Cụ thể, các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị, thành phố rà soát tất cả những người đi về từ các tỉnh, thành phố có số mắc cao như TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An… Tăng cường, chủ động giám sát, xét nghiệm các trường hợp có nguy cơ cao; nhất là những điểm có người về từ các tỉnh, thành trên và các địa bàn dịch cấp độ 3, 4; các trường hợp có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh để phát hiện sớm, tổ chức cách ly, theo dõi sức khỏe phù hợp và xử lý kịp thời các ổ dịch Covid-19. Phát huy vai trò hệ thống chính trị cơ sở, đặc biệt là vai trò của tổ Covid-19 cộng đồng trong giám sát, xét nghiệm, theo dõi y tế. Tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc tổ chức triển khai thực hiện và kịp thời chấn chỉnh, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Chủ động xây dựng kịch bản, đào tạo tập huấn nâng cao năng lực truy vết, sẵn sàng ứng phó với các tình huống diễn biến dịch Covid - 19 theo từng cấp độ trên địa bàn không để bị động. Tăng cường năng lực y tế các cấp, nhất là năng lực điều trị ở cấp cơ sở để phân loại, điều trị phù hợp, kịp thời, hiệu quả. Khẩn trương có kế hoạch thành lập trạm y tế lưu động theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế.
Đẩy nhanh tốc độ tiêm vắc xin phòng Covid-19 đảm bảo an toàn, hiệu quả; ưu tiên tiêm cho người cao tuổi, người có bệnh lý nền và phụ nữ mang thai. Các cơ sở tiêm chủng sử dụng ứng dụng nền tảng “Sổ sức khỏe điện tử” để quản lý và theo dõi tiến độ tiêm chủng.
Những người dân về từ khu vực có dịch chủ động khai báo y tế với cơ quan y tế địa phương để được hướng dẫn theo dõi sức khỏe, lấy mẫu xét nghiệm phù hợp và áp dụng các biện pháp phòng bệnh theo quy định.
Trang Minh