Khu rừng ngập mặn cuối cùng của TP. Phan Thiết nằm bên sông Cầu Ké, xanh tốt quanh năm. |
Lâu nay, ít người quan tâm khu rừng ngập mặn này vì nó ẩn mình bên sông Cầu Ké (một nhánh sông nhỏ nhập ra cửa biển Phú Hài cùng sông Cái). Khu rừng nằm giữa ranh giới 3 phường Thanh Hải, Phú Thủy và Phú Hài, phần lớn là cây mắm, cây đước và cây bần sinh sống, xanh tốt quanh năm. Chục năm trở lại đây, khi con đường Hùng Vương mở ra nối trung tâm thành phố với tuyến đường du lịch từ Phú Hài đi Mũi Né, khu rừng ngập mặn mới lộ ra, nhiều người mới biết đến.
Ông Nguyễn Cường, người dân phường Thanh Hải cho biết, từ xưa hai bên bờ sông đã có nhiều cây mắm, bần và đước. Riêng trong khu 25 ha này, khoảng 15 năm trước, khi nghề nuôi tôm thịnh vượng, người dân ra đào ao nuôi tôm tự phát, sau vài năm nghề nuôi tôm thất bại, họ rời đi và cây rừng mọc trở lại cho đến bây giờ.
Bần ở đây rất nhiều, khác với người dân miền Tây Nam bộ, người dân ở xứ biển Phan Thiết không biết ăn trái bần. Khi bần già, trái chín rụng xuống gốc, hạt nảy mầm thành cây non, và cứ thế khu rừng ngập mặn này ngày càng dày đặc cây, trở thành khu rừng rậm rạp. Cùng với cây rừng, các loại sinh vật khác trú ngụ, dần dần tạo nên quần thể rừng ngập mặn đa dạng, bảo tồn các loài sinh vật trong rừng ngập mặn.
Cây mọc um tùm kề sông Cầu Ké và các con lạch nhỏ, tôm cá nhiều, nên rừng ngập mặn Phan Thiết đang thu hút nhiều đàn chim trời và cò về đây trú ngụ, kiếm ăn. Những nhà nhiếp ảnh yêu thiên nhiên của tỉnh Bình Thuận thường ra đây săn ảnh cuộc sống hoang dã. Nghệ sĩ nhiếp ảnh Phạm Văn Thành (phường Phú Hài), là người gắn bó với khu rừng này gần chục năm qua, chuyên về chủ đề cò trắng.
Theo ông Thành, gần đây khu rừng xanh tốt, um tùm, loài cò tập trung về đây rất đông, có khi cả hàng ngàn con, với đủ loại cò. Ông thường cùng một số nghệ sĩ mê thiên nhiên ra đây săn ảnh vào sáng sớm. “Tôi lớn lên ở xứ biển này, nên rất mê những cánh cò về đây trú ngụ, tôi có cảm giác mình đang sống trên vùng đất lành, vô cùng bình yên”, ông Thành nói.
Mặc dù xa lạ với nhiều người Phan Thiết, nhưng rừng ngập mặn thân thuộc với những người lao động bình dân, họ mưu sinh hàng ngày trong tán rừng như những cánh cò lặn lội tảo tần nuôi sống con cái và gia đình. Bởi giữa rừng có những con suối, con lạch nhỏ nước chảy quanh năm, có nhiều loại tôm cá sinh sống.
Ông Thái Văn Ba thường ngày bắt tôm trong rừng ngập mặn. |
Mỗi buổi khi thủy triều xuống, ông Thái Văn Ba đi bắt tôm đất, mỗi ngày được hơn 3 kg, thu nhập chừng 400.000 - 450.000 đồng. Chị Lê Thị Cân, 29 tuổi, quê Bạc Liêu cũng thường ra rừng ngập mặn cào bùn bắt nghêu xanh, một loại nhuyễn thể nước lợ, giàu dinh dưỡng. Chị Cân ra Phan Thiết sống gần 2 năm nay, nghề cào nghêu chị học được từ quê miền Tây, nơi có những khu rừng tương tự. Mỗi ngày, chị Cân bắt được khoảng 20 ký, thu nhập chừng 350.000 đồng.
Còn anh Trương Văn Tí, phường Thanh Hải cùng các đồng nghiệp dùng thau bắt ốc đinh ven sông bán cho các vựa nuôi tôm hùm ở miền Trung. Mỗi buổi mỗi người bắt được 7 - 8 thau, thu nhập trên 500.000 đồng, có hôm ốc nhiều kiếm được tiền triệu. Anh nói: “Mùa bấc nghỉ biển ra đây cào ốc, còn mùa nam mình đi đánh cá ngoài khơi”.
Nước xuống khi thủy triều rút, cây trong rừng trơ gốc và nước sẽ ngập trở lại khi thủy triều dâng mang theo nước mặn vào. Cây rừng ở ven sông giúp chống xói mòn, giữ đất và điều hòa không khí cho TP. Phan Thiết. Vào mùa nắng, rừng hơi ngả vàng, một số loài rụng lá có nét khác biệt hơn so với mùa mưa. Cảnh sắc rừng ngập mặn tạo nên mảng xanh đặc trưng của đô thị biển Phan Thiết.
Những người có tầm nhìn ở Phan Thiết cho rằng cần khoanh vùng bảo tồn khu rừng ngập mặn này, bởi cây rừng tự nhiên ở đây còn quý giá hơn những công viên nhân tạo tốn kém chi phí Nhà nước đầu tư. Quá trình đô thị hóa đang đe dọa sự tồn tại của khu rừng ngập mặn cuối cùng này, khi mà nhiều dự án khu đô thị, khu dân cư - thương mại đang được hình thành và mở rộng ở xứ biển Phan Thiết. Việc xóa sổ khu rừng ngập mặn để dùng quỹ đất vào mục đích khác cũng cần được chính quyền tỉnh và thành phố cân nhắc kỹ lưỡng.
Việt Quốc