Tranh thủ thời gian những thuyền đánh bắt hải sản, tàu dịch vụ hậu cần nghề cá vào cảng Phú Quý bốc dỡ hàng hóa, mua, bán hải sản, các dân quân biển và Ban CHQS xã Tam Thanh xuống từng phương tiện để phát tờ rơi, tuyên truyền, phổ biến các chính sách pháp luật trên biển; các văn bản liên quan đến hoạt động khai thác, nuôi trồng thủy hải sản; đặc biệt là chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) cho thuyền trưởng và chủ phương tiện nắm rõ.
“Cảng Phú Quý và 2 khu neo đậu tàu thuyền của đảo đều nằm trên địa bàn xã Tam Thanh, vì vậy mỗi khi có điều kiện là chúng tôi tổ chức cho dân quân đến giúp đỡ, kết hợp tuyên truyền đến bà con ngư dân quá trình đánh bắt không xâm phạm vùng biển nước ngoài. Đặc biệt chấp hành tốt Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982. Ngoài ra chúng tôi đến từng hộ gia đình vận động, tiến hành cho bà con ngư dân ký cam kết thực hiện tốt quá trình đánh bắt tuân thủ luật pháp Việt Nam về bảo vệ nguồn lợi thủy sản, bảo vệ vùng biển, vùng trời. Nhờ vậy mà suốt từ nhiều năm qua toàn huyện đảo Phú Quý nói chung và xã Tam Thanh nói riêng, chưa có trường hợp nào đánh bắt xâm phạm lãnh thổ nước ngoài. Đó là một điều đáng mừng” - ông Phạm Minh Đức, Chỉ huy trưởng Ban CHQS xã Tam Thanh, huyện Phú Quý chia sẻ.
Tuyên truyền, vận động ngư dân chống khai thác IUU là nhiệm vụ theo chỉ đạo từ Trung ương, của các bộ, ngành, tỉnh Bình Thuận và trách nhiệm, bảo vệ chủ quyền biển, đảo trong tình hình hiện nay đến mọi người dân trên đảo.
Các hộ gia đình, các chủ tàu, thuyền và chủ lồng bè nuôi trồng thủy sản trên biển luôn nêu cao trách nhiệm, cùng sát cánh với lực lượng chức năng bảo vệ an ninh, trật tự trên biển. Đồng thời chấp hành quy định pháp luật, không vi phạm đánh bắt vùng biển nước ngoài; trang bị đầy đủ các phương tiện trên các tàu theo quy định; không sử dụng các loại hình gây hại cho môi trường biển để khai thác; ngư cụ, lưới cụ đúng quy định; không khai thác sản vật vào mùa sinh sản… và luôn sẵn sàng tham gia đấu tranh bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền các vùng biển đảo của Tổ quốc Việt Nam. Ông Đỗ Minh Nghĩa, thôn Triều Dương, xã Tam Thanh, huyện Phú Quý tâm sự: “Ngư dân chúng tôi đã nhận thức được khi gỡ được “thẻ vàng” thì giá trị thủy, hải sản của chính mình đánh bắt được sẽ nâng lên, giá thành cao hơn, thị trường rộng lớn hơn. Vì vậy tôi luôn cố gắng tuyên truyền cho những chủ phương tiện làm nghề biển, những người bạn, những thành viên trong tổ đoàn kết khai thác trên biển, hộ ngư dân để anh em, bà con ngư dân đánh bắt không xâm phạm lãnh hải nước khác, theo đúng quy định và hướng dẫn của các cấp, các ngành”.
Với bà Trần Thị Dư, Thôn trưởng, thôn Quý Hải, xã Long Hải, huyện Phú Quý thì trong tất cả những lần sinh hoạt thôn, họp chi bộ, các lễ hội của địa phương đều lồng ghép nội dung bảo vệ nguồn lợi thủy hải sản để tuyên truyền, phổ biến, vận động cho bà con. Trong đó, chúng tôi chú trọng vào nội dung chống khai thác IUU. “Tận dụng mọi lúc, mọi nơi, theo phương châm “mưa dầm, thấm lâu” để vận động con cháu, anh em, người thân và các hộ ngư dân trong thôn, trong xã không được đánh bắt hải sản vùng biển nước ngoài, khai thác đúng kích cỡ, luôn bảo vệ nguồn lợi thủy sản, làm tốt việc này chỉ có lợi cho mình, cho ngư dân ta” - bà Trần Thị Dư cho biết thêm.
Dân quân tự vệ, được nhân dân quý mến gọi thân thương là “chiến sĩ sao vuông”, họ luôn thường trực trong bảo vệ an ninh trật tự, giúp nhân dân trong lúc khó khăn. Và những “chiến sĩ sao vuông” biển ở đảo Phú Quý còn thực hiện tốt vai trò đầu tàu trong việc tuyên truyền pháp luật từ cơ sở nên nhiều năm qua, ngư dân huyện Phú Quý không có trường hợp tàu cá nào vi phạm pháp luật về các hoạt động lao động sản xuất trên biển, góp phần chung tay gỡ “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu và xây dựng ngành thủy sản địa phương bền vững.