Ngổn ngang tuyến Vĩnh Hảo – Phan Thiết
8 giờ đêm ngày 21/11, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng và Chủ tịch UBND tỉnh Đoàn Anh Dũng vẫn còn đi đến gói thầu XL03 ở Ma Lâm để kiểm tra. Những cơn mưa nặng hạt không làm khó được đội ngũ công nhân, kỹ sư tập trung thi công để đạt tiến độ. Trước đó chúng tôi đã “tách đoàn” đi một số đoạn trên tuyến cao tốc. Tại gói thầu XL02 Công ty TNHH thương mại và sản xuất Quản Trung là đơn vị được Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) tín nhiệm giao thi công đường một số hạng mục khác. Công nhân lái máy Nguyễn Quốc Bảo cho biết: Trời mưa nên công nhân làm việc rất cực. Tuy nhiên hầu hết công nhân của công ty đều hăng say làm việc để đạt chỉ tiêu công ty giao... Trong tiếng máy xe lu ồn ào, tôi nghe kỹ sư Phạm Văn Công – Chỉ huy trưởng công trình của Công ty TNHH thương mại và sản xuất Quản Trung trao đổi nhanh tiến độ thi công với anh Trần Thanh Hiệp – Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH thương mại và sản xuất Quản Trung. Tôi tranh thủ hỏi anh Hiệp: Là đơn vị đầu tiên của Bình Thuận được tham gia xây dựng tuyến cao tốc trọng điểm quốc gia ngay trên quê hương mình anh có suy nghĩ gì? Anh Trần Thanh Hiệp, cho biết: Sau khi thực hiện tốt công trình hầm Đèo Cả ở Khánh Hòa, Công ty rất tự hào vì được Bộ GTVT tín nhiệm giao làm 18 km tuyến cao tốc Vĩnh Hảo – Phan Thiết và san lấp mặt bằng sân bay Long Thành. Với tuyến cao tốc, công ty đã tập trung mọi nguồn nhân lực, máy móc để đáp ứng được tiến độ do Bộ GTVT chỉ đạo phải thông xe kỹ thuật vào cuối năm 2022...
Theo Ban Quản lý Dự án 7 năm 2022, các gói thầu đã thực hiện được theo giá trị hợp đồng là 89%. Tuy nhiên, tiến độ thực hiện vẫn còn chậm theo kế hoạch trên giao. Cụ thể: Gói thầu XL01 đã huy động so với kế hoạch được 25/25 dây chuyền thi công (trong đó 9/9 dây chuyền thi công nền đường, 7/7 dây chuyền thi công móng, 9/9 dây duyền thi công mặt đường). Triển khai thi công 13/13 cầu. Cống, hầm chui tuyến chính đã cơ bản hoàn thành. Hiện có 3/3 trạm bê tông xi măng (BTXM) và 3/2 trạm bê tông nhựa (BTN). Gói thầu XL02 đã huy động so với kế hoạch được 20/23 dây chuyền thi công (trong đó 11/11 dây chuyền thi công nền đường, 6/6 dây chuyền thi công móng CPDD và CTB, 3/6 dây chuyền thi công mặt đường). Triển khai thi công 8/8 cầu. Cống, hầm chui tuyến chính đã cơ bản hoàn thành. Hiện có 3/3 trạm BTXM và 1/1 trạm BTN. Sản lượng chậm so với kế hoạch, nguyên nhân chủ yếu do nhà thầu không tập trung triển khai thi công, công trường còn tình trạng thiếu nhiên liệu, tài chính. Mỏ đất đắp theo Nghị quyết số 60/NQ-CP cấp phép từ 25/3 tuy nhiên đến 29/7 mới được khai thác ảnh hưởng lớn đến tiến độ, trong thời gian chờ mỏ cấp phép đơn vị thi công chưa chủ động tìm nguồn vật liệu thay thế. Gói thầu XL03 đã huy động so với kế hoạch được 12/12 dây chuyền thi công (trong đó 4/4 dây chuyền thi công nền đường, 8/8 dây chuyền thi công móng mặt đường). Triển khai thi công 7/7 cầu, cống, hầm chui tuyến chính đã cơ bản hoàn thành. Hiện có 2/ 2 trạm BTXM và 2/2 trạm BTN. Chậm so với kế hoạch, nguyên nhân chủ yếu do thời gian từ tháng 9/2022 trở về trước nhà thầu không tập trung triển khai thi công, công trường thường xuyên thiếu nhiên liệu, tài chính thiếu trầm trọng ở đơn vị Cienco 8 đến nay mới cơ bản được khắc phục. Gói thầu XL04, dự án đã huy động so với kế hoạch được 33/36 dây chuyền thi công (trong đó 14/14 dây chuyền thi công nền đường, 12/12 dây chuyền thi công móng, 9/10 dây chuyền thi công mặt đường). Triển khai thi công 29/29 cầu (trong đó có 1 cầu trong phạm vi phá đá nổ mìn mới thi công phần đúc dầm). Cống, hầm chui tuyến chính đã cơ bản hoàn thành. Hiện có 7/5 trạm BTXM và 6/3 trạm BTN...
