
Thực phẩm bẩn, hàng giả tràn lan
Nhiều người tiêu dùng còn lo lắng và đặt câu hỏi, không biết lòng se điếu có thật sự quý hiếm như lời đồn, hay chỉ là sản phẩm được "phù phép" bằng hóa chất, và nếu đã lỡ ăn phải lòng kém chất lượng liệu có ảnh hưởng gì đến sức khỏe. Mặt khác, lòng se điếu siêu hiếm, giá vài triệu đồng 1 kg nhưng lại tràn lan trên mạng với giá rẻ khó tin, khiến cộng đồng dấy lên nghi vấn về nguồn gốc và độ an toàn thực phẩm. Tuy chưa có cơ quan chức năng nào kết luận về chất lượng của lòng se điếu nhưng nỗi lo về an toàn thực phẩm một lần nữa được nhắc đến, bởi an toàn thực phẩm luôn là "điểm nóng" đầy nhức nhối. Ngày 20/5, sau quá trình theo dõi xe tải biển Ninh Bình nghi vấn vận chuyển thực phẩm bẩn, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Hà Tĩnh phối hợp với lực lượng liên ngành kiểm tra hành chính khi phương tiện đang dừng đỗ tại xã Phù Lưu, huyện Thạch Hà. Qua kiểm tra cảnh sát phát hiện hơn một tấn nội tạng trâu bò bỏ trong nhiều bì tải đã chảy nước, bốc mùi hôi thối. Thực phẩm bẩn, hàng giả tràn lan không chỉ đe dọa sức khỏe, tính mạng người tiêu dùng mà còn bóp méo môi trường kinh doanh. Nhắc đến nhiều vụ án nghiêm trọng không thể không nhắc đến các vụ việc liên quan đến sữa giả, thuốc giả, thực phẩm chức năng giả mà cơ quan chức năng vừa phát hiện. Điều này cũng được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề cập khi chủ trì cuộc họp với các bộ, ngành, địa phương vào sáng 14/5 vừa qua, để đánh giá về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả những tháng đầu năm 2025 và phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới. Thủ tướng cũng đã nêu ra nhiều vụ án nghiêm trọng vừa phát hiện như: vụ sữa giả ở Hà Nội, thuốc giả ở Thanh Hóa, thực phẩm giả ở Phú Thọ, thực phẩm chức năng giả ở Hà Nội, hàng giả tại thành phố Hồ Chí Minh, hàng giả buôn bán tràn lan trên mạng xã hội và tình trạng thao túng, găm hàng, đội giá… Việc này tác động, ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe, tâm lý người dân, ảnh hưởng đến an ninh trật tự, thất thu ngân sách, tác động tiêu cực đến nhiều mặt khác của đời sống xã hội. Đây là vấn đề lớn, nghiêm trọng có sự buông lỏng của một số cơ quan và một số địa phương liên quan. Hiện nay trên các tuyến biên giới, cửa khẩu, vùng biển nổi lên các hoạt động vận chuyển trái phép hàng cấm như ma túy, pháo nổ, thuốc lá điếu ngoại, hàng nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc, hàng giả, hàng kém chất lượng, như xăng, dầu, vàng, rượu, bia, đường cát, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, quần áo, lương thực, thực phẩm, hàng đông lạnh, hàng gia dụng… Trong địa bàn nội địa, tình hình vi phạm pháp luật về sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng hóa vi phạm về nhãn hàng hóa, kinh doanh hàng hóa hết hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc, kinh doanh hàng nhập lậu, hàng hóa không hóa đơn, chứng từ… tiếp tục diễn ra trên hầu hết các tỉnh, thành phố.

Siết chặt thị trường
Tình trạng trên cũng đã xảy ra trên địa bàn tỉnh Bình Thuận với những vi phạm trong hoạt động kinh doanh tập trung ở các mặt hàng, như thuốc lá, thực phẩm, thời trang, phụ kiện điện thoại, xăng dầu... Trong hoạt động thương mại điện tử với các hành vi chủ yếu là kinh doanh hàng hóa nhập lậu, kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, buôn bán thuốc là điếu nhập lậu, không đăng ký hệ thống phân phối với cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền theo quy định, không công bố đầy đủ trên website thương mại điện tử bán hàng thông tin về chủ sở hữu website, không thông báo website thương mại điện tử bán hàng với cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền theo quy định trước khi bán hàng đến người tiêu dùng. Trước thực trạng trên, tỉnh Bình Thuận đã chỉ đạo các cơ quan chức năng cần phải tăng cường công tác đấu tranh, kiểm tra, kiểm soát tình hình buôn bán hàng lậu, hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng vi phạm xuất xứ và gian lận thương mại điện tử. Tập trung vào các mặt hàng quan trọng, như thực phẩm, đường cát, xăng dầu, khí dầu mỏ hỏa lỏng, phân bón, vật tư nông nghiệp, nhóm hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, thuốc y học cổ truyền, các sản phẩm thuốc lá mới, xì gà… Đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát hàng hoá tại các trung tâm thương mại, các chợ dân sinh, các tuyến phố sầm uất, các cơ sở sản xuất. Chú trọng kiểm tra việc niêm yết giá, bán hàng theo giá niêm yết, chống đầu cơ găm hàng, tăng giá bất hợp lý, nhất là các mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống nhân dân. Tăng cường phối hợp với các lực lượng trong đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trong thương mại điện tử. Đặc biệt là làm tốt công tác quản lý địa bàn, nắm vững diễn biến tình hình hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả theo lĩnh vực địa bàn để kịp thời phát hiện, nhận diện các vấn đề nổi cộm, các lĩnh vực, mặt hàng vi phạm mới nổi để đấu tranh ngăn chặn. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động nghiệp vụ xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung, phục vụ công tác quản lý thị trường nói chung, công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả nói riêng. Bên cạnh công tác kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm lực lượng Quản lý thị trường kết hợp tuyên truyền vận động các tổ chức, cá nhân hoạt động thương mại trên thị trường tham gia đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Thực hiện ký cam kết không sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhập lậu, kém chất lượng….