Theo dõi trên

Thấp thỏm bên sông Tà Mỹ

21/09/2016, 08:50

BT- Đứng trên cầu Tà Mỹ - tuyến QL55 hướng tầm mắt về phía hạ lưu, một quang cảnh của vùng quê trù phú ven sông trải dài với màu xanh của bắp, cây ăn trái, cao su. Chỉ có dòng sông vẻ đẹp xưa không còn nữa…

                              
      
Bờ sông sạt lở khoét sâu vào khu vực nhà    dân.
      
Cán bộ xã La Ngâu cùng các ngành khảo sát    khu đất sản xuất, chăn nuôi của đồng bào đang có nguy cơ sạt lở.

Ám ảnh nạn “hồng thủy”

Cơn mưa rừng kéo dài hơn 4 giờ đồng hồ làm nước sông Tà Mỹ dâng cao, chảy xiết. Đã canh 3 rồi bà Hãnh vẫn chưa chợp mắt. Mấy ngày nay bà gầy và già đi nhiều so với cái tuổi 50, mắt thâm quầng vì thiếu ngủ. Đêm đêm bà Hãnh cứ nghĩ miên man bao chuyện chẳng lành. Bỗng lẫn trong tiếng mưa nặng hạt, bà Hãnh nghe một tiếng động lớn phía bờ sông, bà ngồi bật dậy và nghĩ ngay đến chuyện hơn nửa diện tích bắp sắp thu hoạch chắc bị nước cuốn trôi! Bà Hãnh gọi cả nhà dậy, nhưng bên ngoài trời đen như mực, không ai dám ra sau vườn để xem thử. Nếu thằng Sơn (con bà Hãnh) có ra quan sát bờ sông, bà cũng ngăn lại, vì lỡ bờ sông sạt lở tiếp... Bà Hãnh nói mấy đứa cháu sang nhà người quen bên kia đường tá túc tạm qua cơn “hồng thủy”. Tờ mờ sáng cơn mưa đã ngớt, bà Hãnh cùng hàng chục người khác ra bờ sông chứng kiến cảnh tượng kinh hoàng: Hàng trăm mét đất ở của đồng bào sạt lở, kéo theo những vườn bắp xanh, cây chắc khỏe cuốn trôi theo dòng nước. Bà con trong bản ai cũng tiếc đứt ruột, vì bắp sắp thu nhưng chẳng biết làm sao? Bà Hãnh oán trách “ông trời” không thương đồng bào nghèo nơi đây. Bà thầm nghĩ: “Dự định mùa này thu số bắp trong vườn đủ trả tiền phân ứng trước 5 triệu đồng cho cửa hàng (Trung tâm Dịch vụ miền núi) nào ngờ mất nửa diện tích bắp, nợ làm sao trả hết…”. Còn bà Bê nhà có 5 khẩu ở gần đó cũng bức xúc không kém, bà nói: “Hai năm trở lại đây tôi trồng bắp, lúa trên diện tích 500 m2 nhưng đều bị mất trắng một nửa diện tích do bờ sông sạt lở. Mùa này chỉ trông chờ vào cây bắp, không thu được thì không chỉ đói thôi mà nợ tiền giống, phân bón của cửa hàng cũng không trả nổi”.

Anh Đặng Công Khanh, Phó Chủ tịch UBND xã La Ngâu (Tánh Linh) từ sáng sớm đã có mặt nơi bờ sông sạt lở. Anh động viên, nhắc nhở bà con cảnh giác với những cơn mưa nguồn tiếp theo để bảo vệ tài sản và bảo vệ chính gia đình mình. Qua khảo sát sơ bộ tại khu vực vừa sạt lở, anh Khanh nhẩm tính: “Chỉ mới đầu mùa mưa thôi mà 30 hộ đồng bào sống ven bờ sông Tà Mỹ đã mất đi diện tích đất vườn, đất sản xuất khá lớn. Nếu tính từ trước tới nay thì hơn 700m bờ sông đã sạt lở nghiêm trọng và dòng sông đã khoét sâu vào khu dân cư từ 10 - 15m. Còn đất sản xuất hơn 10 ha canh tác 3 vụ bắp - lúa của 15 hộ dân trong bản cũng bị dòng nước lấn sâu vì lòng sông bị biến dạng. Do mất đất vườn, mất đất sản xuất nên đồng bào thiếu lương thực, không có sản phẩm để trả nợ vật tư ứng trước cho Nhà nước và nhiều hộ không thoát được cảnh nghèo…”.

