![]() |
Sau nhiều lần hẹn, tôi theo chân anh Nguyễn Văn Thanh, 51 tuổi, ở xóm 6, thôn Vĩnh Hải, xã Vĩnh Hảo (Tuy Phong) trong cuộc đi “săn” trứng kiến vàng. Vượt qua các cung đường đất đá, mịt mù bụi dưới cái nắng đổ lửa, anh Thanh nói: “Vĩnh Hảo trong cơn đại hạn, khổ lắm chú ơi”. Nhìn theo hướng chỉ tay của anh Thanh, thấy một vùng đất đai rộng lớn khô khốc, trắng bệch. Nước hồ thủy lợi Đá Bạc còn đọng lại như cái ao làng. Đàn bò, dê gầy guộc lửng thửng tìm thức ăn...
Anh Nguyễn Văn Thạnh chủ cơ sở chim, cá kiểng Phương Vân ở thị trấn Liên Hương cho biết: “Trứng kiến làm thức ăn rất tốt cho chim, cá kiểng. Nhu cầu tiêu thụ lớn, có bao nhiêu mua hết bấy nhiêu”. |
Đặt chân đến xóm 1C, thôn Vĩnh Sơn trời đã gần trưa, anh Thanh gửi xe, vác đồ nghề dắt tôi cuốc bộ vào rừng. Vùng rừng này trước đây nằm trong khu vực Nông trường thuốc lá Vĩnh Hảo, hiện nay vẫn còn nhiều cây cối, được xem là “thủ phủ” của loài kiến. Nói chuyện nghề, anh Thanh kể nghề bắt trứng kiến đến với anh như cái duyên. Khi thú chơi chim cá cảnh phát triển rầm rộ, thấy người ta “chiều” con vật cưng của mình bằng các món ăn từ côn trùng như trứng kiến, sâu bọ… anh mới đi bắt về bán. Thế là cái nghề “chẳng giống ai” này đeo đuổi anh đã hơn 10 năm nay, còn nếu tính thời gian lội rừng kiếm sống trước đây thì cũng tròn trèm 25 năm. Chừng ấy năm, anh như con chim rừng bay nhảy khắp các núi rừng Vĩnh Tân, Vĩnh Hảo, Phong Phú, Phan Dũng…Theo kinh nghiệm của anh, kiến vàng đẻ trứng quanh năm, nhưng thời điểm trứng kiến to và béo ngậy nhất là từ tháng giêng đến tháng bảy âm lịch. Loài kiến vàng rất thích làm tổ trên cây keo lá tràm, chùm bầu và những loài cây lá lớn ở rừng, người “làm nghề” lâu năm nhìn tổ lá khô tức kiến già, trứng đã nở hết thành con; tổ có lá cây non là mới hình thành chưa có trứng, còn tổ nào ở cây màu sậm, cành cây hơi trĩu thì chắc chắn trứng kiến nhiều, mập ú. Thường phải mất cả tháng tổ kiến mới hồi sinh và tạo ra lứa trứng mới, nắm quy luật này mới thu hoạch mẻ trứng ngon nhất.
Chui tọt vào vạt rừng có nhiều mỏn đá lởm chởm, cây cối che hết tầm mắt, tôi băn khoăn nơi này kiếm đâu ra tổ kiến, anh Thanh giải thích: “Nơi nào ít hơi người lui tới, không mùi thuốc trừ sâu, đốt phá… là nơi kiến vàng tụ tập về làm tổ, đẻ trứng to hơn những nơi khác”. Chân bước nhanh qua bậc đá gập nghềnh, từ xa anh Thanh chỉ ngay tổ kiến cuộn tròn như quả bóng lù lù trong lùm cây rồi reo lên: “Nó đây rồi! Tổ này ngon lắm”. Tiến lại gần, anh Thanh đưa tay vén mớ dây leo chằng chịt, vô tình làm động tổ kiến. Thế là hàng loạt chú kiến kềnh, kiến thợ với đôi càng dữ tợn ào ào chui ra khỏi tổ tỏa ra khắp nơi. “Chú tránh xa ra. Tránh xa, không làm mồi cho nó đấy”- anh Thanh cảnh báo khi tôi sáp lại gần để chụp ảnh. Dùng cây sào tre, đầu có gắn một cái vợt bằng lưới dài gần nửa mét, miệng rộng 2 gang tay, ở giữa vợt có gắn một móc sắt, anh Thanh đưa lên “bập” vào ngay tổ kiến và lắc mạnh, đồng thời dùng một đoạn cây nhỏ gõ liên tiếp vào sào tre cho lũ kiến đang bám vào vợt hay chạy trên sào tre rơi xuống đất. Chỉ vài phút, trứng kiến bắt đầu rụng khỏi tổ, rơi hết vào lòng vợt đang hứng sẵn ở phía dưới. Anh Thanh chia sẻ thêm: “Làm nghề, phải biết bảo vệ sự sống cho loài kiến thì mới có nguồn trứng lâu dài. Không nên sử dụng thuốc xịt kiến hay chặt cây phá cây, phá tổ…để bắt kiến theo kiểu tận diệt”.
