thực phẩm để làm phân bón hữu cơ, thức ăn chăn nuôi.

img_5019.jpg
 Rác thải qua phân loại sẽ được đưa vào tái chế có ích

Các hộ gia đình, chủ nguồn thải có trách nhiệm tập trung CTRSH đã phân loại trước cửa nhà, cổng trụ sở cơ quan, đơn vị để cơ sở thu gom, vận chuyển CTRSH đến lấy trong khoảng thời gian do UBND cấp xã quy định. Đối với địa điểm không thuận lợi cho xe vận chuyển đi vào, hộ gia đình, chủ nguồn thải chuyển CTRSH đã phân loại đến điểm tập kết chất thải do chính quyền địa phương quy định. UBND cấp huyện, UBND cấp xã thực hiện ký kết hợp đồng với cơ sở thu gom, vận chuyển, cơ sở xử lý CTRSH để cung ứng dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH cho các đối tượng cá nhân, hộ gia đình thuộc phạm vi quản lý. Cá nhân, hộ gia đình chi trả giá dịch vụ thu gom, vận chuyển xử lý CTRSH theo quy định do UBND tỉnh ban hành. Đối với chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế từ hộ gia đình, cá nhân đã được phân loại riêng thì không phải chi trả giá dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý. Tuy nhiên, với chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế, chất thải thực phẩm không phân loại hoặc phân loại không đúng quy định thì phải chi trả giá dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý như đối với CTRSH khác.

Phân loại chất thải rắn phù hợp thực tế

Bà Nguyễn Thị Thu Hằng, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường cho biết: “Trước đó, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 890, ngày 16/4/2024 về Kế hoạch phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn tỉnh. Trong năm nay, UBND cấp huyện, cấp xã ban hành kế hoạch, mô hình phân loại thu gom, tập kết, vận chuyển, xử lý, tái chế CTRSH phù hợp thực tế từng địa phương. Các địa phương thiết kế các bộ tài liệu tuyên truyền phân loại CTRSH tại nguồn (sổ tay, clip, hướng dẫn kỹ thuật), thành lập đội ngũ tuyên truyền cấp huyện, cấp xã để tuyên truyền đến hộ gia đình trong cộng đồng dân cư. Đồng thời tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng báo, đài tỉnh, đài phát thanh các huyện, loa truyền thanh xã, phường để nhiều người nắm bắt”.

Quyết định số 890 của UBND tỉnh đề ra mục tiêu năm 2025 là 100% tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh được trang bị kiến thức về phân loại CTRSH tại nguồn. Tỷ lệ CTRSH được phân loại tại nguồn ở các phường, thị trấn đạt tỷ lệ 70%, ở xã tỷ lệ 30%. Tỷ lệ CTRSH đô thị được thu gom, xử lý theo đúng quy định đạt 90%. Tỷ lệ CTRSH nông thôn được thu gom, xử lý theo đúng quy định đạt 80%. Tỷ lệ CTRSH được tái chế trên 70%. Tỷ lệ chất thải nguy hại được thu gom vận chuyển, xử lý đạt 98%. Đối với các huyện/xã nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu: các chỉ tiêu tỷ lệ CTRSH được thu gom, xử lý; CTRSH phân loại tại nguồn được thực hiện theo Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 theo Quyết định số 318 của Thủ tướng Chính phủ và Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2021 - 2025 do UBND tỉnh ban hành.

“Đối với chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế từ hộ gia đình, cá nhân đã được phân loại riêng thì không phải chi trả giá dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý”.

THÁI KHOA


(0) Bình luận
Bài liên quan
Thủy lợi và phòng chống thiên tai: Chỉ rắc rối từ… chủ động nước
Theo quy định mới thì xác định chủ động tưới là từ công trình thủy lợi, trong khi thực tế người dân ở các xã chưa có công trình thủy lợi thì vẫn có nguồn nước cho sản xuất, năng suất cây trồng vẫn đạt tốt trên từng mùa vụ. Vì vậy, có những tranh cãi, lúng túng nhất định.
Nổi bật
Bình Thuận tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho báo chí tác nghiệp
BTO-Chiều 15/1, UBND tỉnh tổ chức họp báo thông tin về tình hình kinh tế - xã hội năm 2024 và phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2025; Trả lời những vấn đề được phóng viên quan tâm. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh đã chủ trì buổi họp báo cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan và đại diện các cơ quan báo chí đang hoạt động trên địa bàn tỉnh.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Quản lý, phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn