Bài 3: Những hiệu ứng lan tỏa
BT- Từ công tác tuyên truyền đến những chỉ đạo quyết liệt và xử lý nghiêm minh, đến nay việc chấp hành theo Chỉ thị 27 đã đi vào nề nếp và có hiệu ứng rất tích cực trong đội ngũ cán bộ công chức, viên chức (CBCCVC) tạo thêm niềm tin cho quần chúng nhân dân…
Ảnh: N.L |
Từ các tổ kiểm tra
Tính từ năm 2018 đến nay, theo Thanh tra Sở Nội vụ cho biết: Ngày 22/4/2014, Chủ tịch UBND tỉnh có quyết định thành lập Tổ Kiểm tra liên ngành thực hiện Chỉ thị số 27-CT/TU ngày 1/10/2012 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc nâng cao trách nhiệm và chấn chỉnh tác phong, giờ giấc làm việc, ý thức chấp hành của cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh (gọi tắt là Tổ Kiểm tra) với thành phần gồm các thành viên của Thanh tra Sở Nội vụ, đại diện Ban Nội chính Tỉnh ủy và Ban Tổ chức Tỉnh ủy, do Chánh Thanh tra Sở Nội vụ làm Tổ trưởng. Bên cạnh đó, ngày 5/9/2016, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 26/CT-TTg về việc tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong các cơ quan hành chính nhà nước các cấp. Theo đó, UBND tỉnh giao trách nhiệm cho Sở Nội vụ giúp UBND tỉnh đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kỷ luật, kỷ cương của cơ quan hành chính nhà nước các cấp trên địa bàn tỉnh theo Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 5/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Nội vụ đã xây dựng kế hoạch đi kiểm tra Chỉ thị số 26/CT-TTg tại một số cơ quan, đơn vị và địa phương. Ngày 2/10/2018, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2640/QĐ-UBND về việc thành lập Tổ Kiểm tra công vụ của tỉnh gồm 9 thành viên do Giám đốc Sở Nội vụ làm Tổ trưởng và đại diện lãnh đạo, công chức của các đơn vị gồm: Văn phòng UBND tỉnh, Thanh tra tỉnh, Sở Tư pháp, Sở Nội vụ. Nội dung kiểm tra của Tổ Công vụ gồm: Việc thực hiện các nhiệm vụ được UBND tỉnh giao; trách nhiệm của cơ quan, đơn vị trong phối hợp xử lý, giải quyết công việc với các cơ quan, đơn vị khác. Việc thực hiện các biện pháp đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính; thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính. Kết quả giải quyết thủ tục hành chính cho công dân đến thời điểm kiểm tra. Tinh thần, thái độ, trách nhiệm của công chức, viên chức và người lao động về các nội dung: Thực hiện công việc, nhiệm vụ được giao (có để quá hạn, bỏ sót nhiệm vụ được phân công; đùn đẩy trách nhiệm, né tránh công việc); thực hiện đạo đức, văn hóa giao tiếp của người cán bộ, công chức, viên chức; việc lợi dụng chức năng, nhiệm vụ để gây nhũng nhiễu, phiền hà, trục lợi khi xử lý, giải quyết công việc liên quan đến người dân và doanh nghiệp. Công tác xử lý trách nhiệm của cá nhân và trách nhiệm liên đới đối với người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị để xảy ra việc cán bộ, công chức, viên chức thuộc quyền quản lý trực tiếp của mình có hành vi gây nhũng nhiễu, phiền hà trong việc tiếp nhận và giải quyết công việc của người dân và doanh nghiệp; xử lý việc chậm trễ trong thực hiện nhiệm vụ được giao, trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra chậm trễ.
Ở tất cả các địa phương cũng đều thành lập các Tổ kiểm tra thường xuyên kiểm tra việc thực hiện chỉ thị để phát hiện kịp thời CBCCVC vi phạm…
Không phát hiện vi phạm
Năm 2018, Tổ Kiểm tra Chỉ thị 27 của tỉnh đã tiến hành 3 cuộc kiểm tra việc thực hiện Chỉ thị số 27-CT/TU, gồm: 1 cuộc kiểm tra đột xuất việc chấp hành giờ giấc làm việc theo Chỉ thị 27 tại Hội Đông y tỉnh; 2 cuộc kiểm tra hàng quán tại thành phố Phan Thiết. Kết quả chưa phát hiện trường hợp vi phạm. Đồng thời, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh tại Công văn số 402/UBND-NC ngày 3/10/2018 về việc xác minh, làm rõ thông tin phản ánh liên quan đến việc sử dụng xe công vụ. Sau khi phối hợp với Công an tỉnh xác minh, kết quả các xe công vụ theo đơn phản ánh đều thuộc ngành công an và đang thực hiện nhiệm vụ chở các đoàn đi công tác nên không vi phạm Chỉ thị số 27-CT/TU như phản ánh của công dân.
