Theo dõi trên

Quy định xử lý nặng tàu cá xâm phạm vùng biển nước ngoài

11/04/2018, 09:09

BT - Hiện nay Chính phủ có những quy định xử lý rất mạnh tay đối với những trường hợp tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài bị bắt giữ. Đồng thời, các nước trong khu vực cũng quy định những mức xử phạt hết sức nghiêm khắc.

 Các hình thức xử lý trong nước

Theo Nghị định 41/2017 của Chính phủ, phạt tiền từ 70 - 100 triệu đồng đối với chủ tàu cá hoặc thuyền trưởng cố tình đưa tàu cá và ngư dân Việt Nam đi khai thác hải sản trái phép trên vùng biển nước ngoài. Còn theo Chỉ thị số 45, ban hành ngày 13/12/2017 của Chính phủ: Xử lý ở mức cao nhất đối với chủ tàu, thuyền trưởng với hành vi đưa tàu cá đi khai thác trái phép ở vùng biển thuộc quốc gia hoặc vùng lãnh thổ khác, trong đó tước quyền sử dụng giấy phép khai thác thủy sản vĩnh viễn; xử lý hình sự đối với chủ tàu, thuyền trưởng tái phạm; các tổ chức, cá nhân môi giới đưa tàu cá và ngư dân đi khai thác hải sản bất hợp pháp ở nước ngoài. Ngoài ra, tại một số văn bản pháp luật khác quy định, buộc chủ tàu hoặc thuyền trưởng chi trả kinh phí đưa công dân Việt Nam bị cơ quan thẩm quyền nước ngoài bắt giữ về nước. Không xét cho tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài được hưởng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước như Nghị định 67 năm 2014 và một số chính sách hỗ trợ khác đối với các hành vi khai thác bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định...

 Các nước trong khu vực

Bên cạnh hình thức xử lý nghiêm của nước ta, các nước trong khu vực cũng quy định những hình thức xử lý rất nặng nề đối với hành vi đánh bắt bất hợp pháp khi bị bắt giữ. Điển hình như Campuchia phạt tiền 1.000 USD/tàu (khoảng 22 triệu đồng), tịch thu và tiêu hủy các ngư cụ đánh bắt trái phép; đồng thời có thể truy tố thêm tội nhập cảnh trái phép, phạt tù giam, tịch thu tàu vi phạm. Tại Thái Lan, đánh bắt hải sản không được cấp phép có thể bị phạt tù tới 3 năm và phạt hành chính không quá 300 ngàn Bath (tương đương 200 triệu đồng Việt Nam). Đối với tàu nước ngoài vi phạm vùng biển Thái Lan đánh bắt trái phép, chủ tàu, thuyền trưởng sẽ bị phạt 1 triệu Bath (tương đương 630 triệu đồng). Còn tại Malaysia, đối với thuyền trưởng sẽ bị phạt 1 triệu Ringgit (tương đương 5,7 tỷ đồng) hoặc bị phạt tù; đối với thuyền viên bị phạt 100 ngàn Ringgit (tương đương 570 triệu đồng) hoặc bị phạt tù. Còn riêng tại Indonesia, luật pháp quy định tàu cá xâm phạm vùng biển nước này trái phép sẽ bị tịch thu ngư cụ, bị thiêu hủy, bắn chìm hoặc đốt cháy. Trường hợp đánh bắt trong khu vực lãnh thổ, nuôi trồng của Indonesia không có giấy phép thì bị phạt tù tới 7 năm và phạt tiền tới 20 tỷ Rupiahs (khoảng 38 tỷ đồng); người làm giấy phép đánh bắt, kinh doanh chuyên chở giả sẽ bị phạt tù tới 7 năm và phạt tiền 3 tỷ Rupiahs (gần 6 tỷ đồng). Đối với việc sở hữu, mang theo hoặc sử dụng công cụ đánh bắt cá gây hại sự bền vững tài nguyên biển bị phạt tù tới 5 năm, phạt tiền  2 tỷ Rupiahs (gần 4 tỷ đồng).

Với mức xử lý trên, các chủ tàu, thuyền trưởng và ngư dân không xâm phạm vùng biển nước ngoài là tự bảo vệ mình, tránh việc vừa trắng tay vừa mang thân tù tội.

Đình Nhượng



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024): 80 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành
Ngày 22/12/1944, tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là xóm Nà Sang, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐND Việt Nam) được thành lập theo Chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh. Ngày 22/12/2024 tròn 80 năm kỷ niệm sự kiện đặc biệt quan trọng này: Ngày thành lập QĐND Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Quy định xử lý nặng tàu cá xâm phạm vùng biển nước ngoài