Theo dõi trên

Sẵn sàng trên trận tuyến chống “giặc lửa”

18/03/2024, 08:26

Những tháng đầu năm 2024, liên tục xảy ra nhiều vụ cháy ở các địa phương trong cả nước, nhiều nhất là thành phố Hà Nội. Chỉ trong tháng 1/2024, địa phương này xảy ra gần 200 vụ cháy, trong đó số vụ cháy xảy ra tập trung nhiều đối với loại hình nhà ở riêng lẻ, nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh vẫn chiếm tỷ lệ cao. Cũng trong thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh cũng đã xảy ra nhiều vụ cháy lớn, gây thiệt hại nặng nề về tài sản của nhân dân.

Đặc điểm chung đáng chú ý các vụ cháy làm thiệt hại về người và tài sản trên địa bàn tỉnh trong thời gian vừa qua nguyên nhân chủ yếu là bất cẩn trong sinh hoạt, trong hoạt động sản xuất, kinh doanh hoặc chập điện gây ra. Một trong những nguyên nhân dẫn đến các vụ cháy nữa là yếu tố liên quan đến đặc điểm kiến trúc của các hộ gia đình, hộ gia đình kết hợp sản xuất kinh doanh đều dạng nhà ống, mặt tiền nhỏ hẹp, thang bộ bên trong nhà để hở, không có biện pháp ngăn cháy, ngăn khói lan truyền giữa khu vực sản xuất, kinh doanh, khu vực để hàng hóa dễ cháy với không gian sinh hoạt của gia đình. Sau Tết Nguyên đán 2024, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra một số vụ cháy gây thiệt hại hàng tỷ đồng. Ngày 9/3/2024, vụ cháy kho giữ xe của Công an huyện Tánh Linh là một minh chứng đã gây thiệt hại 200 xe máy các loại, trị giá ước tính khoảng 2 tỷ đồng, vụ việc đang được cơ quan chức năng điều tra làm rõ nguyên nhân cháy. Trước đó vào ngày 7/12/2023, tại bãi sửa chữa tàu gỗ thuộc Công ty TNHH sửa chữa đóng tàu Phan Thiết (khu phố 2, phường Phú Hài, TP. Phan Thiết) cũng đã xảy ra cháy 11 tàu gỗ, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an tỉnh đã nhanh chóng có mặt tại hiện trường, triển khai các biện pháp nghiệp vụ, bất chấp nguy hiểm, khống chế thành công và cứu được 18 tàu gỗ còn lại trị giá ước tính 67 tỷ đồng và không cho cháy lan sang các công trình lân cận. Riêng năm 2023, đã xảy ra gần 20 vụ cháy, làm chết 4 người, tài sản thiệt hại trên 100 tỷ đồng. Trong đó, có 3 vụ gây thiệt hại nghiêm trọng. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành sự quan tâm đặc biệt đối với công tác phòng cháy, chữa cháy và lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy. Người đã để lại cho lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy nhiều lời căn dặn có giá trị hết sức to lớn và quan trọng, trong đó lời căn dặn: “Phải thường xuyên thật sẵn sàng để nhanh chóng làm tròn nhiệm vụ bất kỳ trong tình hình nào để bảo vệ tài sản của Nhà nước và nhân dân” đã trở thành kim chỉ nam trong mọi hành động và thực hiện các mặt công tác của lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC và CNCH) nói chung, của lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH Công an tỉnh Bình Thuận nói riêng.

z5234415830118_1cb3339b0e85efeab259313fdcca09f1(1).jpg
Cháy nhà xe tang vật tại Công an huyện Tánh Linh. Ảnh tư liệu

Thực hiện lời dạy của Bác, chỉ tính trong 10 năm gần đây lực lượng PCCC của tỉnh đã có hơn 6.000 lượt cán bộ, chiến sĩ thường trực chiến đấu được điều động, huy động kịp thời để cứu chữa hơn 400 vụ cháy, bảo vệ tài sản ước tính hơn 170 tỷ đồng. Riêng trong năm 2023, đã điều động 69 phương tiện/445 cán bộ, chiến sĩ tham gia cứu chữa 18 vụ cháy, cứu nạn, cứu hộ 14 vụ, cứu tài sản trị giá khoảng 77 tỷ đồng… Nhiều vụ việc chữa cháy được xử lý kịp thời nên không xảy ra thiệt hại lớn về người và tài sản của nhân dân.

Với sự phát triển của tỉnh trong thời gian tới đó là phát triển các khu, cụm công nghiệp, sân bay, cảng biển sẽ thu hút nhiều hơn các doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó đô thị hóa diễn ra nhanh, các khu đô thị, nhà cao tầng, chung cư được xây dựng ngày càng nhiều. Nhu cầu sử dụng các nguồn năng lượng, vật tư, nhiên liệu, hàng hóa là chất dễ cháy, nổ cũng cao hơn, chính vì thế nhiệm vụ đặt ra trong tình hình mới đối với lực lượng PCCC và CNCH của tỉnh đó là, gắn với học tập, thực hiện có hiệu quả lời dạy của Bác “phải thường xuyên thật sẵn sàng”. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và kiến thức về PCCC và CNCH cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động… để nâng cao nhận thức, tinh thần trách nhiệm, ý thức tự giác chấp hành pháp luật về PCCC và CNCH và tích cực tham gia thực hiện công tác PCCC và CNCH tại cơ sở. Chủ động nắm chắc tình hình, nâng cao hiệu quả công tác dự báo, nhất là dự báo chiến lược, xây dựng và thường xuyên thực tập các phương án PCCC và CNCH, triển khai đồng bộ các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn các vụ cháy, nổ lớn, làm tốt công tác thường trực sẵn sàng chữa cháy, chuẩn bị tốt lực lượng sẵn sàng ứng phó kịp thời khi có cháy, nổ xảy ra. Bên cạnh đó chú trọng rèn luyện bản lĩnh chính trị, đạo đức, lối sống cho cán bộ, chiến sĩ để luôn trong tư thế sẵn sàng đương đầu với khó khăn, thử thách trong công tác PCCC và CHCN, bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản của Nhà nước và nhân dân, quyết tâm hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, góp phần bảo đảm an ninh, trật tự, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

THANH QUANG


(0) Bình luận
Bài liên quan
Sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã: Phát triển đô thị theo hướng hiện đại, bền vững
Để huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng phát triển đô thị, nâng cao chất lượng, diện mạo kiến trúc cảnh quan theo hướng hiện đại, văn minh, bền vững, hướng tới mục tiêu Phan Thiết là đô thị loại I, phù hợp định hướng phát triển đô thị của tỉnh. Mới đây, UBND tỉnh đã ban hành Phương án tổng thể sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025, định hướng đến năm 2030, đồng thời thực hiện điều chỉnh địa giới hành chính để mở rộng TP. Phan Thiết.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sẵn sàng trên trận tuyến chống “giặc lửa”