Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng (ảnh 1: đi giữa) khảo sát, nắm tình hình |
Trong chuyến thực địa, đoàn đã đến khu vực đất dự kiến xây dựng công trình để quan sát, nắm bắt tình hình thực tế về địa hình, khí hậu và đời sống người dân quanh khu vực. Qua đó, nhằm có cách nhìn đúng, xây dựng phương án trình Thủ tướng Chính phủ xem xét. Sau chuyến thực địa, lãnh đạo Bộ Nông nghiệp&PTNT sẽ có buổi làm việc cụ thể với UBND tỉnh xung quanh vấn đề này.
Trước đó, theo đề án đánh giá tác động của việc xây dựng hồ La Ngà 3 đối với vùng hạ du sông Đồng Nai của Viện quy hoạch thủy lợi miền Nam (đơn vị tư vấn), việc xây dựng hồ La Ngà 3 sẽ có khả năng cấp nước tưới cho 77.600 ha đất sản xuất nông nghiệp của các tỉnh Bình Thuận, Đồng Nai; cấp nước sinh hoạt, công nghiệp, du lịch và dịch vụ công suất 300.000m3/ngày cho tỉnh Bình Thuận và 300.000m3/ngày cho tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm lũ và chống hạn hán; kết hợp phát điện với điện lượng trung bình năm là 152 triệu KWh. Sau khi xây dựng hồ La Ngà 3, tình trạng thiếu nước vùng phía Nam Bình Thuận không còn xảy ra, đảm bảo cho tỉnh Bình Thuận phát triển ổn định, đặc biệt là trong bối cảnh biến đổi khí hậu và nước biển dâng.
Khu vực đất dự kiến xây dựng công trình |
Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích đạt được, việc xây dựng hồ La Ngà 3 sẽ có những tác động đến khai thác và sử dụng nguồn nước vùng hạ du lưu vực sông Đồng Nai - Sài Gòn. Do nằm ở thượng lưu hồ Trị An nên việc sử dụng nước của hồ La Ngà 3 sẽ ảnh hưởng đến sản lượng điện, cũng như xả đẩy mặn hạ du. Đồng thời, việc xây dựng hồ La Ngà 3 sẽ phải dừng thủy điện La Ngâu vì cao trình mực nước dâng bình thường của hồ La Ngà 3 sẽ làm ngập mực nước hạ lưu nhà máy thủy điện La Ngâu.
KH