Theo dõi trên

Thầy giáo Nguyễn Tất Thành qua những bài thơ viết về Phan Thiết

17/05/2019, 09:18

 BT- Đã trên một trăm năm kể từ ngày thầy giáo Nguyễn Tất Thành dừng chân dạy học tại vùng đất Phan Thiết. Thầy Thành dạy học ở Phan Thiết chỉ khoảng 9 tháng, trong năm 1910. Thời gian đó tuy ngắn ngủi, nhưng đã để lại trong lòng các học trò, các thầy giáo ở Trường Dục Thanh và người dân Phan Thiết những ấn tượng sâu sắc và đẹp đẽ.

                
Ngôi Trường Dục Thanh, nơi thầy Nguyễn Tất    Thành dừng chân dạy học. Ảnh: Đình Hòa

Ngôi Trường Dục Thanh, nơi thầy Thành dạy học - nay là khu di tích, nằm gần với Bảo tàng mang tên Người, nhiều năm qua đã đón biết bao khách vào thăm. Nhiều nhà thơ, nhà văn, nhà báo đã từng đến tham quan Khu Di tích Dục Thanh. Những kỷ vật cũ đã gợi biết bao cảm xúc, mở ra những suy tưởng, nhắc thế hệ sau biết bao điều. Và đã có những vần thơ được ghi lại.

Ký ức về thầy giáo

Nguyễn Tất Thành của ngày xưa

Nhà thơ Giang Nam đã sớm viết trong Thăm trường xưa Bác dạy:

“Ghế này xưa, Bác ngồi đọc sách

Căn gác này, Bác thức thâu đêm

Cây che mát những trò chơi tuổi trẻ

Màu hoa vàng như mặt trời lên.

Phan Thiết ơi, bao người còn nhớ

Bài học đầu tiên Bác dạy: hiểu mình

Thuở đất nước như con tàu trong bão

Đâu hướng mặt trời và cửa biển – Niềm tin?

Trường không giữ bước chân của Bác

Tuổi hai mươi khao khát câu trả lời…”

Thăm lại ngôi trường cũ, nhà thơ đã viết những vần thơ xúc động về Người. Khi nước nhà còn trong cảnh thuộc địa, chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành luôn canh cánh bên lòng câu hỏi lớn: Đâu là đường đi cho dân tộc để thoát khỏi xích xiềng thuộc địa?

Cảm xúc dạt dào với những liên tưởng phong phú, nhà thơ Lê Nguyên Ngữ đã viết nên Thăm di tích nơi trường xưa Bác dạy. Bài thơ gồm 5 phần với 156 dòng thơ, với rất nhiều những ý tưởng mới mẻ, những lời thơ đẹp và nhất là một lòng thành kính đối với Bác Hồ. Chúng ta hãy nghe lại một số đoạn trong bài thơ dài của anh:

“Con lần theo thương nhớ biết bao người,

Chợt bắt gặp nhớ thương mình ở đó

Khu Di tích là một ngôi trường nhỏ

Ngồi ghế học trò xúc động hóa thành thơ.

Phan Thiết tối chìm chẳng một ngọn đèn soi

Như con thuyền không tìm ra bến

Ngôi trường nhỏ một hôm Người đến

Cây khế sau vườn mừng trổ đỏ chùm bông.

Thao thức tìm đường đất nước đến bình minh

Ngọa du sào đêm đêm

Ngọn đèn vẫn thức

Bài giảng nào của Người cũng dễ nhớ, khó quên

Bởi bắt nguồn từ

Yêu quê hương dân tộc

Nước giếng vẫn trong và ngọt thiết tha

Gởi lại cho đời mạch trào mạch nhớ

Người gởi lại cho trường nỗi lòng trăn trở

Của buổi lên đường theo tiếng gọi núi sông…”

Ở một góc khác, góc nhìn của một người chiến sĩ đã nhiều năm chiến đấu trên chiến  trường cực Nam Trung bộ, nhà thơ Nam Hà đã ghi lại những ký ức về thầy Thành trong Trận tháng năm:

“Phan Thiết mà thời thanh xuân Bác đến

Thì vẫn như xưa, anh dũng, cần cù

Bóng Bác in sâu phố nghèo lao động

Tiếng Bác vẫn ấm Trường Dục Thanh”.

Nhà thơ Huy Cận cũng đã ghi lại những cảm xúc của mình khi về thăm Dục Thanh, Phan Thiết với những lời dạy của thầy Thành, gợi mở lòng dân:

“Trường Dục Thanh vang vọng vẫn nghe

Tiếng thầy Thành dạy trẻ xưa kia

Bác ơi, nước mất đau lòng Bác

Bác gọi lòng dân, nước lại về.

