Theo dõi trên

Tánh Linh: Cai nghiện ma túy tại cộng đồng còn nhiều thách thức

10/12/2018, 08:28

BT- Những năm gần đây, công tác phòng chống kiểm soát ma túy ở huyện Tánh Linh đã mang lại nhiều kết quả nhất định, góp phần đảm bảo trật tự an toàn xã hội, nâng cao sức khỏe nhân dân. Tuy nhiên, tình hình tội phạm ma túy và nghiện ma túy vẫn diễn biến phức tạp, gia tăng về số lượng, tính chất và mức độ ngày càng khó kiểm soát.

                
   Ma túy đá trong một vụ án Công an tỉnh    triệt phá. Ảnh: P. S

Là huyện miền núi nằm về phía Tây nam tỉnh, gồm 13 xã, 1 thị trấn, có 76 thôn, bản, khu phố. Với dân số hơn 120.000 người, có 14 thành phần dân tộc, dân tộckinh chiếm 85,37%, dân tộc thiểu số chiếm 14,63%. Gần đây, tình hình an ninh chính trị và hoạt động của các loại tội phạm diễn biến phức tạp, đặc biệt là tệ nạn ma túy đã gây hoang mang, lo lắng trong nhân dân. Đến thời điểm này, 12/14 xã, thị trấn trong huyện (trừ xã La Ngâu và Măng Tố) đã có người sử dụng ma túy (tăng 9 xã so năm 2008); số người nghiện “cái chết trắng” trên địa bàn huyện là 101 (tăng 97 người so năm 2008).

Nhận thức tầm quan trọng của công tác đấu tranh phòng chống và kiểm soát ma túy, nhằm bảo đảm trật tự an toàn xã hội và sự phát triển kinh tế của địa phương, UBND huyện thường xuyên tập trung chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể đấu tranh quyết liệt với loại tội phạm này. Công tác tuyên truyền luôn được đổi mới về nội dung. Trong đó tập trung phổ biến, giáo dục cán bộ công chức, nhất là lực lượng thanh thiếu niên, học sinh, nhằm nâng cao nhận thức về tác hại của ma túy, không bị cám dỗ lôi kéo bởi các tệ nạn xã hội. Phổ biến rộng rãi các chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phòng chống ma túy. Tuyên truyền, vận động nhân dân không trồng, tái trồng cây có chứa chất ma túy ở những khu vực giáp ranh. Trong những năm qua, huyện đã tổ chức hơn 50 lượt tuyên truyền lưu động, phát loa thông báo về phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm ma túy tại 90 điểm đông dân cư, phức tạp về ANTT ở 14 xã, thị trấn. Tổ chức hơn 80 đợt tuyên truyền trực tiếp đến học sinh tại các trường học, các đợt huấn luyện dân quân tự vệ và các khu phố, thôn có tình hình ma túy phức tạp, các cơ quan, đoàn thể đã lồng ghép trong các cuộc sinh hoạt chuyên đề, hội họp giao lưu...

Nhờ đó, đã tiến hành đưa 56 đối tượng vào quản lý giáo dục tại xã, thị trấn, đưa 17 đối tượng đi cai nghiện bắt buộc. Vận động 9 gia đình đưa 9 đối tượng đi cai nghiện tự nguyện. Tiến hành gọi hỏi, răn đe, giáo dục và cho viết cam kết không vi phạm pháp luật trên 650 lượt đối tượng. Ngoài ra nhằm tạo điều kiện cho những người sau cai nghiện tái hòa nhập cộng đồng có thu nhập ổn định, UBND huyện chỉ đạo, phối hợp cùng các hội đoàn thể tạo điều kiện cho vay vốn từ ngân hàng chính sách xã hội, ngân hàng nông nghiệp nhằm phát triển kinh tế. Hiện nay, toàn huyện đã cho 2 thanh niên vay với số tiền 24 triệu đồng để phát triển kinh tế tại gia đình.

Tuy nhiên, công tác cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng còn nhiều vướng mắc, khi áp dụng vào thực tiễn còn gặp khó khăn. Theo Nghị định 111/2013/NĐ-CP, đối tượng đủ 18 tuổi trở lên nghiện ma túy thì áp dụng giáo dục tại xã, phường, thị trấn. Nhưng đối tượng dưới 18 tuổi sử dụng ma túy lại có chiều hướng ngày càng gia tăng lại không đưa vào giáo dục tại cấp xã và cơ sở cai nghiện bắt buộc, mà chỉ xử phạt vi phạm hành chính đối với đối tượng từ đủ 14 tuổi đến dưới 18 tuổi, do đó không có tính răn đe, giáo dục. Ngoài ra, đa số thanh niên nằm trong diện quản lý phần lớn là đi làm ăn xa không có mặt tại địa phương nên việc giúp đỡ gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, hầu hết ở các địa phương thực hiện cai nghiện tại cộng đồng không có cơ sở dạy nghề để đào tạo việc làm, phục hồi và quản lý sau cai nghiện. Chính vì vậy, mà hầu hết các đối tượng cai nghiện tại gia đình và cộng đồng đều có khả năng tái nghiện.

M.Vân



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tánh Linh: Cai nghiện ma túy tại cộng đồng còn nhiều thách thức