Theo dõi trên

Tăng chỉ tiêu bao phủ BHYT: Cần nâng cao chất lượng điều trị

10/10/2019, 09:32

BT- Mặc dù tỷ lệ người dân tham gia BHYT hàng năm có chỉ số cao hơn năm trước, nhưng tính bền vững chưa cao và thấp hơn so với mức bình quân chung của cả nước. 

                
Ảnh: Đ.Hòa

Thấp do nhiều nguyên nhân

9 tháng năm 2019, số tham gia BHYT là 961.648 người, đạt 82,5% dân số toàn tỉnh, thấp hơn so mức bình quân chung của cả nước (90%). Cụ thể, chỉ số biến động tăng 19.243 người; trong đó, 11.000 người thuộc nhóm gia đình mua thẻ. Tuy nhiên, chỉ số biến động giảm là 26.127 người, do các gia đình nghèo, cận nghèo đã thoát nghèo, học sinh lớp 12 tốt nghiệp (thẻ hết hạn sử dụng), người lao động trong các đơn vị hành chính sự nghiệp và cán bộ không chuyên trách xã, phường giảm. Thông thường, 3 tháng cuối năm các phường, xã hoàn thành tỷ lệ người tham gia BHYT, nhưng sang năm mới thẻ BHYT hết hạn, người tham gia không mua lại thẻ… Như vậy, tỷ lệ người dân tham gia BHYT theo nhóm gia đình có tăng nhưng chưa có tính bền vững, dẫn đến tỷ lệ tham gia BHYT hiện tại giảm 6.884 người so thời điểm cuối năm 2018.

Bà Nguyễn Thị Bích Hoàn - Phó Giám đốc Sở Giáo dục & Đào tạo cho biết: năm học 2018 – 2019, tỷ lệ học sinh tham gia BHYT đạt 98,31%. Đây là sự nỗ lực của cả tập thể ngành giáo dục. Không ít trường, giáo viên tự đóng góp tiền để mua thẻ BHYT cho những học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Đáng chú ý, khi học sinh xỉu hàng loạt, nhân viên y tế tại các trạm không kịp thời hỗ trợ nhà trường. Học sinh tham gia BHYT, nhưng không được chăm sóc khám sức khỏe ban đầu, khiến nhiều phụ huynh không đồng tình mua thẻ BHYT bởi quyền lợi học sinh không được thụ hưởng. Và nhà trường cũng khó vận động.

Với năng lực chuyên môn, trang thiết bị y tế, cơ sở vật chất tại các trung tâm y tế, bệnh viện chưa đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe người bệnh, thời gian khám bệnh, tư vấn mà bác sĩ dành cho bệnh nhân quá ít, trong vòng 2 phút. Vì thế, nhiều bệnh nhân chưa cảm thấy an tâm khi khám tại trung tâm y tế tuyến huyện, tiếp tục khám lại tại các bệnh viện tuyến trên. Đó là phản ánh của nhiều người dân.

Ông Đặng Thức Anh Vũ - Phó Giám đốc Sở Y tế giải thích, toàn tỉnh có 900 bác sĩ đang hoạt động tại các cơ sở điều trị, với tỷ lệ 7,15 bác sĩ /vạn dân, thấp hơn so với tiêu chí yêu cầu (8 bác sĩ/vạn dân). Một khi thiếu về số lượng nhân lực, cơ sở vật chất, thì chất lượng dịch vụ chăm sóc cũng không đạt. Dự kiến, tình trạng thiếu bác sĩ sẽ tiếp tục kéo dài trong nhiều năm tới.  

“Chảy” tiền ra khỏi tỉnh

Song hành với số người tham gia BHYT, các cơ sở điều trị tiếp nhận 1,49 triệu lượt người khám chữa bệnh (KCB) BHYT với tổng chi 467,563 tỷ đồng. Trong đó, 1,36 triệu lượt người KCB ngoại trú và 117.506 lượt người KCB nội trú. Theo quy định Luật BHYT, trường hợp chi phí cho 1 lần KCB thấp hơn 15% mức lương cơ sở thì được thanh toán 100% chi phí. Mức tăng lương cơ sở năm 2019 là 223.500 đồng (năm 2018 là 208.500 đồng) nên tăng chi phí bình quân KCB ngoại trú. Mặt khác người tham gia KCB BHYT chủ yếu tập trung ở những người mắc bệnh mãn tính như tiểu đường, cao huyết áp, thận… làm cho chi phí KCB ngoại trú tăng theo.

