Với gần 100 điểm cầu tại 63 tỉnh, thành tham dự hội nghị. Tại điểm cầu Bình Thuận, có sự tham dự của đại diện các sở ngành liên quan.
Năm 2020 – 2021, những vi phạm chủ yếu trong quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe là quảng cáo sai sự thật, quá công dụng của sản phẩm gây hiểu lầm với thuốc chữa bệnh. Sử dụng hình ảnh, thư tín của các cơ sở y tế, bác sĩ quảng cáo thực phẩm kèm theo ý kiến phản hồi người tiêu dùng có tác dụng như thuốc chữa bệnh. Quảng cáo thực phẩm khi chưa được cơ quan có thẩm quyền thẩm định nội dung quảng cáo; quảng cáo các sản phẩm thực phẩm có nội dung không đúng với nội dung đã được cơ quan có thẩm quyền xác nhận… Vì vậy, Cục An toàn thực phẩm xử lý vi phạm quy định về quảng cáo 197 trường hợp, trong đó xử phạt 76 cơ sở với số tiền hơn 3,7 tỷ đồng.
Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp là chủ sở hữu bản công bố sản phẩm nhưng không thừa nhận và không đứng tên thực hiện các quảng cáo vi phạm. Cơ quan chức năng không xác định được người vi phạm, nên không thể xử lý. Để cảnh báo các trường hợp này, Cục An toàn thực phẩm thông báo, đăng 246 bài cảnh báo trên website của Cục.
Tại hội nghị, các giải pháp tăng cường quản lý hoạt động quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe theo đúng quy định của pháp luật được thảo luận. Các bộ, ngành, cơ quan quản lý theo chức năng nhiệm vụ cần thực hiện nghiêm túc trách nhiệm phối hợp chặt trong quản lý quảng cáo hàng hóa dịch vụ nói chung, đặc biệt quản lý hàng hóa thực phẩm bảo vệ sức khỏe nói riêng.
Các cơ quan phát hành quảng cáo thuộc sự quản lý của bộ ngành thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe. Kiểm tra, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật về quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe và đăng công khai các đơn vị vi phạm trên phương tiện thông tiên đại chúng theo quy định của pháp luật.