PAPI năm 2015, Bình Thuận đứng ở đâu?
Ngày 12/4 vừa qua, tại Hà Nội, Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc tại Việt Nam (UNDP) đã công bố chỉ số PAPI. Tính đến hết năm 2015, Chỉ số PAPI đã được thực hiện qua 7 năm, trong đó 5 năm liên tiếp (từ 2011- 2015) khảo sát PAPI được thực hiện trên tất cả 63 tỉnh, thành phố trong cả nước. PAPI năm 2015 được xây dựng trên nền tảng nghiên cứu định lượng với quy mô mẫu khảo sát đạt 13.955 người dân, được chọn ngẫu nhiên đại diện cho các nhóm nhân khẩu đa dạng từ tất cả 63 tỉnh, thành phố trên cả nước.
PAPI xếp các tỉnh, thành phố trong cả nước thành bốn cấp độ có hiệu quả. Nhóm cao nhất gồm 25% số tỉnh, thành, tiếp đến là nhóm trung bình cao (25% tỉnh, thành); nhóm trung bình thấp (25% tỉnh, thành) và nhóm thấp nhất (25% tỉnh, thành).
Về tổng thể kết quả cấp tỉnh có thể thấy phần lớn các tỉnh, thành phố được người dân đánh giá cao về hiệu quả quản trị và hành chính công tập trung ở vùng Đông Bắc, Bắc Trung bộ và Đông Nam bộ. Các tỉnh đạt điểm thấp tập trung ở miền núi phía Bắc, Nam Trung bộ và Tây nguyên (trong đó có Bình Thuận). Những nỗ lực của các tỉnh Nam Định, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Đà Nẵng và Long An, những địa phương luôn đứng trong nhóm dẫn đầu trong suốt giai đoạn 2011 - 2015 rất đáng ghi nhận. Ngoài ra, Thái Bình cũng là địa phương có tên trong nhóm dẫn đầu qua 4 năm liên tiếp từ 2012 đến 2015. Ngược lại, Lai Châu là địa phương luôn đứng trong nhóm đạt điểm thấp nhất kể từ năm 2011, và Ninh Thuận, Hải Phòng, Hà Giang, Kon Tum cũng ở trong nhóm này qua 4 hoặc 3 năm liên tục từ năm 2012, 2013.
Bình Thuận, PAPI (trên 6 chỉ số nội dung) trong năm 2015 xếp vào nhóm trung bình thấp của cả nước (nhóm 3). Nếu xét theo từng chỉ số nội dung, thì Bình Thuận không có chỉ số nào thuộc vào nhóm cao nhất. Chỉ có 2 nội dung: Thủ tục hành chính công và Cung ứng dịch vụ công cấp tỉnh đạt nhóm trung bình cao. Có 4 nội dung đạt nhóm trung bình thấp là: Sự tham gia của người dân ở cơ sở; Trách nhiệm giải trình với người dân; Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công và Hiệu quả quản trị hành chính công. Riêng chỉ số nội dung Công khai minh bạch xếp nhóm thấp nhất.
Nếu tính theo mức độ cải thiện PAPI của tỉnh năm 2015 so với 2011, thì Bình Thuận đứng thứ 15/30 tỉnh, thành có mức độ cải thiện theo hướng tích cực. Cụ thể năm 2011 Bình Thuận thuộc nhóm có PAPI thấp nhất, năm 2012 cũng nằm trong nhóm thấp nhất; các năm 2013, 2014 và 2015 thuộc nhóm trung bình thấp. Tuy nhiên có thể thấy mức cải thiện rất chậm chạp, sau 5 năm chỉ mới từ nhóm thấp nhất lên nhóm trung bình thấp.
Làm gì để cải thiện PAPI ?
Qua kết quả khảo sát năm 2015 và 5 năm vừa qua cho thấy số Hiệu quả quản trị và hành chính công của Bình Thuận rất thấp.
Để được người dân đánh giá tốt hơn về Hiệu quả quản trị và hành chính công và bắt kịp với những địa phương ở nhóm khá, tỉnh cần tìm hiểu kỹ những vấn đề người dân chưa hài lòng, từ đó có lộ trình phù hợp để giải quyết những vấn đề còn tồn tại. Cần nghiên cứu từng chỉ số nội dung cụ thể, nhất là các chỉ số như: Sự tham gia của người dân ở cơ sở; Trách nhiệm giải trình với người dân; Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công; Hiệu quả quản trị hành chính công và nhất là chỉ số nội dung Công khai minh bạch (đang xếp nhóm thấp nhất) để tìm ra những vấn đề còn tồn tại cần cải thiện.
PAPI đã đưa ra những chỉ báo cụ thể về hiệu quả thực hiện các chính sách, pháp luật trên thực tế, tỉnh cần tìm ra những thực tiễn tốt ở địa phương khác để học tập và rút kinh nghiệm, nhất là từ những địa phương có điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và đặc điểm địa lý tương đồng với Bình Thuận nhưng có nhiều tiến bộ trong hiệu quả điều hành, quản lý nhà nước, thực thi chính sách và cung ứng dịch vụ công được người dân ghi nhận.
Từ đó, có thể tạo dựng niềm tin về khả năng phục vụ nhân dân ngày một tốt hơn bằng việc lập kế hoạch hành động cụ thể và thực thi những kế hoạch đó. Các cấp chính quyền cũng cần đảm bảo công bằng về quyền lợi tham gia quản trị và tiếp cận dịch vụ công cho mọi người dân, đặc biệt là phụ nữ, đồng bào dân tộc thiểu số, đối tượng yếu thế. Cân đối lợi ích giữa phát triển kinh tế với phát triển con người là một thách thức không nhỏ, đòi hỏi các cấp chính quyền đưa ra những quyết sách và hành động cụ thể đảm bảo hài hòa các lợi ích, nhằm phát huy tiềm lực con người vì sự phát triển của tỉnh nhà.
Thế Nam