Theo dõi trên

Siêu thị “kiềm giá” hỗ trợ người tiêu dùng

24/03/2022, 14:35

BTO- Sau nhiều lần liên tiếp tăng giá xăng, dầu, hầu hết các mặt hàng như: Gas, vật liệu xây dựng, lương thực, thực phẩm… cũng bị “kéo” theo đà leo thang đó. Tuy nhiên, hiện tại hệ thống siêu thị, các mặt hàng thiết yếu có giá ổn định.

Giá bình ổn, khuyến mãi kích cầu

Tại các điểm bán lẻ, chợ dân sinh một số mặt hàng thiết yếu rau củ, dầu ăn, sữa tươi, dầu xả… đã áp dụng giá mới. Lý giải của người bán là do giá xăng được điều chỉnh tăng liên tục thời gian qua đã tác động trực tiếp đến cước phí vận chuyển, đẩy giá bán tăng theo.

Còn ở hệ thống các siêu thị cho biết, mặc dù đã nhận được đề xuất tăng giá từ một số nhà cung cấp nhưng các đơn vị đang nỗ lực “kiềm giá” bằng cách đàm phán với các nhà cung cấp kéo dài thời gian áp dụng giá mới. Đồng thời, siêu thị tận dụng nguồn hàng dự trữ để duy trì được mức giá bán lẻ hàng thiết yếu ổn định thời gian lâu nhất cho người tiêu dùng.

Theo đại diện LOTTE Mart, Cửa hàng tiện lợi Vinmart +, Bách Hóa Xanh đều cho biết việc giá xăng dầu liên tục tăng đã gây áp lực không nhỏ lên các nhà cung cấp, đặc biệt là các nhà cung cấp thực phẩm tươi sống, hóa mỹ phẩm. Rất khó để dự đoán giá sẽ thay đổi như thế nào trong thời gian sắp tới. Hiện nay, thị trường đã thấy có sự lên giá của một số mặt hàng như: gạo, dầu ăn... nhưng đến thời điểm này các đơn vị vẫn đang cố gắng kéo dài thời gian áp dụng giá cũ. Đồng thời, đảm bảo ổn định nguồn cung hàng hóa dồi dào phục vụ người tiêu dùng.

Còn tại hệ thống Siêu thị Co.op mart và Co.opXtra đang áp dụng các chương trình khuyến mãi giảm giá đến 50% cho 3.000 nhu yếu phẩm đến hết ngày 30/3. “Thời điểm này, nhiều mặt hàng trên thị trường có biến động tăng giá, siêu thị Co.opmart Phan Thiết đã chủ động phối hợp với các nhà cung cấp, nhãn hàng để kiềm giữ, nhằm đảm bảo giá cả, đặc biệt là giá cả của các mặt hàng thiết yếu được ổn định.

Đồng thời, thực hiện các chương trình khuyến mãi để kích sức mua chưa phải là cao như hiện nay. Đặc biệt, hệ thống siêu thị Co.op mart đang tung ra nhiều chương trình khuyến mãi dịp sinh nhật hệ thống 33 năm và sinh nhật Co.opmart Phan Thiết 15 năm (30/4/2007-30/4/2022)”, bà Nguyễn Thị Hồng Loan – Giám đốc Siêu thị Co.op mart Phan Thiết cho biết. Cụ thể, đơn vị này đã phối hợp cùng các nhãn hàng Cholimex, Maggi, Simply, Neptune, Chin Su, Knorr, Liên Thành… giảm giá 15% - 50% cho các sản phẩm dầu ăn, tương ớt, nước tương, nước mắm, đường, gạo, mì gói, hạt nêm… Thêm vào đó, các sản phẩm thực phẩm tươi sống được giảm giá ưu đãi từ 15% - 20% ; rau củ quả và trái cây cũng giảm giá lên đến 20%.

