Theo dõi trên

Thấy gì qua những lần về cơ sở

20/06/2022, 15:03

BTO-Người dân hiền hòa, thật thà chất phác; cán bộ, công chức, lãnh đạo địa phương lịch sự, cởi mở vui vẻ... Đó là những gì chúng tôi nhận thấy trong chuyến về cơ sở xã, phường.

phong-vien-tac-nghiep-anh-nl-1-.jpg
Phóng viên tác nghiệp tại cơ sở.

Những bức xúc

124 xã, phường trong 10 huyện, thị, thành phố trên địa bàn tỉnh, hầu như nơi nào chúng tôi cũng đặt chân đến. Không phải vì tham quan vãn cảnh mà đến vì nhiệm vụ, trách nhiệm tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; phản ánh kịp thời những ý chí và nguyện vọng của dân đến với Đảng, với chính quyền để kịp thời tháo gỡ, xử lý.

Trong những chuyến đi ấy, chúng tôi gặp gỡ người dân, đủ lứa tuổi, thành phần, nhiều hơn là lãnh đạo địa phương. Quen với hình ảnh lam lũ, thật thà chất phác; nỗi buồn, bức xúc của họ, kịp thời triển khai thành bài báo. “Cô báo lên xã nhiều lần mà họ không giải quyết”, một nông dân chia sẻ vấn đề môi trường một trong những lần chúng tôi về cơ sở.

Ngoài vấn đề ô nhiễm môi trường thì tranh chấp đất đai, khai thác khoáng sản trái phép, tệ nạn ma túy, đường giao thông nông thôn xuống cấp...Có những trường hợp chúng tôi biết qua kênh tiếp xúc cử tri, nhưng cũng có trường hợp phát hiện trực tiếp. Vụ biến tướng từ một thỏa thuận chụp ảnh cho người cao tuổi cách đây 3 năm là điển hình. Khi một xí nghiệp ở Hải Phòng xa xôi đến Bình Thuận xin phép hoạt động chụp ảnh, tặng sổ khám bệnh cho người cao tuổi (NCT) trên toàn tỉnh. Ban đại diện Hội NCT tỉnh xin ý kiến UBND tỉnh và được sự đồng ý. Hội NCT có văn bản gửi đến các huyện, thị, thành phố chỉ đạo các cơ sở Hội phối hợp với xí nghiệp này thực hiện.

Tuy nhiên, chỉ thực hiện được năm đầu, đến năm thứ 2, các cơ sở hội phát hiện nhóm người chụp hình của xí nghiệp có biểu hiện không lành mạnh. Nhiều cụ già không có tiền nhưng thích chụp hình, chọn giá cả chụp của họ đưa ra, thấp nhất 350.000 đồng, cao nhất 1,2 triệu đồng. Đến khi lấy hình, không có tiền có cụ phải xin con cái - những người không phải ai cũng có điều kiện khá giả; bán cây trái trong vườn, bòn mót từng đồng để trả tiền hình nếu không họ đến nhà đòi giao hình lấy tiền hoài. Cụ Lâm Thị Trúc, thôn 1, xã Hồng Sơn khi ấy nói: “Để có tiền lấy hình, cụ phải bán dừa và các loại hoa quả khác trong vườn”. Sự việc chấm dứt sau khi chúng tôi về cơ sở phát hiện và phản ánh thực trạng với ngành chức năng.

20201201_093257.jpg
Tiếp xúc với người dân.

Còn nhiều những bức xúc, và nỗi buồn khác của người dân bao gồm con cái sa vào vòng lao lý. “Gia đình xác định, D đã đủ lớn để chịu trách nhiệm việc làm của mình. Pháp luật xử lý nghiêm để còn răn đe cho người khác. Ma túy còn nguy hiểm hơn “dịch bệnh” vì bệnh dịch còn có thể có thuốc đặc trị. Xã hội phải văn minh, chứ không thể đi đâu cũng gặp toàn những đối tượng ngáo đá, giết người”, ông A – một người cha đau khổ nói với chúng tôi về người con tham gia vào đường dây buôn bán ma túy bị bắt.

