Đến năm 2012, Chủ tịch UBND tỉnh đã có Công văn số 2710/UBND-KTN, giải quyết kiến nghị của Công ty TNHH Đức Bình về việc triển khai dự án trồng cao su tại xã La Dạ và Sở Nông nghiệp-PTNT có Công văn số 1456, thống nhất giải quyết đối với diện tích 74,68 ha đất dự án của Công ty TNHH Đức Bình như sau: Diện tích 8,33 ha đất nằm trong quy hoạch 3 loại rừng thuộc tiểu khu 189 là đối tượng rừng sản xuất công ty phải tổ chức khoanh nuôi bảo vệ. Diện tích nằm ngoài quy hoạch 3 loại rừng là 66,34 ha yêu cầu công ty tiếp tục triển khai nghiêm túc các biện pháp khoanh nuôi, bảo vệ rừng, chống phá rừng và chống lấn chiếm 11,26 ha đất lâm nghiệp đã được đưa ra khỏi quy hoạch 3 loại rừng qua các thời kỳ, nhưng thật sự còn rừng. Tạm dừng triển khai trong thời gian chờ xây dựng chính sách chung theo chỉ đạo của UBND tỉnh đối với 39 ha đất có rừng tự nhiên bị thoái hóa, không có khả năng phát triển thành rừng, thuộc đối tượng rừng nghèo kiệt, có trữ lượng thấp. Diện tích 15,99 ha đất trống, cây lùm bụi và đất rẫy nằm ngoài quy hoạch 3 loại rừng, công ty phối hợp với các ngành chức năng huyện Hàm Thuận Bắc, UBND xã La Dạ tổ chức bồi thường, hỗ trợ cho các hộ dân và cho phép san ủi mặt bằng để trồng cây công nghiệp theo tiến độ của dự án. Hiện công ty đã đầu tư trồng 15,99 ha cao su, cà phê, tiêu trên diện tích đất trống, không có rừng. Căn cứ kết quả kiểm kê rừng năm 2016, diện tích có rừng do Công ty TNHH Đức Bình quản lý là 58,16 ha tại xã La Dạ, trong đó nằm trong quy hoạch 3 loại rừng là 8,75 ha và nằm ngoài quy hoạch 3 loại rừng là 49,41 ha.
Theo quy định của UBND tỉnh tại Quyết định số 254/QĐ-UBND, ngày 26/1/2011, trong thời gian chờ giao đất tại thực địa, Công ty TNHH Đức Bình phải có trách nhiệm bảo vệ lâm sản có trên đất được cho thuê. Nếu để xảy ra tình trạng phá rừng công ty phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Khi phát hiện xảy ra phá rừng phải thông báo ngay cho UBND xã La Dạ biết để phối hợp cùng các ngành chức năng ngăn chặn, xử lý kịp thời.
Tuy nhiên, Công ty TNHH Đức Bình không xây dựng kế hoạch phòng chống phá rừng, phương án phòng cháy chữa cháy rừng và không tổ chức lực lượng quản lý, bảo vệ diện tích rừng khoanh nuôi theo chỉ đạo của UBND tỉnh. Tình trạng khai thác gỗ, lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép trên diện tích đất rừng được giao cho công ty quản lý xảy ra thường xuyên, phức tạp, gây bức xúc cho nhân dân. Qua kiểm tra của các ngành chức năng huyện Hàm Thuận Bắc đã phát hiện, xử lý 4 vụ khai thác lâm sản trái phép, gây thiệt hại 17,3 m3 gỗ các loại và 1 vụ phá rừng làm rẫy, với diện tích 410 m2 đất lâm nghiệp. Do đó, UBND huyện Hàm Thuận Bắc đã có công văn đề nghị Sở Nông nghiệp - PTNT tham mưu UBND tỉnh thu hồi 49,41 ha đất còn rừng của Công ty TNHH Đức Bình để đưa vào quy hoạch 3 loại rừng và thu hồi 8,75 ha rừng tại tiểu khu 189 của công ty giao cho Ban quản lý rừng phòng hộ Hàm Thuận- Đa Mi quản lý, bảo vệ. Đồng thời xem xét trách nhiệm của công ty trong việc quản lý, bảo vệ rừng, chống phá rừng, lấn chiếm đất rừng theo chỉ đạo của UBND tỉnh.
Tuấn Anh