Theo dõi trên

Thu hút nguồn vốn FDI trong 4 tháng đầu năm đạt kỷ lục

28/04/2019, 11:08

Tính đến ngày 20/4, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam đạt 14,59 tỷ USD, tăng 81% so với cùng kỳ năm 2018.

Theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong 4 tháng đầu năm đã đạt kỷ lục về giá trị vốn đầu tư đăng ký so với cùng kỳ trong vòng 4 năm trở lại đây.

Cụ thể, tính đến ngày 20/4/2019, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 14,59 tỷ USD, tăng 81% so với cùng kỳ năm 2018. Ngoài phần điều chỉnh vốn giảm hơn so với cùng kỳ, vốn đầu tư vẫn tăng mạnh ở hai hợp phần cấp mới và góp vốn mua cổ phần.

Dây chuyền sản xuất linh kiện cho các sản phẩm điện tử tại Công ty TNHH INOAC Viet Nam (vốn đầu tư của Nhật Bản), tại Khu công nghiệp Quang Minh (Hà Nội)

Theo đó, cả nước có 1.082 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn đăng ký cấp mới 5,34 tỷ USD, tăng 50,4% so với cùng kỳ năm 2018; có 1.653 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị vốn góp 5,68 tỷ USD, gấp 3 lần so với cùng kỳ 2018 và chiếm 52,6% tổng vốn đăng ký.

Về điều chỉnh vốn, có 395 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm 2,11 tỷ USD, bằng 94% so với cùng kỳ năm 2018.

Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, giải ngân vốn FDI ước đạt 5,7 tỷ USD, tăng 7,5% so với cùng kỳ năm 2018.

Xuất khẩu khu vực đầu tư nước ngoài, kể cả dầu thô đạt 55,42 tỷ USD, tăng 4% so với cùng kỳ năm 2018 và chiếm 70,4% kim ngạch xuất khẩu.

Xuất khẩu không kể dầu thô đạt 54,68 tỷ USD, tăng 3,9% so với cùng kỳ 2018 và chiếm 69,4% kim ngạch xuất khẩu.

Theo lĩnh vực đầu tư, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 19 ngành lĩnh vực; trong đó, đầu tư tập trung nhiều nhất vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo với tổng số vốn đạt gần 10,5 tỷ USD, chiếm gần 72% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Lĩnh vực hoạt động kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 1,1 tỷ USD, chiếm 7,5%. Lĩnh vực bán buôn, bán lẻ đứng thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký 742,7 triệu USD, chiếm 5%.

Về đối tác đầu tư, đã có 80 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam; trong đó, Hong Kong (Trung Quốc) dẫn đầu với tổng vốn đầu tư 4,7 tỷ USD, chiếm 32,5% tổng vốn đầu tư.

Hàn Quốc vươn lên đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 1,98 USD, chiếm 13,6% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam.

Singapore đứng vị trí thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký 1,87 tỷ USD, chiếm 12,8% tổng vốn đầu tư.

Theo địa bàn đầu tư, nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 53 tỉnh thành phố; trong đó, Hà Nội thu hút nhiều vốn đầu tư nước ngoài nhất với tổng số vốn đăng ký hơn 4,47 tỷ USD, chiếm 30,6% tổng vốn đầu tư.

Thành phố Hồ Chí Minh đứng thứ hai với tổng vốn đăng ký 2,37 tỷ USD, chiếm 16,3% tổng vốn đầu tư.

Bình Dương đứng thứ ba với tổng số vốn đăng ký hơn 1 tỷ USD chiếm 7% tổng vốn đầu tư.

TTXVN



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024): 80 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành
Ngày 22/12/1944, tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là xóm Nà Sang, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐND Việt Nam) được thành lập theo Chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh. Ngày 22/12/2024 tròn 80 năm kỷ niệm sự kiện đặc biệt quan trọng này: Ngày thành lập QĐND Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thu hút nguồn vốn FDI trong 4 tháng đầu năm đạt kỷ lục