Bên cạnh đó, thực hiện Công văn số 4178/UBND-SNV của UBND tỉnh về việc thực hiện Chỉ thị số 26/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong các cơ quan hành chính nhà nước các cấp, sở đã tiến hành 8 cuộc kiểm tra, trong đó có gắn với việc kiểm tra chấp hành giờ giấc làm việc của cán bộ, công chức, viên chức theo Chỉ thị số 27-CT/TU tại UBND huyện Phú Quý, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Tư pháp, Sở Giao thông Vận tải, Sở Y tế, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND thị xã La Gi, Sở Giáo dục và Đào tạo. Ngoài ra, trong năm 2018, Tổ Kiểm tra Công vụ của tỉnh đã thực hiện 2 cuộc kiểm tra công vụ tại UBND thành phố Phan Thiết và Sở Xây dựng.
Trong 6 tháng đầu năm 2019, Tổ Kiểm tra Chỉ thị 27 của tỉnh đã tiến hành 6 cuộc kiểm tra, gồm: 5 cuộc kiểm tra đột xuất việc chấp hành giờ giấc làm việc theo Chỉ thị 27 tại UBND phường Mũi Né (2 cuộc), UBND thị trấn Phú Long, UBND phường Hàm Tiến, Chi cục Thi hành án dân sự tỉnh; 1 cuộc kiểm tra hàng quán tại thành phố Phan Thiết. Kết quả chưa phát hiện trường hợp vi phạm. Ngoài ra, Tổ Kiểm tra Công vụ của tỉnh còn thực hiện 2 cuộc kiểm tra công vụ tại Sở Thông tin và Truyền thông và UBND huyện Tuy Phong.
Việc nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương thành lập Tổ Kiểm tra việc thực hiện Chỉ thị 27-CT/TU và tiến hành tự kiểm tra thường xuyên tại cơ quan, đơn vị, địa phương mình cùng với việc kiểm tra, giám sát của Tổ Kiểm tra Chỉ thị 27-CT/TU của tỉnh đã kịp thời phát hiện, chấn chỉnh và xử lý các trường hợp cán bộ, công chức, viên chức vi phạm quy định Chỉ thị số 27-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Qua kiểm tra năm 2018 và 6 tháng đầu năm 2019 chưa phát hiện trường hợp vi phạm.
Như vậy, Chỉ thị 27 đã có tác dụng tích cực đến nhận thức và trách nhiệm của từng tổ chức, cơ quan, từng CBCCVC trên địa bàn toàn tỉnh trong việc chấp hành thời gian làm việc, nâng cao vai trò và trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ được phân công, chấp hành đúng quy định pháp luật, trật tự an toàn giao thông, tác phong, phong cách phục vụ nhân dân. Từ đó, hạn chế cơ bản tình trạng đi trễ về sớm, ăn uống tại hàng quán trong giờ hành chính, uống rượu, bia trong ngày làm việc. Nhìn chung, ý thức thực hiện chỉ thị của Đảng trong các cơ quan, đơn vị và đảng viên, CBCCVC đã chuyển biến và chấp hành ngày càng tốt hơn. Ý thức trách nhiệm, tinh thần và thái độ làm việc của đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức thay đổi từ khi Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị 27 và Chỉ thị 30. Đây thực sự tạo ra “cuộc cách mạng” lớn nhằm thay đổi nếp sống, sinh hoạt và phong cách làm việc của CB CCVC ở Bình Thuận.
“Nhằm chấn chỉnh phong cách, đạo đức công vụ, nêu cao trách nhiệm cá nhân trong thực thi công vụ… Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị 27. Sau khi chỉ thị được thực hiện đã có tác dụng rất rõ trong việc siết lại kỷ luật, kỷ cương, nâng cao trách nhiệm cá nhân trong thực hiện nhiệm vụ. Tuy nhiên về lâu dài, cái gốc vấn đề là nhận thức, làm sao từ mỗi cán bộ đảng viên luôn tu dưỡng, trau dồi đạo đức cách mạng; học tập và làm theo tư tưởng đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh để thấm nhuần những điều Bác dạy” - ông Hồ Trung Phước, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy cho biết thêm. |
Hà Thu Thủy