Theo BHXH tỉnh, năm 2018, Thủ tướng Chính phủ giao cho Bình Thuận 901,6 tỷ đồng tổng dự toán chi KCB BHYT tại các cơ sở điều trị, thì BHXH tỉnh phân khai khoảng 10 tỷ đồng cho chăm sóc sức khỏe ban đầu tại các trường học. Tuy nhiên, tổng chi vượt dự toán thêm 56,5 tỷ đồng. Nâng tổng số tiền chi KCB BHYT là 958 tỷ đồng. Trong đó, chi trả cho đa tuyến khi bệnh nhân trong tỉnh ra ngoài tỉnh điều trị với số tiền 318 tỷ đồng. Từ số liệu trên cho thấy rằng cơ sở điều trị chưa tốt, nên người dân trong tỉnh phải đến tỉnh khác điều trị. Nếu ngành y tế tỉnh không cải thiện nguồn nhân lực, trình độ chuyên môn, trang thiết bị y tế, thì các cơ sở điều trị sẽ gặp nhiều khó khăn hơn nữa. Riêng năm 2019, tổng dự toán chi KCB BHYT 702 tỷ đồng. Tỷ lệ sử dụng kinh phí KCB BHYT đến 9 tháng năm 2019 là 97,9%, ít hơn dự toán 2,1%, xếp thứ 14 bội chi KCB BHYT so với toàn quốc. 

Kết hợp nhiều giải pháp

Nếu thêm khoảng 47.000 người tham gia BHYT thì mới đạt được chỉ tiêu Chính phủ giao 86% vào cuối năm 2019. Đồng thời tăng tính bền vững về số lượng người tham gia mua thẻ BHYT, là sự chung tay phối hợp các hội, đoàn thể giúp các gia đình khó khăn chưa thể tham gia BHYT bằng cách vay tiền mua thẻ, trả góp hàng tháng mà không có lãi suất… Song song đó, các cơ sở điều trị phải nâng cao trình độ chuyên môn điều trị, đầu tư trang thiết bị, cải thiện nhà vệ sinh xanh sạch, cư xử với bệnh nhân và người nhà bệnh nhân thân thiện hơn…

Ông Vũ cho biết, để góp phần tăng chỉ tiêu bao phủ thẻ BHYT ở tất cả các nhóm, ngành y tế cần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, đáp ứng sự hài lòng của người bệnh sử dụng thẻ BHYT, thực hiện cải cách thủ tục hành chính tạo thuận tiện, giảm thời gian chờ đợi của người bệnh. Trước hết, Sở Y tế tiếp tục thực hiện Nghị quyết 31 của HĐND tỉnh thu hút bác sĩ về các bệnh viện. Bên cạnh đó, sở yêu cầu các đơn vị trực thuộc cử y sĩ đi học liên thông, tạo môi trường làm việc tốt, cải thiện mức thu nhập của nhân viên y tế.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Huỳnh Thanh Cảnh nhấn mạnh tại buổi làm việc với Bảo hiểm xã hội tỉnh, BHYT là một trong những chính sách quan trọng trong hệ thống chính sách an sinh xã hội, mang ý nghĩa chia sẻ cộng đồng sâu sắc. Thường trực các huyện, thị, thành ủy quan tâm, xem việc hoàn thành chỉ tiêu BHYT là nhiệm vụ chính trị quan trọng trong chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, một tiêu chí trong việc đánh giá hoàn thành nhiệm vụ. Các ngành, cơ quan chức năng,mặt trận, đoàn thể phải đẩy mạnh tuyên truyền chính sách BHYT bằng nhiều hình thức theo hướng sâu sát…

Trang Minh



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tăng chỉ tiêu bao phủ BHYT: Cần nâng cao chất lượng điều trị