Chưa phát huy tốt văn hóa ứng xử

Sau những bức xúc ghi nhận từ người dân, chúng tôi mang đến trụ sở chính quyền địa phương trao đổi làm rõ vấn đề.  

Thông thường tiếp phóng viên báo chí là người đứng đầu địa phương, nhưng nếu đến đúng lúc họ bận họp hành hoặc đi công tác thì cấp phó thay thế hoặc liên hệ qua điện thoại. Đa phần, cán bộ, công chức, lãnh đạo địa phương ân cần và niềm nở giúp chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ.

Tuy nhiên, cũng gặp những tình huống đáng tiếc thể hiện phối hợp với báo chí xử lý vấn đề không chuyên nghiệp. Đơn cử một tình huống mới đây ở một huyện, khi chúng tôi đến một khu dân cư theo phản ánh từ người dân. Khu vực này ô nhiễm nặng, mùi hôi tanh nồng nặc của phân heo, máu heo... từ một lò giết mổ heo chảy ra môi trường sống, nhiều năm không được giải quyết triệt để.

Sau khi lấy thông tin và ghi lại bằng chứng, chúng tôi đến UBND xã trao đổi vấn đề. “Chị ngồi kia chờ đi, muốn gặp lãnh đạo thì tôi phải xin ý kiến”, một nhân viên văn phòng không nhìn mặt, chưa nghe rõ chúng tôi nói gì, lên tiếng. Hành động ấy có thể đã quen với người dân khi đến liên hệ công việc. Nhưng khi chúng tôi giới thiệu lại là phóng viên Báo Bình Thuận đến gặp trao đổi công việc với lãnh đạo xã thì cô dịu giọng.

Khoảng 15 phút sau gặp được một vị Phó Chủ tịch UBND xã trẻ, phụ trách mảng môi trường vì người đứng đầu xã bận họp. “Tình hình môi trường địa bàn xã có ổn không ông?”, chúng tôi vào đề hỏi. Phó Chủ tịch đáp: Rất ổn!, UBND xã thường xuyên quan tâm vấn đề này nên không có gì xảy ra”. Trước câu trả lời ấy, chúng tôi đi thẳng vào vấn đề ô nhiễm môi trường từ lò mổ giết heo và đề nghị phó chủ tịch đến hiện trường hoặc cho người đi kiểm tra. Khi đến nơi, trời đã chuyển về chiều và vì nhà xa nên chúng tôi có nhã ý muốn phó chủ tịch đi nhanh đến vị trí gây ra ô nhiễm môi trường. Thay vì vui vẻ phối hợp với chúng tôi thì Phó Chủ tịch lại nói lớn tiếng với những lời khó nghe, trong đó có ý cho rằng, vấn đề này nhỏ, địa phương giải quyết...

 Thực tế , những nơi công quyền có cán bộ, công chức, lãnh đạo làm việc có trách nhiệm, công tâm rõ ràng, không thiên vị và tham nhũng vặt, hành động hết mình vì người dân, thường được người dân tin, yêu và ít đơn thư khiếu nại, tố cáo hơn. Những người làm báo như chúng tôi về địa phương ấy không phải viết những bài chống tiêu cực, phản ánh những bất cập ở địa phương. 

NINH CHINH


(0) Bình luận
Bài liên quan
Mời tham gia Đặc san “Người làm báo Bình Thuận” số kỷ niệm Ngày Nhà báo Việt Nam 21/6
BT- Nhân dịp kỷ niệm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6), Hội Nhà báo Bình Thuận phát hành Đặc san “Người làm báo Bình Thuận” vào giữa tháng 6/2019.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thấy gì qua những lần về cơ sở