Chăm sóc lúa ở Tuy Phong. Ảnh: Ngọc Lân |
Lúa đạt năng suất
Có dịp đi trên quốc lộ 1A, dọc địa bàn huyện Bắc Bình, Tuy Phong những ngày này, chúng tôi được tận mắt chứng kiến những cánh đồng lúa vàng rực đang được thu hoạch bằng cơ giới hóa. Đâu đó ở phía xa xa, những mảnh ruộng đã thu hoạch xong, nông dân tranh thủ cày ải, gieo trồng vụ mới. Bức tranh sinh động về sản xuất nông nghiệp ở Bình Thuận trong bối cảnh dịch Covid-19 đang tạo niềm tin thắng lợi về thực hiện nhiệm vụ kép, vừa phát triển kinh tế vừa phòng chống dịch Covid-19 hiệu quả.
Điển hình tại xã Hồng Thái, huyện Bắc Bình, nông dân địa phương đều vui mừng, khi năng suất lúa hè thu đạt cao. Ông Võ Đình Thuận (thôn Thái Hòa, xã Hồng Thái) chia sẻ: Gia đình tôi có 1 ha lúa. Vụ hè thu này thu hoạch đạt năng suất 7 tạ/sào, nhích hơn cùng kỳ năm ngoái. Với giá lúa tươi bán tại ruộng khoảng 5.500 đồng/kg, nên có lãi.
Theo ông Trần Anh Thịnh - Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Bắc Bình: Trong 9 tháng của năm 2021, tổng sản lượng lương thực của huyện ước đạt trên 190.800 tấn, tăng so cùng kỳ năm ngoái là 141,137 tấn. Kết quả này là nhờ thời tiết diễn biến tương đối thuận lợi. Cộng thêm nguồn nước tại các hồ chứa đảm bảo phục vụ tốt cho sản xuất nông nghiệp, sinh hoạt. Các cây trồng đã sản xuất, sinh trưởng, phát triển tốt. Đến nay chưa có diện tích bị sâu bệnh gây hại nặng, thiệt hại đến năng suất...
Bố trí sản xuất vụ mùa hợp lý
Để hạn chế các yếu tố bất lợi về thời tiết và dịch bệnh trong sản xuất vụ mùa 2021, các địa phương cần chủ động bố trí sản xuất hợp lý. Đồng thời, có biện pháp ứng phó hiệu quả khi có dịch bệnh thiên tai xảy ra, bảo vệ và ổn định sản xuất.
Tại huyện Bắc Bình, vụ mùa 2021 toàn huyện bố trí sản xuất trên 30.500 ha, gồm cây lương thực 16.221 ha (trong đó lúa trên 13.700 ha, bắp 2.500 ha…). Với phương châm sản xuất cây lúa cần ra vụ tập trung, đồng loạt trong một thời gian ngắn để hạn chế sâu bệnh gây hại và bố trí sản xuất cho vụ đông xuân tới, huyện Bắc Bình xuống giống từ ngày 25/8 đến 25/9, thời gian giãn cách giữa 2 vụ từ 10 - 15 ngày. Đồng thời tổ chức vệ sinh đồng ruộng, nạo vét kênh mương trước khi gieo sạ. Huyện khuyến khích đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, sử dụng các giống lúa mới, giống lúa chất lượng cao, có sức đề kháng sâu bệnh tốt và phù hợp với điều kiện thời tiết, thổ nhưỡng của địa phương. Tuyệt đối không sử dụng các giống lúa có nguồn gốc không rõ ràng, không nên sử dụng lúa thương phẩm để làm giống…
Riêng tại huyện Tuy Phong, từ đầu năm đến nay địa phương đã tổ chức sản xuất 2 vụ lúa với 4.400 ha. Trong đó vụ hè thu đã thu hoạch, năng suất bình quân đạt 6 tấn/ha, cao hơn 0,5 tấn/ha so với vụ hè thu năm 2020. Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện đã tham mưu UBND huyện kế hoạch tổ chức sản xuất vụ mùa 2 đợt với diện tích 2.200 ha. Trong đó, diện tích thuộc khu vực hồ Phan Dũng và tuyến kênh Tuy Tịnh đã xuống giống trên 1.000 ha. Khu vực tuyến kênh Cây Cà, hồ Đá Bạc bắt đầu xuống giống từ ngày 10/9 đến ngày 25/9…
Mặc dù các địa phương trong tỉnh đang thực hiện Chỉ thị 15 về phòng, chống dịch Covid-19, cộng thêm diễn biến thiên tai những tháng cuối năm phức tạp, nhưng bằng sự nỗ lực, ngành nông nghiệp và nông dân các địa phương đang vượt thách thức, thực hiện thắng lợi kế hoạch đề ra trong vụ hè thu, vụ mùa năm 2021.
Theo Sở Nông nghiệp và PTNT, từ đầu năm đến nay, nhờ nguồn nước thuận lợi nên diện tích cây ngắn ngày đạt kế hoạch đề ra. Tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm trong 9 tháng của năm 2021 toàn tỉnh ước đạt trên 135.200 ha/193 ha, tăng 11,4% so cùng kỳ. Trong đó, diện tích lúa gần 79. 340 ha, tăng 20,6% so cùng kỳ, sản lượng lúa gần 481.700 tấn/696.352 tấn kế hoạch năm. Sản lượng lương thực ước đạt 546.170 tấn/kế hoạch năm 797.454 tấn. |
Kiều Hằng