Ông Todd Inman - một thành viên của Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia Mỹ xác nhận rằng tại một thời điểm rất gần với vụ va chạm, máy bay có sự thay đổi nhỏ về độ cao, theo hướng tăng lên.
Theo báo cáo của Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia Mỹ, các điều tra viên đang tìm cách xác định liệu các phi công của máy bay American Airlines có phát hiện nguy hiểm ngay trước khi va chạm với trực thăng quân sự hay không. Tuy đến nay chưa thể đưa ra kết luận cuối cùng, song sự thay đổi đột ngột về quỹ đạo của máy bay được xác định là không đủ để tránh va chạm với chiếc trực thăng quân sự đang bay cao hơn mức dự kiến.
Lực lượng cứu hộ được triển khai sau vụ va chạm giữa trực thăng BlackHawk của Quân đội Mỹ với một máy bay chở khách của hãng hàng không American Airlines. Ảnh: Getty Images
Theo dữ liệu thu thập thông tin từ máy ghi dữ liệu chuyến bay, máy bay chở khách của Hãng hàng không American Airlines và trực thăng Black Hawk của quân đội đã va chạm ở độ cao 90-105 m so với mặt đất trên sông Potomac. Có nghĩa là vào thời điểm đó, trực thăng đang bay cao hơn 30 m so với độ cao được phép bay theo lộ trình cụ thể gần Sân bay Quốc gia Reagan. Trực thăng phải bay ở độ cao được quy định và duy trì theo các đường bay cụ thể để tránh các máy bay thương mại ra vào sân bay đông đúc.
Trước đó, tờ Thời báo New York Times đưa tin trực thăng ở vị trí cao hơn độ cao được phép, khiến nó nằm trong đường bay của máy bay chở khách của American Airlines và tất cả 67 người trên cả hai máy bay đều thiệt mạng.
Ngoài ra, các điều tra viên cũng đặt nghi vấn về phạm vi radar mà tháp điều khiển không lưu sử dụng vào tối 29/1, dường như cho thấy Black Hawk chỉ cách mặt đất khoảng 60m vào thời điểm xảy ra vụ tai nạn. Tuy nhiên, các điều tra viên cảnh báo rằng điều này dựa trên dữ liệu sơ bộ vẫn cần được xác minh. Giới chức trách cho biết họ không biết tại sao thông tin của tháp điều khiển không lưu có thể không chính xác về độ cao của trực thăng tại thời điểm va chạm.