(Những cột buồm cao)

Nhà thơ Hoàng Trung Thông đi dọc những con đường của Phan Thiết bên dòng sông Cà Ty, cũng đã nhớ về thầy giáo Nguyễn Tất Thành với những nghĩ suy về đất nước, về dân tộc trong những ngày thầy dạy học ở Trường Dục Thanh:

“ Ngọa Du Sào ơi

Tôi bước nhẹ

Tôi đi

Bên dòng sông Cà Ty.

Tôi đã đi, như ngày xưa chắc Bác đã từng đi

Nước trong màu biển biếc

Thuyền cá đỗ, thuyền chài Phan Thiết

Nơi Bác nhìn sông, nhìn biển nghĩ suy”.

(Phan Thiết)

Nhà giáo Phạm Tường Đại cũng đã ghi lại những cảm xúc chân thành của mình bằng những lời thơ giản dị, mang những suy tưởng rộng mở, những hình ảnh lung linh trong bài Thăm khu vườn di tích:

“Tôi về thăm Khu Di tích Bác Hồ

Chiều Phan Thiết long lanh màu cẩm thạch

Hàng bông bụt trang nghiêm đón khách

Nắng soi rung nhẹ đuôi cờ.

Những cậu bé Dục Thanh năm xưa ngồi đó

Phút đầu tiên nghe Bác giảng bài.

Ghi dòng chữ đầu tiên trên trang sách cuộc đời

Có thấy điều chi trong viên phấn tay Người?”

Song, không chỉ có những ký ức về một thầy Thành của ngày xưa. Thăm Khu Di tích Dục Thanh, nhớ về những bài học cũ, những nhà thơ và những người con của thế hệ sau như được tiếp thêm nguồn năng lượng mới, mãi nhớ ơn Người, và nỗ lực để học tập những điều tốt đẹp nơi Người.

Học tập Bác Hồ ở ngày nay,

mãi nhớ ơn Người

Nhà thơ Lê Nguyên Ngữ đã nói hộ chúng ta điều này ở bài Thăm di tích nơi trường xưa Bác dạy:

“Khu Di tích con vào

Ve đã gọi hè sang

Mừng sinh nhật thầy, phượng dâng ngàn cánh đỏ

Lớp tuổi chúng con như học trò ngoại khóa

Bài vỡ lòng đầu tiên

Là mãi mãi nhớ ơn Người!

Con gọi thầm trong lớp:

Bác Hồ ơi!”

Còn đối với nhà thơ Giang Nam, sự son sắt thủy chung của lòng dân đối với cách mạng, đối với con đường mà Bác đã gợi mở có ý nghĩa lớn lao biết chừng nào:

“Tất cả vẫn như ngày có Bác

Hoa nở vàng, cánh cửa khép mong manh

Sông Cà Ty, bầu trời xanh gió mặn

Và thủy chung, trong suốt tấm lòng dân”

(Thăm trường xưa Bác dạy)

Tưởng vẫn chưa xưa cũ khi nhắc lại ý thơ của nhà thơ Nam Hà nói về những người con của quê hương Phan Thiết đi theo sự chỉ lối của Người:

“Chân ta đi gặp dấu chân Người

Ta bỗng thấy một trời cờ đỏ

Biển Phan Thiết dập dồn muôn sóng vỗ

Biển gọi về bao kỷ niệm Bác ơi!”

 (Trận tháng năm)

Nhà thơ Cẩm Hà nhìn vào khí thế đi lên của dân tộc ta, từ sự gieo mầm ngày trước của Người nơi mái Trường Dục Thanh, để với sự  đồng lòng của nhân dân, cuộc sống của chúng ta tiếp tục có những sắc màu mới:

“Ta đi lên

Từ cánh cổng Dục Thanh

Từ cây khế Bác trồng

Từ mái trường Bác dạy

Trang giáo án ngày lại mới

Ta đi lên, tay Bác vẫy nhịp nhàng

Ta chỉnh tề trong đội ngũ hành quân”.

(Ta đi lên )

Cứ thế, mỗi nhà thơ có những cách cảm nhận, thể hiện khác nhau về thầy giáo Nguyễn Tất Thành trong những tháng ngày thầy dạy học tại Trường Dục Thanh. Nhẹ nhàng có, mạnh mẽ có; những lời thơ ngắn có, dài cũng không thiếu. Những bài thơ ấy đã nói lên tiếng lòng của những nhà thơ và đâu đó, cũng là nói hộ tiếng lòng của mỗi người chúng ta: Phan Thiết, Bình Thuận là một miền đất vinh dự ghi dấu chân Người trên bước đường Người đi tìm đường cứu nước. Và Phan Thiết cũng là nơi lưu lại những vần thơ đẹp đẽ, đáng yêu viết về chàng thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành.

Minh Trí



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thầy giáo Nguyễn Tất Thành qua những bài thơ viết về Phan Thiết