Theo dõi trên

Quảng Ninh dẫn đầu Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2019

05/05/2020, 13:55

Quảng Ninh dẫn đầu, Hà Nội, Đà Nẵng… tiếp tục top 10 bảng xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2019.

“Cùng lan tỏa những thông điệp cải cách môi trường kinh doanh” là chủ đề Báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2019 được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) công bố trực tuyến sáng nay (5/5).

Đây là sự kiện được trông đợi trong năm với những chỉ số đo lường và đánh giá chất lượng điều hành kinh tế, mức độ thuận lợi, thân thiện của môi trường kinh doanh và nỗ lực cải cách hành chính của các tỉnh, thành phố trong cả nước, qua đó thúc đẩy sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân.

                
      
      Lễ công bố trực tuyến    Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI năm 2019.

Báo cáo PCI 2019 được xây dựng dựa trên thông tin phản hồi từ gần 12.500 doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam. Trong đó, có khoảng 11.000 doanh nghiệp dân doanh tại 63 tỉnh, thành phố và trên 1.500 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tại 21 địa phương tại Việt Nam.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho hay, ở một số chỉ số thành phần của PCI, có tới 70-80% doanh nghiệp bày tỏ sự hài lòng với cách ứng xử của cơ quan công quyền. Niềm tin của doanh nghiệp được tiếp tục khơi dậy. Ở thời điểm giữa năm 2019, khi VCCI tiến hành cuộc khảo sát này, thì có trên 50% doanh nghiệp trong và ngoài nước cho biết sẽ mở rộng quy mô kinh doanh trong hai năm tới. Người dân hăng say thành lập doanh nghiệp. Chỉ riêng trong năm 2019, bình quân mỗi ngày có gần 380 doanh nghiệp được thành lập mới, quy mô vốn đăng ký tăng lên. Đây là những con số của niềm tin.

Tuy vậy, theo ông Lộc, PCI 2019 đã chỉ ra một số lĩnh vực có mức độ cải cách chưa như kỳ vọng. Chi phí không chính thức đã giảm liên tục trong mấy năm gần đây nhưng vẫn còn cao. Vẫn có tới trên 50% số doanh nghiệp phản ánh họ phải trả các chi phí không chính thức. Đồng thời đưa ra một số khuyến nghị với chính quyền địa phương để tiếp tục thay đổi, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của cộng đồng doanh nghiệp. Đây là vấn đề nhức nhối. 

Bên cạnh đó, điều còn chưa được như kỳ vọng là ở một số lĩnh vực cải cách triển khai còn chậm, thủ tục còn phiền hà. 59% doanh nghiệp có công trình xây dựng trong 2 năm qua cho biết, họ gặp khó khăn trong thủ tục hành chính về đất đai, giải phóng mặt bằng gần tương đương với tỷ lệ 63% doanh nghiệp gặp khó khăn về khách hàng – khó khăn lớn nhất trên thương trường. Tương tự như vậy, những cải cách thủ tục trong lĩnh vực đất đai, thuế phí, bảo hiểm xã hội… theo phản ánh của doanh nghiệp cũng đang còn những dư địa lớn.

Một điều quan trọng nữa chưa được như mong đợi là, trong khi các địa phương ở nhóm thấp ở bảng xếp hạng vượt lên thu hẹp khoảng cách với nhóm dẫn đầu, thì các “ngôi sao cải cách” mấy năm qua vẫn chưa có được những bứt phá nào đáng kể. Đang có hiện tượng “đụng trần” thể chế khi Luật pháp chồng chéo, bất cập đang gây rủi ro cho những nỗ lực sáng tạo để vượt lên.

Cũng theo báo cáo, mức độ tự động hoá hiện tại và dự kiến tại Việt Nam cao hơn dự đoán của chính nhóm tác giả. Cụ thể, 67% doanh nghiệp cho biết họ đã tự động hoá một phần công việc trong 3 năm qua. Đặc biệt, có tới 75% doanh nghiệp dự định sẽ tự động hoá các công việc mới trong 3 năm tới. Ngay cả các doanh nghiệp tự nhân trong nước và các doanh nghiệp FDI cũng dự kiến sẽ tự động hoá từ 1/4 đến 1/3 số công việc do con người đang đảm nhiệm hiện nay.

Để đẩy mạnh được tự động hoá và chuyển đổi số, ông Vũ Tiến Lộc cho rằng, cần phải nâng cao kỹ năng của người lao động và thực sự coi giáo dục quốc gia là quốc sách hàng đầu. Trong đó, nhiệm vụ thực hiện 3 đột phá: Cải cách thể chế, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và phát triển cơ sở hạ tầng đã được khẳng định trong đường lối của Đảng chưa bao giờ trở nên thôi thúc như hiện nay.

Báo cáo PCI 2019 không đề cập tới dịch bệnh mà chỉ phản ánh cục diện cải cách và môi trường kinh doanh ở cấp địa phương ở Việt Nam trước đại dịch Covid-19. Song hiện tại tình hình đã khác, nỗi lo suy thoái đang là xu hướng chủ đạo.

“Thế giới sau đại dịch sẽ khác với thế giới của ngày hôm nay. Các dòng chảy thương mại và đầu tư quốc tế đang đảo chiều, các chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ được định hình lại một cách tin cậy hơn và bền vững hơn. Các doanh nghiệp sẽ phải kinh doanh sáng tạo và phải có trách nhiệm hơn”, ông Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.

Chung Thủy/VOV



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Quảng Ninh dẫn đầu Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2019