![]() |
Hạ được đối thủ, nhưng đổi lại lũ kiến len lỏi bám vào cổ, bò khắp người, chui cả lên mặt… cắn cho anh Thanh một trận tơi bời. Chỉ những chú kiến còn đang chổng đít, gân cổ lên cắn vào tay, anh Thanh bảo “chịu đòn” chúng nó như thế là thường, còn có người đã phải “bỏ của chạy lấy người” khi đụng trúng ong rừng, rắn độc cắn, cây đâm, té ngã gãy chân tay… Tiền bán trứng kiến không đủ lo thuốc thang, chữa bệnh. Anh kể, có một lần suýt chết. Khi đang loay hoay bắt tổ kiến thì cũng là lúc anh phát hiện ra con rắn hổ dưới chân mình đang thụt thè cái lưỡi chực đớp. Hoảng hồn, anh quẳng sào phi thân. Cũng may lần đó chỉ bị cây đâm chảy máu, uống vài bữa thuốc là lành vết thương.
Dẫn tôi vượt qua những tán rừng có nhiều cây gai nhọn hoắc. Vừa đi, chúng tôi vừa căng mắt nhìn lên cây để tìm tổ kiến, vừa quệt mồ hôi chảy xuống mắt cay xè. Anh Thanh cho biết thời còn sung sức, mỗi ngày bắt 7 - 8 kg trứng kiến. Bây giờ sức khỏe yếu, hơn nữa hạn hán quá cây cối khô cằn, ít lá, lãnh địa của loài kiến cũng thu hẹp, bắt được vài kg trứng kiến cũng bở hơi tai. Giữa trời nắng gắt, nhìn lũ kiến càng hung dữ túa ra tấn công, còn anh Thanh thì liên tục khua tay qua trái, qua phải rồi cả sau lưng để bắt những con kiến đang cắn khắp người, tay vẫn cố giữ nguyên cây vợt để tất cả trứng kiến được thu gom một cách trọn vẹn, mới hiểu cuộc mưu sinh của dân nghèo lắm nỗi gian nan. Ngồi nghỉ chân dưới tán rừng, nghe từng cơn gió thổi qua da thịt trong tiếng ru khẽ khàng của núi, lúc này tôi mới nhìn kỹ hơn khuôn mặt người đàn ông rám nắng in hằn nhiều nếp nhăn, giật mình vì khắp người anh chi chít vết kiến cắn đã sưng đỏ, nhiều chỗ gai cào từng đường dài đang tứa máu... Cầm chai nước tu ừng ực, anh Thanh nói: “nghề này tuy đơn giản, nhưng vất vả lắm. Có ngày leo rừng, vượt núi, tóe cả máu chân cũng chỉ kiếm được vài tổ là cùng”. Tôi nói gian nan và nguy hiểm vậy sao không đổi nghề, anh Thanh trần tình: “Gia đình có 5 người, thu nhập chính từ nuôi mấy con bò. Mọi gánh nặng đều đổ lên vai hai vợ chồng, không đi làm lấy gì ăn”. Tôi ngước nhìn bầu trời trong xanh mà cảm thương cho cuộc sống của người dân nghèo. Hơn 3 năm nay, cư dân vùng rốn hạn này mới “ăn” được vụ lúa đông xuân vừa rồi nhờ nguồn nước tuyến kênh Lòng Sông - Đá Bạc. Giờ tiếp tục nắng hạn, sản xuất, cuộc sống lại càng khốn khó. Nhiều người phải bươn chải bằng đủ nghề để lo gia đình, con cái ăn học…
Cuộc đi săn kết thúc khi mặt trời xế bóng. “Chiến lợi phẩm” được anh Thanh bày ra ngay trước hiên nhà để loại bỏ tạp chất, lá cây và những con kiến già rồi nhẹ nhàng cho vào hộp để đem bỏ mối các tiệm bán cá, chim cảnh. Với 10 lon trứng kiến (lon sữa bò), giá 22.000 đồng/lon, anh Thanh kiếm được hơn 200.000 đồng. Một số tiền thật ý nghĩa với người nghèo như anh.
“Mười mấy năm trời lăn lộn với nghề, kiếm đủ cho 5 miệng ăn là may mắn lắm rồi” - anh Thanh cười buồn.
Ngày mai, anh lại tiếp tục cuộc đi “săn”…
MINH CHIẾN