Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Phùng Hữu Cư - Trưởng Ban Quản lý các KCN Bình Thuận cho biết cách đây 25 năm, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định (số 164, ngày 9/8/1999) về việc thành lập Ban Quản lý các KCN tỉnh. Đây là dấu mốc quan trọng định hình và khởi đầu quá trình phát triển các KCN tại địa phương nhằm thực hiện chủ trương công nghiệp hóa - hiện đại hóa để cùng hòa nhập vào xu thế phát triển chung của cả nước.
Từ một KCN đầu tiên xây dựng vào năm 1999 (KCN Phan Thiết giai đoạn 1), đến nay toàn tỉnh có 9 KCN được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư với quy mô gần 3.000 ha, bao gồm 1 KCN chuyên ngành chế biến titan và 8 KCN đa ngành. Các KCN được hình thành cũng hướng tới thực hiện 5 mục tiêu kinh tế: Thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước; Du nhập kỹ thuật, công nghệ mới và kinh nghiệm quản lý tiên tiến; Đẩy mạnh tăng trưởng sản xuất ngành công nghiệp, tăng năng lực xuất khẩu, tạo nguồn thu ngoại tệ; Giải quyết việc làm; Góp phần thúc đẩy kinh tế xã hội phát triển theo xu hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đô thị hóa các địa phương có KCN trên địa bàn.
Tại Bình Thuận, hiện các KCN thu hút được 87 dự án đầu tư thứ cấp còn hiệu lực (trong đó có 62 dự án trong nước, 25 dự án đầu tư nước ngoài) với tổng vốn đăng ký là 16.722,46 tỷ đồng và 206,33 triệu USD. Thời gian qua, các dự án trong KCN trên địa bàn Bình Thuận đã góp phần thúc đẩy giá trị sản xuất công nghiệp, mở rộng thị trường và gia tăng kim ngạch xuất khẩu cũng như đóng góp đáng kể cho ngân sách địa phương. Đồng thời tham gia giải quyết việc làm cho lao động địa phương với số lượng tăng nhanh qua các thời kỳ, qua đó đào tạo nguồn nhân lực chuyên nghiệp và cung cấp môi trường lao động công nghiệp hiện đại…
Định hướng phát triển đến năm 2030, Bình Thuận phấn đấu đầu tư hoàn thành 10 KCN trên địa bàn tỉnh đi vào hoạt động hiệu quả, xem xét mở rộng và phát triển mới 6 KCN theo nhu cầu phát triển của địa phương khi được cấp thẩm quyền bổ sung chỉ tiêu quy hoạch diện tích đất KCN. Theo đó trước mắt sẽ tập trung mọi nguồn lực để đầu tư hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng và thu hút thêm nhiều dự án nhằm cơ bản lấp đầy các KCN hiện hữu vào năm 2030.
Tại hội nghị, đại diện các nhà đầu tư và doanh nghiệp đã tham gia thảo luận, góp ý kiến cũng như đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để góp phần thúc đẩy tiến độ xây dựng hạ tầng KCN, ổn định và phát triển hoạt động sản xuất - kinh doanh trong thời gian tới…
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Hải ghi nhận những kết quả nổi bật trong chặng đường 25 năm thành lập và phát triển các KCN, qua đó góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tuy nhiên bên cạnh đó cũng nhìn nhận so các yêu cầu đặt ra đối với sự phát triển công nghiệp của Bình Thuận thì vẫn còn một số mặt hạn chế, tồn tại.
Do vậy lãnh đạo UBND tỉnh đề nghị Ban Quản lý các KCN Bình Thuận trong thời gian tới cần sớm hoàn thành Kế hoạch phát triển KCN, khu kinh tế để tổ chức triển khai thực hiện. Tiếp tục đôn đốc, tháo gỡ vướng mắc cũng như làm tốt công tác giải phóng mặt bằng để đẩy nhanh tiến độ đầu tư hoàn thành hạ tầng kỹ thuật của các KCN. Song song đó rà soát, tổ chức kiểm tra và xử lý theo quy định pháp luật đối với những trường hợp không tích cực hoặc chậm triển khai xây dựng hạ hầng KCN trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra còn quan tâm đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư, thu hút dự án thứ cấp vào các KCN gắn với việc chọn lựa nhà đầu tư có năng lực, có kinh nghiệm quản lý. Chủ động phối hợp, kịp thời giải quyết kiến nghị chính đáng của chủ đầu tư, doanh nghiệp để tạo điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng hạ tầng, đưa dự án thứ cấp vào hoạt động sản xuất - kinh doanh ổn định và ngày càng phát triển…
Nhân dịp này, Ban Quản lý các KCN Bình Thuận cũng đã khen thưởng cho các tập thể, cá nhân có nhiều đóng góp hoặc đạt thành tích xuất sắc trong chặng đường 25 năm thành lập và phát triển các KCN trên địa bàn tỉnh.