Điều bà con dân tộc K’ho đau lòng hơn là hàng chục ngôi mộ của người thân tại khu nghĩa địa ven sông Tà Mỹ đã bị sạt lở, cuốn trôi theo dòng nước. Người dân đau lòng lắm nhưng làm sao chế ngự được “ông trời”!

Tại người hay tại trời?

Anh Hà Văn Dinh, người con của dân tộc K’ho, sinh ra và lớn lên trên mảnh đất La Ngâu đã hơn 50 năm rồi. Lúc còn học tiểu học, anh từ bản 2 lội sông Tà Mỹ qua bản 1 chơi với mấy đứa bạn cùng lứa. Mùa nước lớn anh phải đi thuyền qua bản 1, có lúc lên tận Đa Mi. Bây giờ anh Dinh làm Bí thư Đảng ủy xã La Ngâu. Anh thấu hiểu “chân tơ, kẽ tóc” cuộc sống của từng hộ dân và thiên nhiên nơi đây. Anh Dinh kể: “Ngày trước dòng sông Tà Mỹ hiền hòa, nước trong xanh. Mùa mưa nước từ đầu nguồn sông Tà Là Ngầu đổ về sông nhánh Tà Mỹ có lớn cũng không hung dữ như bây giờ. Do rừng đầu nguồn bị tàn phá, nước không giữ được, mưa là nước dốc hết xuống sông. Mặt khác, từ khi có công trình thủy điện Hàm Thuận - Đa Mi hoạt động, nước xả của nhà máy kết hợp với nước nguồn đổ về làm dòng sông Tà Mỹ xoáy sâu và chảy xiết hơn. Tôi nhớ những năm đầu nhà máy thủy điện mới đi vào hoạt động nước xả ra sông không lớn lắm, hơn nữa rừng còn nhiều, sau những trận mưa nguồn nước trên sông vẫn ít chảy xiết. Phía hạ lưu được bồi đắp phù sa. Thế nhưng, khoảng năm 2000 dòng sông bắt đầu có hiện tượng sạt lở. Lúc đầu sạt lở phía Nam hơn 140m sát chân cầu Tà Mỹ, cuối năm 2014 huyện và tỉnh đã đầu tư kinh phí hơn 400 triệu đồng để khắc phục sạt lở một đoạn dài 40m bằng rọ đá. Bây giờ lại tiếp tục sạt lở nghiêm trọng phía Bắc sông. Mỗi lần nhà máy thủy điện xả nước cộng với mưa lớn nước xói sâu vào đất ven bờ, khu dân cư bản 1 đất bồi ngày càng bị khoét sâu hàm ếch, có chỗ cả mảng đất lớn diện tích hơn 10 ha đang trồng bắp cũng bị nước “xé toạc” làm hai như tờ giấy. Để chế ngự nó chỉ có giải pháp là làm kè để chỉnh lại dòng chảy. Tại các cuộc họp nào ở huyện tôi cũng đề nghị các cấp quan tâm”.