Kỳ vọng về đích đúng hạn
Hôm sau, chúng tôi tiếp tục đi tuyến cao tốc đường bộ Phan Thiết – Dầu Giây, tuyến có tổng chiều dài 99 km (Bình Thuận dài 47,67 km, Đồng Nai dài 51,33 km). Giai đoạn đầu tuyến có 4 làn xe, có 6 nút giao khác mức, 65 cầu (18 cầu trên cao tốc, 47 cầu vượt). Tổng diện tích đất thu hồi 784,89 ha, trong đó Bình Thuận 365,89 ha, Đồng Nai 419 ha. Dự án đi qua địa phận các huyện Hàm Thuận Nam, Hàm Tân (Bình Thuận) và qua địa phận huyện Xuân Lộc, Cẩm Mỹ, Thống Nhất, thành phố Long Khánh (Đồng Nai). Điểm đầu tuyến nằm trên đoạn tuyến nối từ QL1A đi Mỹ Thạnh, cách QL1A khoảng 2,6 km thuộc huyện Hàm Thuận Nam, Bình Thuận nối với điểm cuối dự án cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết. Điểm cuối tuyến Phan Thiết - Dầu Giây nối với đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây tại km 43+125, thuộc địa phận huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai.
Nếu tuyến cao tốc Vĩnh Hảo – Phan Thiết còn ngổn ngang nhiều đoạn thì tuyến Phan Thiết – Dầu Giây nhìn ổn hơn vì các hạng mục cơ bản hoàn thành đạt tiến độ, xe chạy trên đường đi thị sát khá thoải mái. Trên công trình, anh Đặng Hùng Thái – Giám đốc Quản lý dự án tuyến Phan Thiết – Dầu Giây đã báo cáo tiến độ với Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng, theo đó giá trị sản lượng thực hiện đến ngày 20/11/2022 được 3.857,112/5.877,769 tỷ đồng đạt 65,62% giá trị hợp đồng (đạt 77,42% giá trị mốc hoàn thành thông xe kỹ thuật 31/12/2022). Phương án để hoàn thành đảm bảo thông xe kỹ thuật 31/12/2022 theo ý kiến chỉ đạo của Bộ GTVT tại lễ phát động thi đua 120 ngày/ đêm. Để bảo đảm hoàn thành thông xe kỹ thuật trên lớp BTN C12,5, lắp đặt hoàn thiện hộ lan, tôn lượn sóng và dải phân cách với các hạng mục trên tuyến chính còn lại gồm BTN các loại, cấp phối đá dăm gia cố xi măng, cấp phối đá dăm loại 1, đắp đất các loại , đào đá để đảm bảo hoàn thành kế hoạch thông xe kỹ thuật cần giải pháp sau: 4 gói thầu 1-XL, 2-XL, 3-XL và 4-XL triển khai thi công ngay mũi lắp đặt tôn hộ lan, biển báo. Tăng cường tổ đội thi công cầu để thi công đồng loạt các cầu trên tuyến. Bố trí nguồn lực tài chính cho gói thầu; triển khai thi công mũi lắp đặt tôn hộ lan, biển báo. Thêm dây chuyền thảm BTN, xe lu, máy rải, máy xúc…
Tại hiện trường thi công tuyến Vĩnh Hảo – Phan Thiết, Chủ tịch UBND tỉnh Đoàn Anh Dũng, cho biết: Việc giải phóng mặt bằng Bình Thuận đã hoàn thành sớm. Các vấn đề liên quan đến giải quyết mỏ vật liệu đến thời điểm này tỉnh đã cơ bản giải quyết xong, đảm bảo nhu cầu vật liệu để phục vụ đất đắp cho dự án. Bình Thuận sẽ tích cực phối hợp với Ban quản lý Dự án 7 để tuyến cao tốc triển khai đúng tiến độ. Chủ tịch UBND tỉnh kiến nghị với Đoàn công tác Bộ GTVT, sau khi dự án hoàn thành thì các nhà thầu cần tổ chức sửa chữa ngay các tuyến đường hư hỏng, hoàn trả lại nguyên trạng các tuyến đường ở địa phương trong quá trình thi công vận chuyển vật liệu phục vụ dự án gây ra...
Qua báo cáo của Ban Quản lý Dự án 7 và kiểm tra thực tế hiện trường thi công, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, đánh giá dự án chậm tiến độ là trách nhiệm trực tiếp của Ban quản lý và các nhà thầu. Các nhà thầu cần tăng tốc hơn nữa để đạt tiến độ đề ra. Bộ trưởng chỉ đạo: Để làm được đúng tiến độ Ban Quản lý dự án 7 phải tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc tối đa cho các nhà thầu, nhất là vấn đề tài chính, để các nhà thầu thuận lợi nhất trong thi công.
Với cả 2 tuyến Vĩnh Hảo – Phan Thiết và Phan Thiết – Dầu Giây, Bộ trưởng chỉ đạo chung: Các nhà thầu phải tập trung mọi nguồn lực, nhân lực, máy móc… khắc phục bất lợi do thời tiết gây ra để hoàn thành tiến độ công trình. Bên cạnh thi công đạt tiến độ cần đảm bảo chất lượng công trình đúng tiêu chuẩn. Đặc biệt, không được chạy theo tiến độ mà bỏ qua các bước quy trình kỹ thuật theo quy định. Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh: Chậm nhất đến ngày 30/4/2023 sẽ khánh thành tuyến Vĩnh Hảo – Phan Thiết…