Theo dõi trên

Tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để đón dòng vốn FDI

14/03/2024, 05:09

Sau lễ công bố Quy hoạch tỉnh Bình Thuận thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đặt mục tiêu đến năm 2030, nhân dân đặt niềm tin bởi Bình Thuận sẽ trở thành tỉnh phát triển năng động, nhanh và bền vững, mạnh, giàu từ biển, có mức thu nhập bình quân đầu người (GRDP) cao hơn mức bình quân của vùng và cả nước. Đặc biệt sẽ thu hút được nhiều đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), tuy nhiên muốn có nguồn vốn lớn đầu tư từ FDI, đòi hỏi phải có một nguồn nhân lực chất lượng cao.

Sắp tới, dòng vốn để vào đầu tư trong tỉnh khá lớn, trong khuôn khổ Lễ công bố quy hoạch tỉnh bình thuận vừa qua, UBND tỉnh đã trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư cho 4 dự án với tổng vốn đầu tư gần 2.100 tỷ đồng, trao bảng ghi nhớ đăng ký đầu tư cho 7 nhà đầu tư với tổng vốn đăng ký trên 127.000 tỷ đồng. đi đôi với dòng vốn là nguồn nhân lực bởi vì nhân lực được coi là một “tài nguyên đặc biệt”, được xem là yếu tố cốt lõi quyết định mọi sự thành công của doanh nghiệp. Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 bùng nổ, sự cạnh tranh thu hút vốn đầu tư FDI ngày càng gay gắt. Nhiều bằng chứng cho thấy, lợi thế cạnh tranh đã bắt đầu chuyển từ số lượng sang chất lượng nguồn nhân lực. Do đó, làm thế nào để phát triển nguồn nhân lực tại các doanh nghiệp FDI tại tỉnh là một vấn đề đặt ra cần giải quyết.

img_3826.jpg
Trong phát triển các ngành năng lượng, Bình Thuận cũng tính đến thu hút phát triển điện khí LNG... (Ảnh minh họa).

Thực tế cho thấy, hiện nay đã có 3 “siêu dự án” công nghiệp với tổng mức đầu tư hơn 2 tỷ USD đang được triển khai tại khu vực phía Nam tỉnh từ nguồn vốn FDI sẽ biến nơi đây trở thành trung tâm công nghiệp của tỉnh. Đây được xem như dự án FDI có quy mô lớn nhất của tỉnh tại thời điểm hiện nay. Trải qua hơn 30 năm thực hiện thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, tỉnh Bình Thuận trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn của dòng vốn FDI. Tỉnh Bình Thuận hiện nay đang có lợi thế để thu hút đầu tư từ FDI vì có cơ sở hạ tầng phát triển đồng bộ, nguồn nhân lực dồi dào, chính quyền địa phương có nhiều chính sách phù hợp. Các doanh nghiệp FDI trên địa bàn tỉnh đã tạo việc làm và thu nhập ổn định cho một bộ phận không nhỏ lao động. Thông qua sự tham gia trực tiếp vào hoạt động của các doanh nghiệp FDI, một đội ngũ cán bộ quản lý, công nhân kỹ thuật có trình độ cao, tay nghề giỏi, ngoại ngữ tốt từng bước được hình thành và dần tiếp cận được với khoa học, kỹ thuật, công nghệ cao...

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, thực tế vẫn còn rất nhiều vấn đề nảy sinh trong việc phát triển nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp FDI trong các khu công nghiệp (KCN), nhất là nguồn nhân lực có chất lượng cao, đáp ứng sự phát triển ngày càng lớn của các doanh nghiệp FDI. Chính vì thế các doanh nghiệp FDI phải đối mặt với việc khan hiếm lao động, kể cả lao động phổ thông do cơ cấu lao động theo các nhóm ngành nghề được đào tạo không theo kịp và không đáp ứng được với nhu cầu nhân lực của các doanh nghiệp FDI, bởi những ngành nghề thực tế doanh nghiệp FDI đang cần như tự động hóa, điện tử, viễn thông… lại đang rất thiếu. Việc áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, dịch vụ của doanh nghiệp FDI trong các KCN ngày càng cao cho nên đội ngũ nhân lực được đào tạo tại các trường, các trung tâm đào tạo nghề… không còn phù hợp và không đáp ứng được yêu cầu sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp FDI.

Trong những năm qua, tỉnh Bình Thuận có nhiều quan tâm đến phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, cơ bản đáp ứng được mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, nhìn vào hiệu quả ở từng lĩnh vực, công việc cho thấy nguồn nhân lực của tỉnh có mặt chưa đáp ứng tốt yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong cuộc cách mạng công nghệ 4.0, nhân lực lao động có tay nghề cao chưa nhiều, tỷ lệ thất nghiệp cao, lao động có việc làm nhưng chưa ổn định còn nhiều. Nhân lực chất lượng cao còn thiếu, thiếu chuyên gia, nhà khoa học, thiếu nguồn lao động được đào tạo ở một số lĩnh vực kỹ thuật…

Để đạt được mục tiêu là tỉnh thuộc nhóm phát triển khá trong cả nước, tỉnh Bình Thuận cần chuyển mình và tiếp cận, ứng dụng kịp thời, hiệu quả về công nghệ 4.0, về nền kinh tế tri thức, chuyển đổi số, trong đó nguồn nhân lực có ý nghĩa rất quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, giai đoạn 2021 - 2026. Do đó tỉnh tiếp tục phát triển nguồn nhân lực phải bao gồm cả về trí lực, thể lực gắn với nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo, giáo dục nghề nghiệp, giải quyết việc làm, quản lý và sử dụng nguồn nhân lực. Đồng thời, gắn kết với nhu cầu vị trí việc làm, nhu cầu xã hội và xem đây là một trong những giải pháp lớn, có ý nghĩa quyết định đến sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tập trung đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển trên các ngành, lĩnh vực có lợi thế của tỉnh như: công nghiệp, năng lượng, du lịch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao để phát triển mạnh 3 trụ cột kinh tế của tỉnh. Đồng thời xây dựng chính sách thu hút, sử dụng đội ngũ chuyên gia đầu ngành, nhà khoa học, đội ngũ kỹ sư có trình độ khá, giỏi trở lên, cán bộ quản lý, kinh doanh giỏi, công nhân kỹ thuật lành nghề, sinh viên tốt nghiệp xuất sắc về làm việc ở tỉnh. Đồng thời mở rộng hợp tác, liên kết đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng, tay nghề cao trên các lĩnh vực thế mạnh, phục vụ tốt yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh…

THANH QUANG


(0) Bình luận
Bài liên quan
 Thăm, chúc Tết Ramưwan tại xã Phan Thanh
BTO-Nhân dịp Tết Ramưwan của đồng bào người Chăm theo đạo Bàni, mới đây, Tỉnh đoàn - Hội LHTN Việt Nam tỉnh Bình Thuận tổ chức đến thăm và chúc tết các vị chức sắc, các bạn đoàn viên, thanh niên là người dân tộc Chăm theo đạo Hồi giáo Bàni tại xã Phan Thanh, huyện Bắc Bình.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để đón dòng vốn FDI