Thành viên đội chống dịch đổ nước chứa trong thùng để diệt lăng quăng. |
Hơn 61.556 số dụng cụ chứa nước của các gia đình trong tỉnh được kiểm tra, xử lý diệt lăng quăng, muỗi sau 2 đợt chiến dịch. Theo đó, chỉ số lăng quăng giảm đáng kể. Tổng số ca mắc bệnh sau 3 chiến dịch giảm hơn 50%, tương ứng 136 ca, thấp hơn so với thời điểm trước chiến dịch (276 ca mắc). Bên cạnh đó, ngành y tế phối hợp UBND xã, phường… phát tờ rơi tuyên truyền những kiến thức phòng bệnh SXH đến từng gia đình; vận động người dân thực hiện diệt lăng quăng, muỗi, vệ sinh môi trường và các dụng cụ chứa nước trong và xung quanh nhà. Mặc dù số ca mắc SXH sau 3 đợt giảm nhiều, nhưng chỉ số lăng quăng trong các dụng cụ chứa nước tại nhiều xã, phường, thị trấn (Phước Thể, Lương Sơn, Tân Lập, Hàm Minh, Tân Nghĩa…) chiếm 72,22%, cao so với quy định. Như vậy, nguy cơ bùng phát bệnh SXH trên diện rộng có thể xảy ra.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, một số nguyên nhân dẫn đến chỉ số lăng quăng còn cao sau chiến dịch là do người dân vắng nhà tại thời điểm chiến dịch diệt lăng quăng đang diễn ra. Một số gia đình không cho đội chống dịch bệnh vào nhà kiểm tra dụng cụ chứa nước. Hơn thế nữa, hoạt động diệt lăng quăng ở một số xã, phường chỉ tuyên truyền bằng miệng, không vào nhà dân trực tiếp xúc rửa dụng cụ chứa nước có lăng quăng…
Được biết, năm 2019, toàn tỉnh ghi nhận 6.469 ca mắc SXH và 436 ổ dịch; trong đó 88 ca nặng và 4 ca tử vong. Số ca mắc này tăng cao gấp 5 lần so với cùng kỳ năm 2018 (1.535 ca), người mắc bệnh có ở hầu hết các xã, phường, thị trấn; trừ xã Phan Dũng (Tuy Phong) không ghi nhận số người mắc bệnh này.
Trong thời gian tới, ngành y tế tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp các cấp, ngành, đoàn thể thực hiện chiến dịch diệt lăng quăng, muỗi và theo dõi sát tình hình dịch bệnh. Để đạt hiệu quả cao, mỗi xã, phường, thị trấn áp dụng các giải pháp phù hợp tùy theo tình hình thực tế. Chẳng hạn, khu vùng khô hạn, khó khăn về nước sinh hoạt, người dân được vận động đậy kín hoặc thả cá vào dụng cụ chứa nước. Với nơi đô thị và vùng ven biển, người dân phải vệ sinh, thu gom hoặc tiêu hủy vật phế thải… Đó là thông tin của Sở Y tế tỉnh.
Chủ động phòng chống bệnh đông xuân Để phòng chống dịch bệnh mùa đông xuân 2019 – 2020, mới đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Hòa chỉ đạo Sở Y tế và UBND các huyện, thị, thành phố chủ động các biện pháp phòng chống dịch bệnh; nhất là diệt muỗi, lăng quăng trong toàn tỉnh; giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, phát hiện sớm, xử lý triệt để ổ dịch ngay khi phát hiện; tổ chức cấp cứu, điều trị người bệnh kịp thời. |
Trang Minh