Theo dõi trên

Thương bụi chuối sau hè 

07/12/2018, 11:01

BT- Xơ rơ xác rác chuối tháng chạp. Gió tháng chạp se se nhưng đủ làm rách rưới lá mẹ lá con của bụi chuối sau hè. Nắng tháng chạp không đến nỗi đổ lửa nhưng cũng đủ làm cho những tàu lá già quắt queo. Và nữa, bánh tét, bánh ít, bánh ú, bánh cấp... cũng góp phần làm cho vườn lá giơ xương, một ngày mấy bận hàng xóm đến xin rọc lá về gói bánh cúng tết.

Thương bụi chuối sau hè hôm nay lại nhớ những bụi chuối ngày xưa nên viết vài dòng về cây chuối cho đỡ nặng lòng được chăng.

Chuối thân thảo mềm, héo chết sau khi trổ buồng vì vậy mà nhà Phật lấy cây chuối làm biểu tượng cho sự mong manh, không ổn định của vạn vật. Trong hội họa cổ của Trung Hoa ta thường thấy hình ảnh một hiền nhân đứng dưới gốc chuối ngẫm về sự vô thường là vì vậy. Riêng trong nhãn thức người Việt thì hình ảnh cây chuối lại gắn bó, thương thiết, bởi chuối thường được trồng ở miệt vườn, trồng sau nhà, bên hiên cạnh lu nước mưa và cái gáo dừa. Trong các bức họa ở xứ Việt thường có hình ảnh cây chuối, là chi tiết không thể thiếu của bức tranh quê. Lá chuối to bản nên có thể che nắng che mưa cho trẻ con hoặc để gói các loại bánh, xôi như đã nói trên. Trái chuối là loại trái cây nhiệt đới giàu dinh dưỡng được cả thế giới ưa chuộng, người Việt thường dâng cúng trên bàn thờ. Thân chuối dùng làm thức ăn cho người và gia súc. Củ chuối dùng làm thuốc. Cây chuối mộc mạc đứng quanh nhà, ven suối với màu xanh mát tạo cho con người cảm giác bình an.

Nhìn cây chuối có được cảm giác bình an là có thật, tôi không nói quá lên đâu. Ngày còn thiếu niên (học lớp 8), tôi ở trong rẫy một mình. Ngày đó tôi trẻ con lắm, cũng bày đặt giận đời, biết đời là cái rổ cái rá gì đâu mà cứ... giận đời. Mỗi khi chiều xuống một mình trong cái miệt hoang vu ấy, tôi thường ra đứng bờ suối với đôi mắt trừng trừng “hình viên đạn”. Men theo bờ suối có năm bảy bụi chuối sứ lớn. Chơ vơ và mỏi mệt, tôi chống tay vào cây chuối và nhìn vào đó. Kỳ diệu thay một lát sau lòng tôi đã chùng xuống, sự bình an không biết đến từ đâu đang lan tỏa trong người tôi... Cái mát mắt dẫn tới an lòng cũng là điều dễ hiểu.

                
Dùng lá chuối gói bánh ít.

Lại nói chuyện ngày xưa, lá chuối rọc cuống, phơi trong mát dùng để viết gọi là tiêu thư, vậy nên có câu: “Trúc khả tuyên thi, tiêu khả tác tự” (tre có thể khắc thơ, chuối có thể viết chữ). Nhà thơ Hoàng Đình Kiên còn viết: Bất hiềm lê hoắc lai đồng phạn/ Cánh triển ba tiêu khán học thư (Chẳng hiềm bữa cơm ăn với rau rác/ Thường mở lá chuối ra để học bài). Cũng xin nói thêm cây chuối còn có tên khác là ba tiêu, cam tiêu, lục thiên nên chữ tiêu trong mấy câu này được hiểu là chuối vậy. Thời của nhà thơ Hoàng Đình Kiên quả là nghèo thật, tôi cứ ngỡ thời của mình là nghèo nhất rồi, thì cũng bữa cơm “rau rác”, đêm phải đốt cây mè lên lấy ánh sáng học bài nhưng học thì sách vở hẳn hoi chứ không đến nỗi viết học trên lá chuối như ông, bởi thời của ông quả là xa quá xa. Mà cũng chưa biết chừng ngày nay, đặt lá chuối lên áng thư như ngày xưa rồi cứ thế mà đứng thẳng lưng vẩy mực tàu có khi lại độc đáo và thân thiện với môi trường.

Trong thi ca từ cổ chí kim, cây chuối có vị trí lớn lắm, ở bên Nhật có nhà thơ Haiku nổi tiếng lấy tên là Ba Tiêu (Basho), ở bên Tàu có cả trăm bài thơ về chuối, có lẽ nổi tiếng nhất là bài “Vị triển ba tiêu” (Cây chuối non chưa trổ) của Tiền Hử đời Đường:

“Lãnh chúc vô yên lục lạp can

Phương tâm do quyển khiếp xuân hàn

Nhất giam thư tráp tàng hà sự

Hội bị đông phong ám sách khan”

Nghĩa: (Thân chuối như) ngọn đuốc lạnh không khói, cây nến xanh/ Tấm lòng thơm như bởi sợ cái lạnh của mùa xuân (nên còn) cuộn tròn lại/ Một phong thư chất chứa những gì/ (Coi chừng) sẽ bị gió xuân lén mở ra xem.

Cái hay của thơ Đường thì khỏi phải bàn, ở đây chỉ nói sự ví von cây chuối với người con gái thanh tân mát lành thơm tho như vậy để thấy thái độ trân trọng cây chuối của người xưa. Câu cuối bài như một lời chọc ghẹo nhưng nhờ chữ “hội” mà duyên hẳn ra, tinh tế hẳn ra. Cũng xin mở ngoặc thêm, “đông phong” ở đây là gió thổi từ phương đông tới, chỉ ngọn gió xuân.

Thân phận cây chuối mong manh mà duyên lắm. Lại đi dưới cái nắng cái gió tháng chạp mà thương bụi chuối sau hè. Nếu là họa sĩ tôi sẽ vẽ cây chuối sau khi bị chặt buồng, tàu lá xơ rơ xác rác, một hình ảnh rất thương của chuối tháng chạp. Ai dám nói sự tàn tạ không phải là cái đẹp, cái đẹp của đức hy sinh ấy chứ, mà đã cái đẹp thì ở đời nên trân trọng vậy.

Nguyễn Hiệp



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thương bụi chuối sau hè