Theo dõi trên

Sau 5 ngày nghỉ lễ: Bệnh nhân mỏi mệt vì phần mềm bị sự cố

06/05/2019, 10:58

BT- Trong 2 ngày (2 – 3/5) sau đợt nghỉ lễ, nhiều bệnh nhân đến khám và điều trị tại bệnh viện, trung tâm y tế trong tỉnh phải ngóng chờ khám bệnh, thủ tục xuất viện… do hệ thống phần mềm trực tuyến về quản lý khám chữa bệnh liên tục gặp sự cố. 

                
   Tại Khoa khám của Trung tâm Y tế Phan    Thiết đông đảo bệnh nhân ngồi chờ.

Chờ 3 - 4 tiếng đồng hồ

Ghi nhận của phóng viên, trong 2 ngày (2 - 3/5) tại khoa khám của Bệnh viện đa khoa tỉnh hàng trăm bệnh nhân (người già, trẻ em) và người nhà đứng, ngồi mệt mỏi khắp hành lang, lối đi trong khoảng thời gian chờ hơn 3 tiếng đồng hồ mới tới lượt được khám, dưới cái nóng hầm hập như đổ lửa.

Ông Lê Xuân Nghi (Phú Tài, Phan Thiết) phản ánh: “Trước 6h30 sáng (3/5), ông cũng như nhiều bệnh nhân khác đã có mặt tại khoa khám của Bệnh viện đa khoa tỉnh chờ lấy số để khám bệnh. Trong thời gian chờ khám hơn 3 tiếng đồng hồ, thì các cô điều dưỡng thông báo do máy hư, bệnh nhân thông cảm. Nghe thông báo như thế, người bệnh chúng tôi chỉ biết chờ! Rất sốt ruột!”

Tại Trung tâm Y tế thành phố Phan Thiết, tình cảnh cũng không khác gì Bệnh viện tỉnh, nhân viên y tế và bệnh nhân tại khoa khám đều ướt đẫm mồ hôi do phải chờ đợi với nhiệt độ môi trường nóng bức. Người tới lui tấp nập chờ đợi tại các lối đi, phòng khám... Chỉ khác là nơi đây có hơn 90% bệnh nhân là người lớn. Bà Nguyễn Thị Bảy (Đức Thắng, Phan Thiết), ông Trần Văn K. (Mũi Né, Phan Thiết)… khám bệnh ngoại trú tại Trung tâm Y tế thành phố Phan Thiết than thở: Có mặt lúc 5h30 sáng, với số thứ tự  120, 150. Trong khi đó, có 6 phòng khám nhưng mãi tới 10h30 phút, chúng tôi mới tới lượt được khám bệnh. Một số người bệnh tại khoa khám này tiết lộ: “Có bệnh nhân bị ngất trong khi đang chờ khám bệnh. Không ít người phải chờ mãi tới chiều mới nhận thuốc”. 

Bị lỗi phần mềm

Ngày 2/5, Bệnh viện đa khoa tỉnh tiếp nhận 694 bệnh nhân, ít hơn so với ngày bình thường. Tuy nhiên, do lỗi hệ thống phần mềm trực tuyến bị sự cố, nhân viên y tế không thể cập nhập thông tin, dữ liệu. Vì vậy, khoa khám của bệnh viện này vẫn không giải quyết được nhu cầu khám bệnh nhanh, làm cho bệnh nhân phải chờ đợi khá lâu.

Bác sĩ Vũ Cao Thiện - Trưởng Phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện đa khoa tỉnh, cho biết: Cứ thứ 2 hàng tuần, sau khi khởi động máy, vào phần mềm, chuột nháy cứ quay quay, khó mà truy cập nhanh được. Đặc biệt trong ngày 2/5, khi phần mềm bị sự cố gần như toàn bộ hệ thống tại bệnh viện “tê liệt”, các nhân viên y tế phải làm thủ công nên làm bệnh nhân chờ đợi lâu. Để giải quyết nhanh sự quá tải bệnh nhân, bệnh viện tăng cường bác sĩ ra trực hỗ trợ cho khoa khám, ưu tiên khám trước cho bệnh nhân ở xa. Đến ngày 3/5, hệ thống vẫn chưa thông, vận hành còn khá chậm. Mặc dù bệnh viện đã có nhiều văn bản gửi đến Sở Y tế về tình hình phần mềm chưa thông suốt.

Theo bác sĩ Ngô Giang Vũ - Phó giám đốc Trung tâm Y tế thành phố Phan Thiết: Vào ngày 2/5 mở google, chuột nháy cứ quay vòng vòng, điều dưỡng không thể nhập được thông tin bệnh nhân. Một khi không nhập được thông tin bệnh nhân, thì khoa dược cũng không thể xuất thuốc cho người bệnh. Tại trung tâm, trung bình mỗi ngày có khoảng 800 – 900 bệnh nhân đến khám. Cũng chính vì phần mềm trực tuyến bị nghẽn, trung tâm chỉ khám được 320 bệnh nhân, đáp ứng được 37,6% trong tổng số người bệnh đến khám.  

Do nâng cấp phần cứng?!

Với sự cố thường xuyên ảnh hưởng đến việc khám chữa bệnh, một số đơn vị đề xuất Trung tâm Công nghệ Thông tin -  VNPT Bình Thuận cho sử dụng offline. Đồng thời, kiến nghị Sở Y tế cho sử dụng thử phần mềm khác chạy song song nhằm giảm thiểu tình trạng “ùn tắc” bệnh nhân trong ngày, cũng như các ảnh hưởng khác.

Ông Phan Văn Thành - Giám đốc Trung tâm Công nghệ Thông tin - VNPT Bình Thuận, giải thích: Phần mềm online quản lý khám chữa bệnh tại bệnh viện (VNPT – HIS) bị gián đoạn sau ngày lễ do tập đoàn công ty chuyển hạ tầng mới (nâng cấp hạ tầng phần cứng) và đã xảy ra sự cố ngoài ý muốn. Nếu các cơ sở điều trị sử dụng offline, thì không thể kiểm soát việc khám chữa bệnh thông tuyến bảo hiểm y tế. Với những phản ánh truy cập chậm, thường gián đoạn, trung tâm ghi nhận và sẽ tính toán để khắc phục, hạn chế đến mức tối thiểu.

    
    Mới   đây, tại cuộc họp giao ban của ngành y tế, các cơ sở điều trị như Bệnh   viện La Gi, Trung tâm Y tế Tánh Linh… cũng phản ánh tình trạng phần mềm   trực tuyến chưa thông thường xuyên  gián đoạn, truy cập khá chậm, gây   nhiều ảnh hưởng tới sự phiền hà của bệnh nhân, lẫn nhân viên y tế.

Trang Minh



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sau 5 ngày nghỉ lễ: Bệnh nhân mỏi mệt vì phần mềm bị sự cố