Anh Dinh, Bí thư Đảng ủy, anh Khanh, Phó Chủ tịch UBNDxã La Ngâu dẫn chúng tôi xuống bãi đất bồi khá bằng phẳng để dõi mắt nhìn qua bờ sông bên kia - nơi 30 hộ đồng bào K’ho đang sinh sống. Suốt chiều dài 700m bờ sông như hàm ếch, chỉ sơ ý đứng mép bờ sông thì hàng chục khối đất sẽ sụp đổ xuống. Anh Khanh dậm mạnh chân xuống nơi đang đứng rồi nói: “Nơi chúng ta đứng trước đây là lòng sông. Bây giờ sông đã lấn sâu chỉ cách nhà dân ở từ 20 - 30m. Nếu không có giải pháp chống sạt lở, chỉnh trị dòng chảy thì chẳng bao lâu nữa đất ở, đất sản xuất của đồng bào sẽ không còn…”.

 Cần xây kè bảo vệ

Đứng trên cầu Tà Mỹ - tuyến QL55 hướng tầm mắt về phía hạ lưu một quang cảnh của vùng quê trù phú ven sông với màu xanh của bắp, cây ăn trái, cao su. Chỉ có dòng sông vẻ đẹp xưa không còn nữa. Bãi bồi lớn đã đẩy lòng sông về hướng khu dân cư bản 1. Từ năm 2014 đến nay mức độ sạt lở bờ sông Tà Mỹ rất nhanh và ăn sâu vào khu dân cư. Mỗi ngày cứ mất đi vài chục mét đất vườn, đất sản xuất nên lòng dân không yên. Trước những bức xúc đó, Trưởng bản Huỳnh Văn Hiếu cùng với 15 hộ đồng bào đã làm đơn kiến nghị lên xã, lên huyện “kêu cứu”. Đầu tháng 9/2016 Chủ tịch UBND huyện Tánh Linh Nguyễn Đình Lâm đã có văn bản gởi các ngành chức năng đề nghị xem xét và tham mưu cho UBND tỉnh hỗ trợ ngân sách để xây dựng công trình kè bảo vệ khu dân cư bản 1, xã La Ngâu.

Qua khảo sát mới đây của Ban Dân tộc tỉnh cũng cho thấy: Dòng chảy của sông Tà Mỹ đã xoáy sâu vào khúc eo khu dân cư bản 1, xã La Ngâu gây sạt lở nghiêm trọng diện tích đất của bà con đang định cư và sản xuất nông nghiệp. Đến thời điểm tháng 9/2016 diện tích đất toàn tuyến bị ảnh hưởng khoảng 35ha, trong đó diện tích đất bồi bị sạt lở khoảng 6,5 ha. Do vậy, cần phải có giải pháp công trình chống sạt lở cho đoạn sông này như: đầu tư xây dựng kè rọ đá với chiều cao 6 - 7m để bảo vệ đoạn bờ sông bị sạt lở (700m) và có biện pháp nạo vét khu bãi bồi để khơi thông, chỉnh trị dòng chảy…

Cơn mưa rừng lại tiếp tục đổ xuống, chúng tôi chia tay bà con để trở về, lòng ai cũng nặng trĩu. Tôi nhớ như in nét mặt của bà Hãnh, nét mặt của một đời khốn khó, cam chịu. Bà cứ cõng đứa cháu đi tới, đi lui, hết nhìn dòng sông lại nhìn chúng tôi, cứ như muốn gửi gắm lời thỉnh cầu mong nơi đây sớm có một bờ kè để bảo vệ tính mạng, tài sản của đồng bào khi mùa mưa đến.

    
      Chủ tịch UBND huyện Tánh Linh Nguyễn Đình Lâm: “Công trình kè bảo vệ khu   dân cư bản 1, xã La Ngâu là công trình quá bức xúc cần phải đầu tư sớm,   nếu không triển khai thi công sớm sẽ dẫn đến sạt lở đất ở và đất canh   tác nông nghiệp của người dân, ảnh hưởng đến đời sống kinh tế và sinh   hoạt của bà con dân tộc tại bản 1, xã La Ngâu…”.

Lê Thanh



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thấp thỏm bên sông Tà Mỹ