Theo dõi trên

Thấy gì sau dịch tả heo châu Phi ở vùng cao?

08/09/2020, 08:49

BT- Về vùng cao Hàm Thuận Bắc mới đây chúng tôi không thấy những “chú” heo đen lon ton chạy trên các ngả đường như trước đây nữa. Hỏi đồng bào mới biết, chúng đã chết trong mùa dịch tả heo châu Phi.  

                
   Cặp heo quý như vàng của bà K’Thị Dung    nhốt trong chuồng.

Khổ vì dịch…

Trở lại vùng cao huyện Hàm Thuận Bắc sau nhiều tháng không đến, một phần do ngại đi xa vì dịch Covid-19 và đường đèo Đông Giang, Đông Tiến đang thi công. Lần trở lại này tôi vẫn thấy vạn vật nơi đây không có gì thay đổi, chỉ có điều lạ là mất tăm bóng dáng những “chú” heo đen lon ton chạy trên các nẻo đường. Heo đen, thường chăn nuôi không chuồng trại, thả rông, chúng chỉ về gặp chủ khi đến giờ ăn.

Nắng Đông Tiến, Đông Giang buổi trưa oi ả, không gian yên ắng như ban đêm ở dưới phố. Đồng bào lên nương từ sáng sớm và trở về nhà khi mặt trời xuống núi, nên mọi nhà đều đóng cửa. Thỉnh thoảng bắt gặp ngôi nhà mở cửa, để ý chỉ có trẻ em, phụ nữ, người già. Tôi mon men đến bắt chuyện, làm quen với một nhóm người gồm phụ nữ và trẻ em ngồi hóng mát dưới gốc bằng lăng già. Họ phần lớn là người dân thôn 2, 1 trong 3 thôn của Đông Giang, nơi người dân sống chủ yếu bằng nghề chăn nuôi, trồng trọt.

Nhiều câu chuyện đời thường bao gồm chuyện heo chết vì dịch bệnh được nghe kể. Bà K’Thị Dung, K’Thị Rớt chừng ngoài 50 tuổi đều bảo: “Ở đây làm gì còn heo nữa! heo chết hết trong mùa dịch cuối năm qua…May mà chị Rớt để cho tôi 1 cặp nhốt trong chuồng, chứ thả rông là chết hết rồi”, bà Dung nói thêm.

 Dịch tả heo châu Phi bắt đầu xuất hiện khoảng giữa năm qua, làm chết hàng loạt đàn heo có giá trị kinh tế của các hộ chăn nuôi. Dịch len lỏi đến tận vùng cao xa xôi, nơi ai cũng tưởng rằng sẽ không có khả năng xảy ra, chưa kể heo đen có sức đề kháng cao. K’Mến nhỏ tuổi hơn xen vào: “Bà mình kể, ngày xưa cứ nghe có dịch gia súc là người ta bắt vào rừng sâu nuôi để cách ly, khi nào hết dịch mới đưa về bản trở lại. Cứ thả rông, không phòng dịch cho chúng thì chết hết. Giờ mua heo giống đắt đỏ vì heo nhà ai cũng bị chết. Ở Đông Giang chắc chỉ có nhà Lại Hùng may ra còn heo”, K’Mến nói thêm. 

                
   Heo của ông Hùng nuôi cách ly trong rừng.

Cách ly trong rừng

Qua lời K’Mến, tôi tìm đến nhà Lại Hùng. Lại Hùng thực chất là cái tên ghép của cặp vợ chồng nông dân K’Thị Lại và K’Văn Hùng trong xã, người dân quen gọi như vậy vì ở đây chỉ có ông bà khoanh rẫy làm “trang trại” chăn nuôi. Trang trại nằm sâu bên trong khu tái định cư của xã Đông Giang, được rào xung quanh bằng lưới B40. Ông Hùng cho biết: “Nhà mình có hơn chục con heo, trong mùa dịch vừa rồi chết 3 con gồm 1 heo mẹ và 2 heo con. Trang trại ở xa khu dân cư, nếu ở gần khu dân cư thì chắc chúng cũng chết hết rồi”. Cách trang trại Lại Hùng hơn 2 km đường rừng là chòi trông coi heo của ông K’Văn Giai, cư ngụ tại thôn 2. “Nhà ông Giai ở gần cửa hàng dịch vụ miền núi, ông ấy sợ heo của mình bị lây bệnh chết, nên đưa vào đây nuôi”, ông Hùng nói thêm về chuyện người hàng xóm.

