Theo dõi trên

Tài sản trí tuệ hỗ trợ nhiều sản phẩm nông nghiệp chủ lực

25/04/2024, 05:07

Sở hữu trí tuệ gắn với mục tiêu phát triển bền vững bằng sự đổi mới và sáng tạo là chủ đề hội nghị được Sở Khoa học & Công nghệ (KH & CN) tổ chức trung tuần tháng tư, hưởng ứng chủ đề Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới (26/4) năm 2024 là “Sở hữu trí tuệ và các mục tiêu phát triển bền vững: Xây dựng tương lai chung bằng đổi mới sáng tạo”.

Khai thác tài sản trí tuệ

Theo Th.S Trần Giang Khuê, Trưởng Văn phòng, Văn phòng miền Nam Cục Sở hữu trí tuệ, tài sản trí tuệ của một doanh nghiệp thường gồm 3 phần: tiền vốn, tài sản hữu hình (nhà xưởng, trang thiết bị…) và tài sản vô hình. Tài sản vô hình chủ yếu là tài sản trí tuệ, uy tín, danh tiếng của doanh nghiệp. Thể hiện của tài sản trí tuệ như thương hiệu, nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp, sáng chế, các giải pháp kỹ thuật và công nghệ tiềm ẩn bên trong sản phẩm. Tài sản trí tuệ được xem là thước đo khả năng tồn tại, phát triển và hiệu quả hoạt động trong tương lai của doanh nghiệp. Quyền sở hữu trí tuệ là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tài sản trí tuệ, bao gồm quyền tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng. Có thể xem thanh long Bình Thuận, nước mắm Phan Thiết là tài sản trí tuệ của tỉnh.

img_8466.jpg
Sầu riêng Đa Kai - Đức Linh được bảo hộ nhãn hiệu tập thể.

Thông qua hoạt động bảo hộ, phát triển tài sản trí tuệ đã kết nối được các hộ nông dân từ hoạt động sản xuất đơn lẻ thành mô hình sản xuất tập trung, chuyên canh sản phẩm, góp phần nâng cao chất lượng, nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm, tạo dựng được công cụ quản lý và các căn cứ khoa học để định hướng người tiêu dùng sử dụng sản phẩm bảo đảm nguồn gốc, chất lượng.

Bà Mai Thanh Nga, Phó Giám đốc Sở KH & CN cho hay, những năm qua, tỉnh đã quan tâm chú trọng thực hiện các giải pháp về phát triển tài sản trí tuệ. Đặc biệt là công tác hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ của địa phương, xác lập quyền sở hữu trí tuệ đối với những sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP, xây dựng nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, chỉ dẫn địa lý để phát huy danh tiếng, uy tín của sản phẩm, bảo hộ cho những người sản xuất, kinh doanh; bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng, góp phần thúc đẩy việc nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị hàng hóa của sản phẩm, đưa sở hữu trí tuệ trở thành công cụ thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội trên địa bàn tỉnh.

img_8973.jpg
Các sản phẩm của nước mắm truyền thống Phan Thiết.

Định hình các nhãn hiệu tập thể

Cụ thể, Sở KH & CN hỗ trợ đăng ký bảo hộ 11 nhãn hiệu tập thể (NHTT) tại các huyện: Đức Linh, Tánh Linh, Hàm Thuận Bắc, Tuy Phong, TX. La Gi, Hàm Thuận Nam, TP. Phan Thiết. Điển hình huyện Đức Linh có HTX Thương mại - Dịch vụ Thành Thành Công bảo hộ NHTT “Sầu riêng Đa Kai – Đức Linh”; HTX Dịch vụ tổng hợp Sen Núi bảo hộ nhãn hiệu tập thể “Sen núi Co.op – Đức Linh, sự thuần khiết từ đất mẹ”. Cùng đó, Tổ hợp tác sầu riêng Đức Phú bảo hộ NHTT “Sầu riêng Đức Phú – Tánh Linh” ở huyện Tánh Linh. Huyện Hàm Thuận Bắc có HTX Thanh long sạch Hòa Lệ bảo hộ NHTT “Hợp tác xã thanh long sạch Hòa Lệ - Ma Lâm - Hàm Thuận Bắc; HTX Dịch vụ nông nghiệp hữu cơ Hiệp Phát sử dụng địa danh “Hồng Liêm - Hàm Thuận Bắc” bảo hộ NHTT “Hiệp Phát- Hồng Liêm- Hàm Thuận Bắc”. Còn ở Tuy Phong có HTX Dịch vụ Nông nghiệp Phong Phú sử dụng địa danh “Phong Phú – Tuy Phong” bảo hộ NHTT “HTX Dịch vụ Nông nghiệp Phong Phú – Tuy Phong”. Thành phố Phan Thiết có HTX chăn nuôi hữu cơ Thiện Nghiệp bảo hộ NHTT “HTX chăn nuôi hữu cơ Thiện Nghiệp”…

Sở KH & CN đang triển khai “Xây dựng mô hình quản lý, phát triển nhãn hiệu tập thể cho 7 sản phẩm OCOP tỉnh Bình Thuận”, “Xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận cho sản phẩm mực một nắng tại tỉnh Bình Thuận” trong năm 2024, gắn hỗ trợ cơ sở, HTX, doanh nghiệp phát triển theo chuỗi giá trị các sản phẩm có lợi thế, tiềm năng, có giá trị kinh tế cao của tỉnh.

“Hiện nay, Sở KH & CN tham mưu UBND tỉnh các giải pháp đẩy nhanh việc thực hiện chiến lược phát triển tài sản trí tuệ quốc gia đến năm 2030, trong đó có nội dung về khai thác sáng chế. Trong quá trình tiếp cận các chính sách nhà nước phục vụ khai thác sáng chế, cơ sở, doanh nghiệp cần bám sát các chương trình quốc gia như chương trình phát triển tài sản trí tuệ, chương trình phát triển thị trường khoa học và công nghệ, chương trình phát triển công nghệ cao, chương trình đổi mới công nghệ quốc gia”, bà Mai Thanh Nga chia sẻ.

T. KHOA


(0) Bình luận
Bài liên quan
Doanh nghiệp còn gặp khó trong triển khai mô hình kinh tế tuần hoàn
BTO-Sáng 23/4, tại Ban Quản lý các khu công nghiệp (KCN) tỉnh diễn ra tọa đàm “Đánh giá các quy định về pháp luật và thực tiễn thi hành pháp luật bảo vệ môi trường thúc đẩy việc thực hiện kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam hiện nay và kiến nghị hoàn thiện”.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tài sản trí tuệ hỗ trợ nhiều sản phẩm nông nghiệp chủ lực