Theo dõi trên

Thấy gì qua truy xuất nguồn gốc trái cây?

17/05/2019, 09:29 - Lượt đọc: 12

 BT- Thị trường đàng hoàng đang mở sẵn, các doanh nghiệp, cơ sở chỉ có mỗi việc là góp phần giúp mặt hàng xuất khẩu đạt chất lượng và kiểm chứng cho chất lượng ấy qua tem truy xuất nguồn gốc là được.

                
Dán tem chỉ dẫn địa lý cho trái thanh long.    Ảnh: Ngọc Lân

 163 cơ sở đóng gói?

Cuối tháng 4/2019, trên trang web của Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đã đăng tải danh sách mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói của các tỉnh, thành trong nước có liên quan đến 8 loại trái cây được phép xuất khẩu vào Trung Quốc. Tại Bình Thuận, chỉ có trái thanh long được chính quyền và các doanh nghiệp, cơ sở đóng gói đăng ký với 77 mã số vùng trồng và 163 cơ sở đóng gói. So với các tỉnh khác có đăng ký thanh long thì Bình Thuận có số vùng trồng nhiều nhất nước. Tuy nhiên, số cơ sở đóng gói thì quá ít so với Tiền Giang, Long An. Ví dụ như Tiền Giang chỉ có hơn 30 mã số vùng trồng nhưng lại có đến 647 cơ sở đóng gói. Trong khi Bình Thuận con số trên tương ứng là 77/163 cơ sở. Có thể các doanh nghiệp, cơ sở đóng gói thanh long trong tỉnh chưa kịp cung cấp thông tin cho chính quyền cấp huyện. Có thể những đợt gửi bổ sung của huyện, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh chưa kịp điều chỉnh. Tương tự, có thể con số ở tỉnh gửi lên, Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật chưa kịp công khai trên trang web. Vì thực tế, như tại Hàm Thuận Nam, số doanh nghiệp, cơ sở đóng gói thanh long đã đăng ký tại Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lên con số ngót nghét 200 đơn vị. Nếu suy ra toàn tỉnh, con số 163 cơ sở trên là chưa đầy đủ.

Một sự chưa đầy đủ khác là Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh thông báo cho các huyện, thị, thành phố trong tỉnh thống kê vùng trồng cũng như cơ sở đóng gói của 8 loại trái cây mà Trung Quốc chọn nhập khẩu nhưng cuối cùng, chỉ nhận được thông tin từ thanh long. Còn những xoài, chôm chôm, mít, chuối, nhãn và dưa hấu, những loại trái cây này thì không thấy thông tin nào, dù khi nói đến từng loại đã có thể hình dung từng vùng trồng trong tỉnh. Ví dụ, nói đến dưa hấu, chuối, chôm chôm là nghĩ đến Đức Linh, Tánh Linh; nói đến xoài, nhãn nghĩ đến Hàm Tân, La Gi. Tuy nhiên, hiện chưa có thông tin vùng trồng nào ở những nơi này, dù lâu nay thỉnh thoảng vẫn diễn ra cảnh giải cứu các loại trái cây, nổi lên như dưa hấu, chuối… vào những lúc trúng mùa nhưng hàng bán không hết.

 “Đường đi” duy nhất  

  Qua những thông tin từ thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm, kiểm soát lại thêm lần nữa thấy thực trạng canh tác các loại cây trái trong tỉnh, đó là không có diện tích lớn và không có doanh nghiệp, cơ sở nào mua rõ ràng. Vì vậy, đến lúc thị trường láng giềng khổng lồ rõ ràng hơn trong mua bán thì chính quyền không tự tin kê khai, doanh nghiệp, cơ sở, thương lái không tự tin công nhận mặt hàng mình hay mua lâu nay. Sự không tự tin ấy có nhiều khía cạnh nhưng điều người ta thấy rõ nhất là trong quy trình trên, chính doanh nghiệp, cơ sở sẽ là người trực tiếp kết nối với các đơn vị có chức năng làm tem truy xuất nguồn gốc, rồi cũng chính họ sẽ đến tận vườn, tận ruộng kiểm tra chất lượng sản xuất vùng cây trái sẽ mua, sau đó dán tem truy xuất để đưa hàng xuất khẩu sang Trung Quốc. Lúc thông quan, hải quan Trung Quốc quét mã QR thì sẽ truy được về nơi sản xuất. Có thể nói, các bước ấy đã quyết định nâng tầm doanh nghiệp, cơ sở đóng gói lên tầm công nghệ 4.0

Những người quan tâm đến nông nghiệp cho rằng, đã đến lúc chín muồi thúc đẩy sản xuất lớn. Nhưng để lớn thì buộc phải liên kết với nông dân, chuyện không dễ nhưng không phải không làm được. Điều đáng nói, thị trường đàng hoàng đang mở sẵn thì bây giờ, các doanh nghiệp, cơ sở góp phần giúp mặt hàng xuất khẩu đạt chất lượng và kiểm chứng cho chất lượng ấy qua tem truy xuất nguồn gốc theo yêu cầu của thị trường là được. Còn sau đó, có thể doanh nghiệp Trung Quốc sẽ trực tiếp đến Việt Nam kiểm tra thực tế từng vùng trồng, cơ sở đóng gói xem có đáp ứng đủ yêu cầu hay không. Một bước đi đầy triển vọng, và cũng là đường đi duy nhất cho xuất khẩu, nhất là với thị trường khổng lồ Trung Quốc.

    
    So với các   tỉnh khác có đăng ký thanh long thì Bình Thuận có số vùng trồng nhiều   nhất nước. Tuy nhiên, số cơ sở đóng gói thì quá ít so với Tiền Giang,   Long An. Ví dụ như Tiền Giang chỉ có hơn 30 mã số vùng trồng nhưng lại   có đến 647 cơ sở đóng gói. Trong khi Bình Thuận con số trên tương ứng là   77/163 cơ sở.

Bích Nghị



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thấy gì qua truy xuất nguồn gốc trái cây?