Những gì ông Hùng nói đúng lúc tôi đang tìm kiếm lời giải cho câu chuyện bà của K’Mến kể. Tôi ngỏ lời đề nghị ông Hùng dẫn đến chỗ ông Giai, nhưng ông bảo đường rừng gập ghềnh hiểm trở khó đi. Nghĩ cũng sợ vì trời trưa đã chuyển về chiều, nếu buổi sáng tôi đã tìm cách đến chỗ ông Giai. Theo ông Hùng, không riêng ông Giai mà vài hộ khác ở vùng cao nổi tiếng không khí trong lành này đã đưa heo vào rừng sâu để trốn dịch. Số hộ đưa heo vào rừng cách ly, thiệt hại ít hơn heo thả đại trà trong khu dân cư. 

Khan hiếm heo giống

Heo đen đang trở nên hiếm sau đợt dịch tả heo châu Phi ở vùng cao. Những con còn sống sót qua mùa dịch được xem may mắn cho chủ của chúng. Hình ảnh bà Rớt vội vàng thiến con heo đực vì sợ mất heo, mới thấy heo đen giờ quý biết nhường nào đối với họ. Bà K’Thị Rớt kể, nhà có 6 con heo, trong đợt dịch tả heo châu Phi cuối năm rồi, khi hàng xóm báo tin, heo của bà chết ngoài đường. Nhiều ngày không thấy heo về nhà, bà tưởng chúng chết hết, ai ngờ lại thấy 1 heo mẹ dẫn bầy con về. Bà rất vui mừng và bán bớt cho những người có nhu cầu mua heo về nuôi. Tuy nhiên, không may số heo còn lại của bà tiếp tục chết, chỉ còn duy nhất 1 con đực.

Ở Đông Giang bây giờ gia đình nào có nhiều heo giống là gia đình đó đang làm ăn phát đạt. Giá heo giống hiện 1,2 triệu đồng/cặp, đắt gấp đôi trước khi dịch tả heo xảy ra. Chỉ những gia đình khá giả mới có điều kiện mua về nuôi, còn những hộ khó khăn phải chờ đến khi giá heo giống xuống thấp. “Nhà có 5 con heo tự nhiên chết hết. Bây giờ gia đình muốn nuôi lại nhưng không có tiền mua heo giống”, chị K’ Thị Hừng, 1 hộ nghèo ở thôn 3 nói. 

UBND các xã Đông Giang, Đông Tiến đã và đang khuyến khích người dân tái đàn heo. Ông K’Văn Góa – Chủ tịch UBND xã Đông Tiến cho biết, vừa qua dịch tả heo châu Phi khiến heo chết hàng loạt, hiện địa phương đang vận động bà con tái đàn. Vận động bà con nuôi cũng dễ vì phong tục tập quán người đồng bào là trong nhà phải có heo, dê để cuối năm cúng mừng lúa mới (Tết đầu lúa). Ở Đông Giang, chúng tôi yêu cầu nhà ai có heo sinh sản thì bán cho người dân trong xã, không bán ra bên ngoài. Cùng với chủ trương ấy, Trung tâm Kỹ thuật vàdịch vụ nông nghiệp Hàm Thuận Bắc đã hỗ trợ Đông Giang 12 con giống. Hy vọng số heo này cùng với số heo còn lại của bà con sẽ sinh sản đáp ứng nhu cầu nuôi heo của người dân trong xã. Bởi hiện nay xã còn 281 con, dự kiến đến cuối năm sẽ đạt 500 con.

Ghi chép của NINH CHINH



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024): 80 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành
Ngày 22/12/1944, tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là xóm Nà Sang, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐND Việt Nam) được thành lập theo Chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh. Ngày 22/12/2024 tròn 80 năm kỷ niệm sự kiện đặc biệt quan trọng này: Ngày thành lập QĐND Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thấy gì sau dịch tả heo châu Phi ở vùng cao?