Bác Hồ thăm nhân dân xã Nam Cường, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình (tháng 3/1962). Ảnh tư liệu |
Xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân
Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, mối quan tâm hàng đầu của Chủ tịch Hồ Chí Minh là xây dựng, củng cố và tăng cường sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc (ĐĐKDT). Theo Người, khối ĐĐKDT bao gồm tất cả các giai cấp, tầng lớp, lực lượng, đảng phái, các dân tộc, các tôn giáo, các cá nhân yêu nước, người Việt Nam ở nước ngoài, kể cả những người đã lầm đường, lạc lối nhưng biết hối cải trở về với nhân dân. Trong khối ĐĐKDT, quần chúng đóng vai trò quan trọng, là lực lượng chính, là nguồn sức mạnh vô biên làm nên những thắng lợi to lớn trong sự nghiệp đấu tranh cách mạng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Do đó, Đảng phải tập hợp, đoàn kết quần chúng nhân dân tạo thành sức mạnh vô địch trong cuộc đấu tranh vì độc lập dân tộc, vì tự do, hạnh phúc cho nhân dân.
Theo Bác, để thực hiện được tư tưởng này, chúng ta phải kế thừa truyền thống yêu nước - nhân nghĩa – đoàn kết của cả dân tộc. ĐĐKDT không chỉ là mục tiêu, nhiệm vụ hàng đầu của Đảng mà còn là mục tiêu, nhiệm vụ hàng đầu của cả dân tộc. Người cũng chỉ rõ sức mạnh của toàn thể dân tộc Việt Nam không chỉ là đoàn kết trong Đảng, cộng với khối đoàn kết của những người ngoài Đảng mà còn là sự gắn bó máu thịt giữa Đảng với dân.
Không những vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn xây dựng, phát triển ĐĐKDT lên một tầm cao mới là đoàn kết quốc tế. Ngay từ những năm tháng bôn ba ở nước ngoài tìm đường cứu nước, Người đã kêu gọi tinh thần đoàn kết giữa người lao động ở các nước chính quốc góp phần tích cực xây dựng khối đoàn kết giữa các thuộc địa ở châu Á, đặc biệt là khối đoàn kết 3 nước Đông Dương.
Vận dụng trong giai đoạn hiện nay
Qua các kỳ đại hội, tư tưởng ĐĐKDT của Hồ Chí Minh luôn được Đảng ta tiếp thu, vận dụng sáng tạo, khéo léo. Thực tế, các cuộc vận động xã hội, các phong trào thi đua yêu nước sâu rộng do Mặt trận và các tổ chức thành viên phát động và triển khai thực hiện ngày càng đi vào cuộc sống, được các tầng lớp nhân dân tích cực hưởng ứng. Từ đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, lá lành đùm lá rách, thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm, đến các phong trào “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa”, “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”… đã góp phần làm cho tư tưởng ĐĐKDT thấm sâu vào các tầng lớp nhân dân, tạo động lực thúc đẩy phát triển đất nước nhanh và bền vững.
Đặc biệt trong đại dịch Covid-19 vừa rồi, với tinh thần đoàn kết dân tộc và đoàn kết quốc tế, nhiều cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước đã đóng góp tiền, hàng hóa, thuốc men, nhu yếu phẩm giúp đỡ người nghèo, người thất nghiệp, hỗ trợ cho các bệnh viện… trên tinh thần chia ngọt sẻ bùi, “không để ai bị bỏ lại phía sau”. Cùng với những chủ trương, quyết sách linh hoạt, đúng đắn của Đảng và Nhà nước, tuân thủ nghiêm các chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, sau gần 5 tháng, nhân dân cả nước đều đồng lòng hướng về một mục tiêu là tiêu diệt “kẻ thù vô hình” và giữ vững nền kinh tế, đảm bảo ổn định xã hội bằng những việc làm cụ thể, phù hợp với vị trí, vai trò, chức năng, khả năng của mình.
Tại Bình Thuận, từ năm 2009 đến nay đang thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” xây dựng khối ĐĐKDT theo tư tưởng Hồ Chí Minh. Trong đó có trên 2.600 mô hình tập thể và gần 2.000 cá nhân điển hình “Dân vận khéo”. Đáng chú ý là các mô hình giảm nghèo, nhân đạo từ thiện, chăm lo người có công cách mạng, chính quyền điện tử, công chức xin lỗi dân khi trễ hẹn, đối thoại với tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp…
Đại đoàn kết dân tộc từ chỗ là tư tưởng của lãnh tụ Hồ Chí Minh đã trở thành sợi chỉ đỏ xuyên suốt đường lối chiến lược của Đảng. Đó không chỉ là lời giải đáp đúng đắn vào một thời điểm nào đó mà còn nguyên giá trị trong suốt chiều dài lịch sử.
Thùy Linh