Theo dõi trên

Sản xuất thanh long VietGAP, GlobalGAP: Hướng đi tất yếu

25/02/2021, 09:29 - Lượt đọc: 486

BT- Việc thay đổi nhận thức nông dân làm GAP trong sản xuất thanh long là rất cần thiết nhằm nâng cao giá trị cạnh tranh trái thanh long Bình Thuận trên thị trường xuất khẩu.

                
      Sử dụng bóng tiết kiệm điện để chong đèn thanh long.

Thời gian qua, ngành nông nghiệp của tỉnh đẩy mạnh vận động người dân tham gia sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ để phục vụ nội địa và mở rộng thị trường xuất khẩu vào châu Âu. Đây là hướng đi bền vững, mang tính “sống còn” cho trái thanh long, bởi không chỉ phù hợp với yêu cầu sản xuất thực tiễn và xu thế phát triển hiện nay mà còn nâng cao giá trị cạnh tranh của trái thanh long trên thị trường xuất khẩu. Hội Nông dân có vai trò quan trọng trong việc tuyên truyền, vận động nông dân sản xuất thanh long bền vững, nâng cao giá trị sản phẩm, giúp nông dân tăng thu nhập, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm thanh long Bình Thuận. Hiện nay khi thị trường Trung Quốc không còn là thị trường “dễ tính” khi nước này siết chặt thương mại nông sản theo hình thức trao đổi biên mậu và nâng cao kiểm dịch thực vật, quy định ngày càng khắt khe hơn; trong đó, yêu cầu phải có chứng nhận vùng trồng.

 Mặc dù thanh long Bình Thuận đã được xuất khẩu qua nhiều thị trường ở các châu lục chiếm từ 80 - 85%, nhưng thị trường truyền thống Trung Quốc vẫn chủ lực hơn 90% sản lượng thông qua hoạt động xuất khẩu tiểu ngạch. Hội Nông dân tỉnh, các cấp trong tỉnh triển khai nhiều giải pháp tuyên truyền giúp nông dân hiểu rõ chính sách phát triển thanh long bền vững, chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật hướng cho nông dân sản xuất theo hướng an toàn. Một số cách làm đã đem lại hiệu quả, hỗ trợ nông dân trong tỉnh như phối hợp với Công ty bóng đèn phích nước Rạng Đông đưa vào sử dụng bóng đèn tiết kiệm điện năng kích thích ra hoa trái vụ tiết kiệm điện, giảm chi phí sản xuất. Phối hợp với Công ty Enzyma triển khai một số mô hình ứng dụng sinh học trên cây thanh long…

Còn tại huyện Hàm Thuận Bắc, thanh long là cây trồng chủ lực với diện tích khoảng 8.630 ha, trong đó có 3.540 ha thanh long VietGAP. Hàng năm diện tích thanh long được chứng nhận VietGAP của huyện đều đạt từ 95% chỉ tiêu UBND tỉnh giao. Ông Trần Ngọc Hiền - Phó Chủ tịch UBND huyện Hàm Thuận Bắc cho biết: Huyện tập trung chỉ đạo, vận động tuyên truyền phát triển mạnh các mô hình liên kết, hợp tác sản xuất thanh long theo chuỗi giá trị và coi đây là khâu then chốt, đặc biệt để tiêu thụ thanh long được ổn định và phát triển bền vững.

Tuy nhiên, hiện nay việc sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP vẫn đứng trước thách thức về thu nhập của người sản xuất, sự phức tạp trong quá trình sản xuất và giám sát. Theo Hội Nông dân tỉnh, hiện tại đa số nông dân chưa muốn chuyển đổi sang sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn sạch, an toàn do sức hấp dẫn về thu nhập chưa được chứng minh, thị trường tiêu thụ không được cam kết. Theo quy hoạch của tỉnh, đến năm 2025 sẽ phấn đấu diện tích trồng thanh long VietGAP, GlobalGAP đạt hơn 70%. Do đó để giải quyết bài toán này, bên cạnh đẩy mạnh tuyên truyền cho người sản xuất và tiêu dùng, cần tập huấn cho cán bộ hướng dẫn nông dân áp dụng các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP. Tỉnh tiếp tục đẩy mạnh các mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm, xây dựng hoàn thiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tham gia vào chuỗi sản xuất, chế biến để mở rộng thị trường tiêu thụ hiệu quả, khắc phục phụ thuộc tiêu thụ nông sản tươi ở một thị trường nhất định theo đường tiểu ngạch.

    
    Đến cuối   năm 2020, diện tích thanh long toàn tỉnh là 33.750 ha, sản lượng thu   hoạch ước đạt trên 690.000 tấn. Toàn tỉnh có trên 11.419 ha thanh long   được công nhận đạt chuẩn VietGAP và 517 ha đạt tiêu chuẩn GlobalGAP.

T.Duyên



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sản xuất thanh long VietGAP, GlobalGAP: Hướng đi tất yếu