Có thể thấy, việc các hệ thống siêu thị đang thực hiện hàng loạt chương trình giảm giá các nhu yếu phẩm không chỉ giúp khách hàng san sẻ gánh nặng, vượt qua thời bão giá, mà còn góp phần tăng tính bình ổn trên thị trường hỗ trợ người tiêu dùng. Đối với các đề xuất tăng giá của các nhà cung cấp, các siêu thị hiện vẫn đang xem xét và có phương án cân đối, cập nhật giá cả phù hợp trong thời gian tới.

Giá cả leo thang, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, hệ thống bán lẻ cần "nắm tay" nhà cung cấp giảm biên độ lợi nhuận, giữ giá kích sức mua, bình ổn thị trường

Tăng cường quản lý, bình ổn giá

Giá xăng dầu trong nước đã tăng 6 lần kể từ đầu năm 2022 đến giữa tháng 3/2022 và đạt mức giá bán lẻ kỷ lục trong khoảng 8 năm qua. Đến chiều 21/3, trong đợt điều chỉnh giá bán lẻ mới nhất của Liên bộ Tài chính - Công thương, giá xăng chỉ giảm hơn 600 đồng/lít. Theo đó, xăng E5 RON92 có giá bán tối đa là 28.330 đồng/lít và xăng RON95 là 29.192 đồng/lít, tuy có giảm so với kỳ điều chỉnh trước đó nhưng mức giá xăng hiện nay vẫn ở mức cao so với cùng kỳ năm ngoái. Tương tự, giá các loại dầu vẫn ở mức cao sau khi điều chỉnh, có giá bán lẻ từ 20.423- 23.633 đồng/lít, kg.

Theo đánh giá của các cơ quan chuyên môn, mặc dù xăng, dầu tăng giá gây áp lực lên thị trường nhưng giá hàng hóa tại các siêu thị, trung tâm thương mại không thể điều chỉnh tức thì, mà thường có độ trễ nhất định. Nguyên nhân là do sự ràng buộc hợp đồng giữa các đơn vị kinh doanh với nhà cung cấp. Thời gian tới, trước những tác động do biến động giá xăng dầu, giá nguyên liệu đầu vào tăng đẩy hàng hóa tăng cao, giá cả biến động khiến sức mua chậm lại do người tiêu dùng “thắt chặt chi tiêu”. Khi sức mua chưa cao, rất cần sự sẻ chia gánh nặng với người tiêu dùng, hệ thống bán lẻ cần phối hợp với các nhà cung cấp cùng "nắm tay" nhau giảm biên độ lợi nhuận, giữ giá đảm bảo lợi ích cho người tiêu dùng và để thực hiện tốt công tác bình ổn giá cả thị trường.

 Sở Công thương cho biết, sở đã  chỉ đạo Cục Quản lý thị trường tỉnh kiểm tra hoạt động kinh doanh, buôn bán mặt hàng thiết yếu, xăng dầu trên địa bàn nhằm kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi găm hàng, tăng giá bất hợp lý gây lũng đoạn thị trường. Đặc biệt, với mặt hàng xăng dầu Cục Quản lý thị trường thường xuyên quản lý địa bàn, giám sát chặt chẽ các cửa hàng bán lẻ xăng dầu để kịp thời phát hiện các hành vi găm hàng, tạo khan hiếm và các hành vi gian lận thương mại khác. Bên cạnh tuyên truyền, tổ chức cho các cửa hàng xăng ký cam kết, kịp thời xử lý vi phạm hành vi găm hàng. Mới đây, Đội Quản lý thị trường số 2 thuộc Cục Quản lý thị trường tỉnh đã xử phạt hành chính cửa hàng xăng dầu Vĩnh Phúc (Hàm Thuận Nam) về hành vi giảm lượng hàng bán ra so với thời gian trước đó mà không có lý do chính đáng, không báo cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định.

THANH DUYÊN


(0) Bình luận
Bài liên quan
Giá xăng dầu giảm sau chuỗi tăng liên tiếp
Giá xăng E5RON92 giảm 655 đồng/lít so với giá hiện hành, giá xăng RON95-III giảm 632 đồng/lít; giá các loại dầu cũng giảm từ 564 – 1.673 đồng/lít/kg.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Siêu thị “kiềm giá” hỗ trợ người tiêu dùng